Cần trị dứt điểm hội chứng ruột kích thích

06:10, 23/10/2020

Hội chứng ruột kích thích (HCRKT) là tình trạng rối loạn chức năng ruột. Đây là bệnh lành tính, không gây nguy hiểm tới tính mạng nhưng khó trị dứt điểm nên gây ảnh hưởng khá nhiều tới chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Khó chẩn đoán chính xác

Khi mắc HCRKT, người bệnh có triệu chứng nổi bật tại hệ tiêu hóa cùng nhiều cơ quan khác.

Các triệu chứng về tiêu hóa: Bệnh nhân thường bị đau bụng vùng hạ vị và hố chậu trái, đôi khi có thể bị đau bên phải hoặc thượng vị, đau dọc theo khung đại tràng. Đau bụng thường liên quan đến đại tiện: thay đổi số lần đại tiện, hình thái phân. Đôi khi cơn đau không rõ vị trí gây khó xác định nguyên nhân thực sự. Bên cạnh đó, người bệnh còn có triệu chứng trướng bụng, tiêu chảy, táo bón hoặc tiêu chảy xen lẫn với táo bón theo từng đợt, có biểu hiện nóng ở vùng thượng vị, buồn nôn, ăn nhanh no,...

Các triệu chứng khác như đau đầu, mất ngủ, trầm cảm, mệt mỏi, rối loạn vị giác, rối loạn kinh nguyệt ở nữ, liệt dương ở nam, ,...

Triệu chứng HCRKT rất khác nhau giữa các bệnh nhân, thậm chí trên một người bệnh.Vì vậy, việc chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào việc loại trừ các bệnh gây tổn thương thực sự ở hệ thống tiêu hóa. Cũng vì không chẩn đoán chính xác nên HCRKT khó điều trị dứt điểm.

HCRKT là tình trạng rối loạn chức năng ruột.
HCRKT là tình trạng rối loạn chức năng ruột.

Nguyên nhân gây bệnh

Cơ chế bệnh sinh hiện chưa rõ, bệnh có liên quan đến nhiều yếu tố, 2 yếu tố chủ đạo là nhiễm trùng đường ruột và rối loạn tâm lý, ngoài ra yếu tố di truyền, ăn uống, dùng thuốc, nội tiết... Các yếu tố này làm phát sinh những động ruột bất thường, liên quan đến tính phản ứng cao của nhu động ruột và sự mẫn cảm của đường ruột.

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ dẫn tới HCRKT như: Yếu tố tâm lý: người bị lo âu, căng thẳng, mất ngủ kéo dài,... dễ mắc bệnh đại tràng co thắt; Thực phẩm tiêu thụ: Một số người mắc HCRKT vì thói quen ăn đồ sống, đồ tanh, sữa, đồ chua cay, sử dụng rượu bia hoặc chế độ ăn nhiều gia vị, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ; Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ mắc HCRKT cao gấp 2 - 3 lần nam giới.

Người bệnh còn chủ quan

Từ những nguyên nhân trên, có thể thấy, HCRKT có thể xảy ra với bất kỳ ai. Tuy nhiên, người bệnh thường chủ quan với các vấn đề rối loạn tiêu hóa, không coi đây là bệnh lý nghiêm trọng nên chỉ áp dụng các phương pháp điều trị tức thời để giảm nhẹ triệu chứng khi có dấu hiệu đau bụng, đi ngoài, táo bón,... HCRKT và cách chữa này chỉ chữa được phần ngọn, không loại trừ tận gốc của bệnh nên các triệu chứng sẽ tiếp tục tái phát khi gặp điều kiện thuận lợi. Đây cũng là một lý do khiến hội chứng đại tràng kích thích khó điều trị dứt điểm.

Vì vậy, khi được chẩn đoán mắc HCRKT, người bệnh cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ trong ăn uống, sinh hoạt và sử dụng thuốc để điều trị bệnh hiệu quả, giảm nguy cơ tái phát.

Lời khuyên của thầy thuốc

Để điều trị và phòng ngừa HCRKT hiệu quả, đối với bệnh nhân cần thực hiện: Tránh căng thẳng, lo âu, suy nghĩ;  Ăn uống đúng giờ, lượng vừa phải, không nên ăn uống quá nhiều; Kiêng đồ ăn tanh, lạnh, cay, ít dầu mỡ, lượng đạm vừa phải, tăng cường rau xanh chất xơ, hoa quả; Hạn chế uống bia rượu và cà phê. Hạn chế những đồ ăn uống sinh hơi như: đồ uống có ga, các loại đậu, bắp cải, nho, táo...

Theo suckhoedoisong.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com