Tăng mỡ máu là một chứng bệnh gặp khá phổ biến, đặc biệt ở người cao tuổi (NCT). Tăng mỡ máu có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống người bệnh, thậm chí gây biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, NCT nên làm gì để phòng chứng tăng mỡ máu?
Mỡ máu là gì?
Mỡ máu (lipid máu) có 2 loại chính, đó là cholessterol và triglycerit. Cholesterol là một chất béo có ở các mảng tế bào của tất cả các mô tổ chức trong cơ thể và sẽ được vận chuyển trong huyết tương con người để nuôi dưỡng cơ thể. Trong đó, phần lớn cholesterol được gan tổng hợp từ các chất béo bão hòa và một phần nhỏ được hấp thu bởi thực phẩm được đưa vào từ mỡ, lòng, phủ tạng động vật, trứng, sữa, thịt đỏ, tôm…
Cholesterol gồm cholessterol toàn phần, cholesterol tốt (HDL-C) và cholesterol xấu (Cholesterol thấp: LDL-C và rất thấp: VLDL-C). Cholesterol tốt có vai trò làm cho thành động mạch mềm mại để lưu thông máu tốt hơn và bảo vệ thành mạch máu chống lại sự xơ vữa. Trong khi đó cholesterol xấu hoặc rất xấu (có tỷ trọng thấp hoặc rất thấp) lại làm xơ vữa thành động mạch, từ đó hạn chế lưu thông máu, thậm chí tạo điều kiện cho việc hình thành cục máu đông hoặc mảng xơ vữa bị bong ra, sẽ gây tắc mạch hết sức nguy hiểm (gây nhồi máu cơ tim, đột qụy não).
Còn triglycerit là gì? Khi acid béo (loại tự do) được hấp thu qua gan và sẽ được chuyển thành cholesterol. Nếu như lượng acid béo này bị dư thừa chúng sẽ trở thành triglycerit. Tại gan, triglycerit sẽ sẽ kết hợp với chất apoprotein và được đưa ra khỏi gan dưới dạng lipoprotein có tỉ trọng thấp. Khi xuất hiện sự mất cân bằng giữa lipid vào gan và lipid ra khỏi gan, mỡ (lipid) sẽ tích lại trong gan gây nên tình trạng gan nhiễm mỡ. Hậu quả của gan nhiễm mỡ là làm xơ gan, nếu không được điều trị và có chế độ ăn uống hợp lý.
Khi nào được gọi là bị tăng mỡ máu?
Bình thường cholesterol toàn phần trong máu nhỏ hơn 5,2mmol/l, trong đó cholesterol xấu (có tỷ trọng thấp) nhỏ hơn 3,4mmol/l. Nếu xét nghiệm máu lúc đói có các chỉ số cholesterol lớn hơn 5,2mmol/l hoặc cholesterol xấu (LDL-C) lớn hơn 3,4mmol/l hoặc cả hai đều tăng so với chỉ số bình thường, lúc này được gọi là tăng mỡ máu. Bên cạnh đó tryglicerid có chỉ số bình thường trong máu là 2,26mmol/l, khi chỉ số này cao hơn chứng tỏ mỡ máu cao. Như vậy, khi một trong ba loại (cholesterol toàn phần, cholessterol xấu và tryglicerit) hoặc hai trong ba loại hoặc cả ba tăng hơn chỉ số bình thường là hiện tượng tăng mỡ máu.
Để ngừa mỡ máu cao, cần thường xuyên tập thể dục hoặc chơi các môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, cầu lông… |
Nguyên nhân gây tăng mỡ máu
Hầu hết là do thói quen ăn uống và sinh hoạt không hợp lý của mỗi người chính là nguy cơ mắc bệnh tăng mỡ máu, đặc biệt, NCT còn do suy giảm các chức năng cuả cơ thể, nhất là các cơ quan có vai trò điều tiết mỡ máu (gan, mật…). Vì vậy, tăng mỡ máu có liên quan mật thiết với chế độ dinh dưỡng và chế độ sinh hoạt, sự vận động cơ thể. Do đó, những NCT có chế độ dinh dưỡng không hợp lý xẩy ra tương đối thường xuyên hoặc có thói quen ăn nhiều mỡ, lòng, phủ tạng động vật, các loại thịt đỏ (thịt trâu, bò, chó, ngựa…), tôm, lòng đỏ trứng, sữa toàn phần, bơ trong các bữa ăn chính hàng ngày sẽ có nguy cơ tăng mỡ máu. Những người béo phì, lười hoặc ít vận động là một trong các nguy cơ làm tăng mỡ máu. Ngoài ra, một số tác giả cho rằng có một số bệnh gây rối loạn chuyển hóa (đái đường), hoặc di truyền cũng có thể có nguy cơ làm tăng mỡ máu.
Biến chứng nguy hiểm do tăng mỡ máu đối với người cao tuổi
Cholesterol rất cần cho sự hoạt động của màng các tế bào trong cơ thể, cần cho sự hoạt động của cơ thể để sản xuất ra một nội tiết tố và cũng là thành phần rất quan trọng của muối mật. Tuy vậy, khi cholesterol tăng cao, nhất là loại cholesterol toàn phần và đặc biệt là Cholesterol xấu (LDC - C) sẽ gây tăng huyết áp, dẫn đến nhiều hệ lụy xấu như rối loạn tuần hoàn não, cơn thiếu máu não thoáng qua, xuất huyết não, hoặc nhồi máu cơ tim. Với NCT, xơ vữa động mạch là một nguy cơ xấu cho hệ tim mạch, bởi vì, ngoài tác dụng làm tăng huyết áp, xơ vữa động mạch còn làm cho lòng động mạch hẹp lại, tạo ra các cục máu đông gây tắc mạch đặc biệt là động mạch não, động mạch vành. Nếu các mảng xơ vữa động mạch này bị bong ra, đi theo dòng máu đến các động mạch nhỏ (động mạch vành tim, động mạch não) sẽ làm tắc động mạch gây nhồi máu cơ tim hoặc tắc mạch não làm nhũn não gây đột quỵ, nếu không cấp cứu kịp thời có thể tử vong. Do đó, một trong những tai biến đột qụy ở NCT là do tăng huyết áp hoặc do xơ vữa động mạch hoặc cả hai lý do mà tăng mỡ máu là một trong các nguyên nhân đáng kể gây ra.
Làm gì để phòng bệnh xơ vữa động mạch?
Để phòng tăng mỡ máu, NCT cần lưu ý hạn chế ăn mỡ động vật, thay vào đó là ăn dầu thực vật trong các bữa ăn chính. Hạn chế hoặc không nên ăn lòng, phủ tạng động vật, các loại thịt có màu đỏ (thịt trâu, bò, chó…). Do đó, NCT nên ăn cá thay cho thịt (mỗi tuần nên ăn 2 - 3 bữa cá, chọn loại cá giàu omega-3 như cá hồi, cá ngừ). Thêm vào đó, nên tăng cường ăn rau, trái cây (cam, bưởi, táo, nho, cam quýt, rau xanh, bắp cải, củ cải, cải bẹ, cải xanh, cà rốt, cà chua, cà tím, đu đủ, hành…) hoặc ăn thêm tỏi (hoặc uống dầu tỏi), các loại hạt (đỗ, lạc, giá đỗ). Nên kiêng rượu bia hoặc hạn chế đến mức tối đa. Tập thể dục đều đặn hoặc chơi các môn thể thao nhẹ nhàng (cầu lông, bóng bàn…) hoặc đi bộ (là hình thức vận động phù hợp nhất với NCT). Tuy vậy, mỗi ngày chỉ nên đi bộ khoảng 60 phút, chia làm 2 - 3 lần, không nên đi bộ một lúc 60 phút và không nên đi bộ vào lúc trời nắng hoặc thời tiết lạnh.
NCT nên khám bệnh theo định kỳ, nhất là người có tiền sử tăng mỡ máu, tăng huyết áp kèm theo bệnh đái đường.
Theo suckhoedoisong.vn