Những năm qua huyện Hải Hậu đã tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng, các xã, thị trấn đẩy mạnh thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), duy trì mức sinh hợp lý, cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản, từng bước nâng cao chất lượng dân số.
Xã Hải Giang tổ chức truyền thông lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Ảnh: Do cơ sở cung cấp |
Đồng chí Đỗ Văn Vận, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hải Hậu cho biết: Ngay từ đầu năm, UBND huyện Hải Hậu đã ban hành kế hoạch triển khai các hoạt động của Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số năm 2020; đẩy mạnh thực hiện các đề án: Giảm thiểu mất cân bằng giới tính ở trẻ mới sinh; sàng lọc trước sinh và sơ sinh; tiền hôn nhân; Đề án kiểm soát, nâng cao chất lượng dân số vùng biển: Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi… Tháng 5-2020, UBND huyện xây dựng Kế hoạch hành động số 31 (ngày 11-5-2020) về thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn huyện. Trong đó, công tác tuyên truyền thường xuyên được đổi mới phù hợp với từng nhóm đối tượng, nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của các ngành, đoàn thể đối với công tác DS-KHHGĐ. Các ngành chức năng, các xã, thị trấn tập trung tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ như: Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25-10-2017 về công tác dân số trong tình hình mới; Pháp lệnh Dân số sửa đổi; Kế hoạch hành động giai đoạn 2020-2025 thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030; Chương trình điều chỉnh mức sinh tỉnh Nam Định đến năm 2030; sự gắn kết giữa dân số với phát triển bền vững, nâng cao chất lượng dân số, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi… Từ đầu năm 2020 đến nay, huyện đã tổ chức các hội nghị tập huấn triển khai kế hoạch hành động giai đoạn 2020-2025, thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 cho các đối tượng: thành viên Ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ huyện; lãnh đạo các phòng, ban, các ngành, đoàn thể của huyện; Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND (phụ trách công tác DS-KHHGĐ) các xã, thị trấn; cán bộ Dân số - Gia đình - Trẻ em, đội ngũ cộng tác viên DS-KHHGĐ các xã, thị trấn. Trung tâm Y tế huyện phối hợp với Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh tổ chức tập huấn, triển khai chương trình điều chỉnh mức sinh tỉnh Nam Định đến năm 2030 cho 130 cán bộ Dân số - Gia đình - Trẻ em, cộng tác viên DS-KHHGĐ… Trung tâm Y tế huyện phối hợp với Hội LHPN, Hội Nông dân các xã, thị trấn tổ chức truyền thông các nội dung về nâng cao chất lượng DS-KHHGĐ, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh và các hoạt động của Đề án Kiểm soát Dân số vùng biển, đảo và ven biển. Phối hợp với Bệnh viện Đa khoa huyện tổ chức tư vấn nâng cao nhận thức của việc sàng lọc sơ sinh cho các sản phụ tại Khoa Phụ sản và tổ chức lấy máu gót chân cho các đối tượng theo quy định. Phối hợp với Đoàn Thanh niên huyện, Đoàn Thanh niên xã Hải Long, Ban DS-KHHGĐ xã Hải Long tổ chức truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho học sinh khối 9 của Trường THCS xã Hải Long. Ban DS-KHHGĐ các xã, thị trấn tổ chức các hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày Thalassemia Thế giới (8-5), Ngày Dân số Thế giới 11-7-2020... Bên cạnh đó, huyện đã rà soát, kiện toàn đội ngũ cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số ở các xã, thị trấn đảm bảo đủ số lượng và chất lượng để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Trung tâm Y tế huyện duy trì giao ban hàng tháng với đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số các xã, thị trấn, lồng ghép với việc tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền, vận động. Đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số các xã, thị trấn và cộng tác viên dân số luôn năng động, tích cực “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng đối tượng”, vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện KHHGĐ. Huyện và các xã, thị trấn đã tổ chức Chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản/KHHGĐ đợt I-2020 và đã thu hút được đông đảo nhân dân tham gia. Nhiều cặp vợ chồng đã chủ động đến trạm y tế làm dịch vụ KHHGĐ vì không muốn sinh đông con, xây dựng kinh tế gia đình, nuôi con khỏe, dạy con ngoan và tránh mang thai ngoài ý muốn ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân. Tính đến nay, toàn huyện có 1.143 ca đặt dụng cụ tử cung; trên 2.700 người sử dụng thuốc tránh thai uống; 113 ca tiêm thuốc tránh thai; gần 3.500 người sử dụng bao cao su... Với những biện pháp đồng bộ, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên, tỷ lệ giảm sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở huyện có những chuyển biến tích cực. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh được kiểm soát; cải thiện tình trạng sức khoẻ bà mẹ, trẻ em… Trong 8 tháng đầu năm 2020, toàn huyện có 1.551 trẻ được sinh ra, tăng 66 trẻ so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó có 310 trẻ là con thứ 3 trở lên, giảm 136 cháu so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ số giới tính khi sinh ở mức 128 bé trai/100 bé gái (cùng kỳ năm 2019 là 115 bé trai/100 bé gái). Huyện tiếp tục triển khai hiệu quả các mô hình, đề án: Tư vấn và khám sức khoẻ tiền hôn nhân cho nhóm vị thành niên và thanh niên; can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; sàng lọc trước sinh và sơ sinh; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng…
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác DS-KHHGĐ của huyện Hải Hậu còn gặp một số khó khăn. Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 gây rất nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện các hoạt động của Chiến dịch truyền thông lồng ghép đợt I-2020. Vì vậy, kết quả làm dịch vụ KHHGĐ không được cao so với cùng kỳ năm 2019. Đội ngũ cán bộ dân số ở xã, thị trấn, cộng tác viên DS-KHHGĐ xóm, tổ dân phố thường xuyên thay đổi, do đó việc tham mưu triển khai thực hiện nhiệm vụ ở một số xã, thị trấn còn gặp nhiều khó khăn. Công tác tuyên truyền, vận động còn mang tính thời vụ. Đối tượng tuyên truyền mới chỉ tập trung chủ yếu vào phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
Nhằm tiếp tục giảm sinh, sớm đưa mức sinh về mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con); đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu “dân số vàng”; thích ứng với già hóa dân số, phân bố dân số hợp lý, nâng cao chất lượng dân số, thời gian tới, huyện Hải Hậu tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác DS-KHHGĐ. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về DS-KHHGĐ với các biện pháp và hình thức phù hợp với từng đối tượng. Phát động và tổ chức hiệu quả chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ đợt II-2019 (15-8 đến 30-10-2020) để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch giao năm 2020. Kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động đội ngũ cộng tác viên DS-KHHGĐ, kiên quyết thay thế cộng tác viên yếu kém về chuyên môn, hoạt động không hiệu quả, từng bước thực hiện lồng ghép cộng tác viên DS-KHHGĐ với nhân viên y tế xóm, tổ dân phố (ở những xã, thị trấn có đủ điền kiện) để nâng cao hiệu quả công việc và tăng thêm tiền phụ cấp để họ yên tâm công tác. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để có biện pháp thúc đẩy kịp thời đối với những đơn vị khó khăn trong việc thực hiện các chỉ tiêu DS-KHHGĐ. Tổ chức thực hiện tốt các dịch vụ tránh thai đảm bảo an toàn, thuận tiện cho mọi đối tượng có nhu cầu. Xã hội hóa cung cấp dịch vụ/phương tiện tránh thai nhằm thích ứng với giai đoạn chuyển từ DS-KHHGĐ sang giai đoạn dân số và phát triển./.
Minh Tân