Chứng loãng xương thường xảy ra ở người luống tuổi và cao tuổi. Tuy nhiên hiện nay, loãng xương xảy ra ngay cả ở tuổi 30. Chứng loãng xương sớm gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe.
Loãng xương hay còn gọi là giòn xương hoặc xốp xương, là hiện tượng xương liên tục mỏng dần và mật độ chất trong xương ngày càng thưa dần, điều này khiến xương giòn hơn, dễ tổn thương và dễ bị gãy dù chỉ bị chấn thương nhẹ.
Nguyên nhân gây loãng xương sớm
Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ mắc loãng xương nhiều hơn nam giới. Tuổi càng cao, nguy cơ loãng xương càng tăng. Tiền sử gia đình: người có cha mẹ bị gãy xương do loãng xương có nguy cơ bị loãng xương cao hơn so với những gia đình khác. Người có khung xương nhỏ có nguy cơ mắc loãng xương cao hơn so với người cao lớn.
Nồng độ hormon: Loãng xương có thể xảy ra ở người bệnh có quá nhiều hoặc quá ít một số loại hormon. Tiêu biểu nhất là sự giảm nồng độ estrogen ở phụ nữ và testosterone ở nam giới
Tăng hormon tuyến giáp làm tăng nguy cơ hủy xương. Loãng xương còn liên quan đến các bệnh lý cường hoạt động của tuyến cận giáp và tuyến thượng thận.
Người có lối sống sinh hoạt không hợp lý, ít vận động, thường xuyên mang vác các vật nặng, lao động vất vả, có chế độ dinh dưỡng thiếu canxi... cũng dễ bị loãng xương hơn người khác.
Bệnh loãng xương tiến triển thầm lặng. |
Triệu chứng của loãng xương
Bệnh loãng xương tiến triển thầm lặng. Tình trạng giảm mật độ xương do loãng xương thường không biểu hiện rõ ràng. Người bệnh có thể không biết mình mắc bệnh cho đến khi xương trở nên yếu đi, dễ gãy khi gặp những sang chấn nhỏ, ví dụ như trẹo chân, va đập hoặc té ngã.
Giảm mật độ xương khiến xương ở cột sống có thể bị xẹp (còn gọi là gãy lún). Biểu hiện của tình trạng này bao gồm cơn đau lưng cấp, giảm chiều cao, dáng đi khom và gù lưng.
Một trong những triệu chứng loãng xương dễ nhận thấy nhất là cảm giác đau nhức các đầu xương, người bệnh sẽ cảm thấy mỏi dọc các xương dài, thậm chí đau nhức như bị kim chích toàn thân. Đau ở vùng xương chịu gánh nặng của cơ thể thường xuyên như: cột sống, thắt lưng, xương chậu, xương hông, đầu gối, những cơn đau lặp lại nhiều lần sau chấn thương, cơn đau thường âm ỉ và kéo dài lâu. Những cơn đau sẽ tăng lên khi vận động, đi lại, đứng ngồi lâu và sẽ thuyên giảm khi nằm nghỉ.
Đau ở cột sống, thắt lưng hoặc hai bên liên sườn, gây ảnh hưởng đến các dây thần kinh liên sườn, dây thần kinh đùi và thần kinh tọa. Những cơn đau trở nặng khi vận động mạnh hoặc bất ngờ thay đổi tư thế.
Đối với lứa tuổi trung niên, loãng xương thường đi kèm với các dấu hiệu của bệnh giãn tĩnh mạch, thoái hóa khớp, tăng huyết áp... Nhiều trường hợp chỉ phát hiện khi có những biểu hiện gãy xương. Loãng xương là nguyên nhân chính gây gãy xương ở phụ nữ sau mãn kinh và người cao tuổi... Gãy xương do loãng xương, thường gặp là gãy đầu trên xương đùi, xương cánh tay, đầu dưới xương cẳng tay, xương sườn, xương chậu và xương cùng; thường bị nứt xương cột sống, xương cổ tay, xương hông hoặc xương ở các khu vực khác...
Điều chỉnh thói quen để chặn loãng xương sớm
Chế độ ăn: Loãng xương có thể xảy ra ở những đối tượng có chế độ ăn ít canxi dẫn đến loãng xương. Người mắc chứng biếng ăn, cung cấp không đủ dẫn đến thiếu năng lượng, protein và canxi có nguy cơ cao bị loãng xương. Yếu tố liên quan tình trạng loãng xương sớm là ăn nhiều muối. Mỗi người mỗi ngày chỉ cần ăn tổng cộng khoảng 5g muối/ngày là đủ. Ăn nhiều muối bao nhiêu sẽ làm thất thoát lượng canxi trong cơ thể bấy nhiêu.
Thói quen uống quá nhiều nước ngọt có ga, cà phê hoặc trà sẽ làm hỏng xương. Những người uống nhiều bia rượu sẽ bị loãng xương sớm. Nguyên nhân do rượu gây cản trở sự hấp thụ canxi của cơ thể.
Nên có chế độ ăn cung cấp đủ lượng canxi mỗi ngày: Qua nguồn thức ăn cung cấp nhiều canxi bao gồm: sữa và các sản phẩm sữa chứa ít chất béo, rau xanh, hải sản, các sản phẩm từ đậu nành, ngũ cốc và hoa quả tươi...
Lối sống ít vận động: làm cho con người có nguy cơ mắc loãng xương cao hơn nhiều lần những người thích vận động. Nếu đặc thù công việc ngồi yên một chỗ, cơ bắp sẽ bị lão hóa một cách nhanh chóng. Ngoài ra, các khớp xương không được vận động sẽ trở nên yếu hơn so với người hay vận động. Vì vậy, nên tập luyện mỗi ngày giúp mọi người có khung xương chắc khỏe và cơ thể khỏe mạnh... Khi thấy có những biểu hiện của bệnh loãng xương thì cần đi khám ngay để có giải pháp điều trị.
Do dùng thuốc: Theo thói quen, nhiều người có bệnh là tự đi mua thuốc uống mà không để ý tác dụng phụ của thuốc. Một số loại thuốc uống dài ngày sẽ tác động tiêu cực đến xương như thuốc chống động kinh và corticosteroid có thể gây mất hoặc hao hụt xương. Ngoài ra, loãng xương còn có thể xảy ra khi dùng các thuốc điều trị co giật, trào ngược dạ dày - thực quản, ung thư và chống thải ghép.
Giảm cân không đúng cách: Trong quá trình chuyển hóa dinh dưỡng, lượng lipit hợp lý sẽ chuyển hóa thành estrogen, giúp tăng khả năng hấp thụ canxi, thúc đẩy quá trình hình thành xương và ngừa loãng xương. Tuy nhiên, khi giảm cân quá mức sẽ giảm dinh dưỡng cung cấp cho xương làm giảm mật độ xương, loãng xương.
Theo suckhoedoisong.vn