Bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính, nhiễm trùng - nhiễm độc do trực khuẩn Bạch hầu Corynebacterium Diphtheriae gây nên. Đường lây chủ yếu là đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với trực khuẩn bạch hầu có trong dịch tiết từ mũi, họng của bệnh nhân. Tổn thương của bạch hầu là viêm, loét ở vùng mũi, họng, thanh quản với những màng giả mạc kèm theo biểu hiện nhiễm độc nặng, tổn thương khắp các cơ quan, nhất là hệ thần kinh trung ương, tim mạch, thận và thượng thận do ngoại độc tố (là độc tố do vi khuẩn tiết ra môi trường) theo hệ tuần hoàn và bạch huyết đi khắp cơ thể gây ra. Bệnh bạch hầu lây lan nhanh và có thể tử vong nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời. Từ đầu tháng 6-2020 đến nay, bệnh bạch hầu gia tăng nhanh và ghi nhận các ổ dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh, một số tỉnh khu vực Tây Nguyên và đã có trường hợp tử vong. Trước tình hình bệnh bạch hầu bùng phát tại một số địa phương trong cả nước, tỉnh ta đã chủ động triển khai nhiều giải pháp hiệu quả phòng, chống bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh.
Tiêm phòng bệnh uốn ván, bạch hầu cho người dân tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. |
Ngày 28-7-2020, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 322/UBND-VP7 chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố chủ động kiểm soát, ngăn chặn kịp thời dịch bệnh bạch hầu, không để lây lan. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Y tế phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông, các huyện, thành phố triển khai chiến dịch truyền thông, giáo dục sức khỏe tại cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của việc tiêm chủng đầy đủ; các biện pháp phòng hộ cá nhân, vệ sinh nhà ở, vệ sinh môi trường xung quanh, hạn chế tiếp xúc với người bệnh, người nghi mắc bệnh. Cung cấp thông tin cần thiết, khuyến cáo các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu để người dân hiểu, chủ động thực hiện, khi có dấu hiệu mắc bệnh đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Sở Y tế đã ban hành Công văn số 1031/SYT-NVY chỉ đạo các bệnh viện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu. Theo đó, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị triển khai công tác kiểm soát dịch bệnh tại các ổ dịch bạch hầu cũ, tăng cường các hoạt động: giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, ổ dịch mới phát sinh, cách ly kịp thời các trường hợp mắc, khoanh vùng, thực hiện vệ sinh môi trường, khử khuẩn, xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lan rộng, kéo dài. Tổ chức điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp có nguy cơ. Các cơ sở khám chữa bệnh đã tổ chức tập huấn, phổ biến Quyết định số 2957/QĐ-BYT ngày 10-7-2020 của Bộ Y tế hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh bạch hầu cho toàn bộ nhân viên y tế tham gia công tác khám, chữa bệnh. Tiến hành rà soát về nhân lực, trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế... Chuẩn bị phương án tổ chức thực hiện việc sàng lọc, cách ly, thu dung, điều trị, chăm sóc người bệnh bạch hầu theo nguyên tắc “phát hiện sớm, cách ly ngay” khi phát hiện ca bệnh, chăm sóc toàn diện người bệnh, điều trị và xử lý kịp thời các biến chứng nhằm hạn chế tới mức thấp nhất tỉ lệ tử vong. Phối hợp với các đơn vị y tế dự phòng trong công tác giám sát ca bệnh để kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người bệnh, người nhà người bệnh các biện pháp bảo đảm sức khỏe, phòng, tránh bệnh bạch hầu, đặc biệt là các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn như giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh tay, vệ sinh hô hấp, vệ sinh khi ho, tẩy uế sát khuẩn đồ dùng vật dụng,... phòng tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Các địa phương xác định rõ địa bàn, đối tượng có nguy cơ mắc bệnh, lập kế hoạch tổ chức tiêm đầy đủ vắc-xin phòng, chống bệnh bạch hầu cho các nhóm đối tượng. Tăng cường triển khai tiêm vắc-xin có thành phần phòng, chống bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Đẩy mạnh công tác tiêm chủng phòng bệnh đúng lịch, đủ mũi, an toàn, chất lượng, đặc biệt rà soát các đối tượng chưa được tiêm vắc-xin hoặc tiêm chưa đầy đủ các vắc-xin có thành phần bạch hầu để tổ chức tiêm vét, đảm bảo tất cả các trẻ kể cả trẻ vãng lai trên địa bàn đều được tiêm đủ các mũi tiêm cơ bản và nhắc lại, đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 95% ở tất cả các xã, phường, thị trấn để tránh việc trẻ bị mắc bệnh do tiêm vắc-xin muộn hoặc không được tiêm. Sở Y tế tổ chức các đoàn đi kiểm tra, chỉ đạo kịp thời công tác phòng, chống dịch bệnh; tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh bạch hầu.
Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai các hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục, trường học, lớp học, nhà trẻ, đảm bảo môi trường thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Theo dõi sức khỏe của trẻ tại các trường mầm non, tiểu học và THCS, thông báo cho cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh (sốt kèm theo đau họng, ho hoặc khàn tiếng) để được cách ly, xử lý kịp thời, không để bùng phát ổ dịch.
Theo thông tin từ Sở Y tế, đến nay trên địa bàn tỉnh không có ca bệnh bạch hầu. Tuy nhiên, bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, lây lan nhanh qua đường hô hấp. Tất cả mọi đối tượng, lứa tuổi, giới tính đều có thể mắc bệnh bạch hầu, lứa tuổi dễ mắc bệnh là trẻ em dưới 15 tuổi. Biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay để phòng bệnh bạch hầu là tiêm vắc-xin để tạo kháng thể kháng độc tố bạch hầu. Để chủ động trong công tác phòng chống bệnh bạch hầu, ngành Y tế khuyến cáo người dân đưa trẻ đi tiêm vắc-xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu đầy đủ, đúng lịch. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày, hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu cần phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời./.
Bài và ảnh: Minh Tân