Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi mùa nắng nóng

08:07, 15/07/2020

Hiện nay, miền Bắc đang trong đợt nắng nóng lịch sử kéo dài, được coi là đợt nắng nóng nhất trong 27 năm qua với nhiều ngày liền duy trì nhiệt độ ban ngày 37-390C, lúc cao điểm nhiệt độ ngoài trời lên tới trên 400C. Nắng nóng gay gắt làm ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân, nhất là đối với người cao tuổi. 

Thầy thuốc Bệnh viện Phổi tỉnh khám bệnh cho bệnh nhân.  Bài và ảnh: Minh Tân
Thầy thuốc Bệnh viện Phổi tỉnh khám bệnh cho bệnh nhân. 

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Tấn Phong, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Những ngày nắng nóng, trung bình mỗi ngày Khoa đón tiếp khoảng 1.000 bệnh nhân, tăng 20% so với ngày bình thường, có ngày cao điểm số lượng bệnh nhân đến khám tới 1.300 người. Bệnh nhân chủ yếu là người cao tuổi với các bệnh như: bệnh về đường tiêu hóa, ngộ độc thức ăn; bệnh về đường hô hấp; tai biến mạch máu não… Tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, số lượng bệnh nhân là người cao tuổi, người có các bệnh lý nền như huyết áp, tim mạch, đái tháo đường đến khám tăng nhẹ. Bệnh thường gặp nhất vào mùa nắng nóng, là say nắng. Thời tiết nóng nực, người cao tuổi, người lao động nặng nhọc bị tác động nhiều nhất. Người cao tuổi làm việc hay sinh hoạt dưới trời nắng nóng thường hay bị sốc nhiệt. Sốc nhiệt làm cho nhiệt độ tăng cao thường là trên 40 độ. Đối với người cao tuổi, khi cơ thể bị mất nước và chất điện giải thì khả năng tự điều chỉnh là rất khó khăn, dẫn đến tổn thương các cơ quan như thần kinh, nhẹ thì làm cho cơ thể luôn trong tình trạng mệt mỏi, bủn rủn tay chân, chóng quên và hay cáu gắt; nặng hơn, có thể truỵ tim mạch, suy đa tạng dẫn đến tử vong. Để phòng tránh sốc nhiệt, say nắng, người cao tuổi không nên ra ngoài đường hoặc tắm biển lúc trời đang nắng nóng, hoặc nếu đi thì nên đội mũ rộng vành hoặc che ô, không ngồi lâu một tư thế khi có tia nắng mặt trời chiếu thẳng vào gáy. Làm việc trong điều kiện nắng nóng cần uống thêm nước có pha một ít muối ăn. Bên cạnh đó, người cao tuổi cũng rất dễ mắc các bệnh về đường tiêu hóa. Bệnh thường do uống phải các loại nước giải khát kém vệ sinh, uống nước chưa được đun sôi, ăn rau sống, thực phẩm chưa nấu chín (nem chua, nem chạo, tiết canh). Triệu chứng phổ biến là đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy cấp làm mất nước và chất điện giải, nếu không cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến trụy tim mạch, tử vong. Vì vậy, không nên uống nước chưa được đun sôi, không ăn, uống các loại nước giải khát bán dạo, bán ở vỉa hè không đảm bảo vệ sinh. Không ăn rau sống, không ăn các loại thực phẩm chưa nấu chín như nem chua, nem chạo, gỏi cá, thịt tái… Trời nắng nóng, mất nhiều mồ hôi, gây ra khát, để giải nhiệt mọi người dùng nhiều nước đá nên các bệnh về đường hô hấp cũng thường xảy ra trong mùa này. Nhẹ có thể gây viêm đường hô hấp trên, nặng có thể viêm phế quản, viêm phổi. Một số bệnh như viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản hoặc hen suyễn khi gặp nóng, lạnh đột ngột cũng sẽ tái xuất hiện, nhất là hen ác tính, rất nguy hiểm đến tính mạng. Để phòng bệnh đường hô hấp, người cao tuổi cần hạn chế uống nước đá, thực phẩm lạnh quá (chè đá, uống nước có đá hoặc dùng hoa quả lấy ra từ tủ lạnh...), không nên để điều hòa ở nhiệt độ quá thấp. Bên cạnh đó, cần bù đủ lượng nước bị mất cho cơ thể, cung cấp nhiều vitamin từ trái cây, rau tươi để tăng sức đề kháng; hạn chế các loại nước ngọt vì sẽ làm người uống khát hơn và dễ bị viêm họng. Thời tiết nắng nóng cũng ảnh hưởng đến người bị bệnh tăng huyết áp, tim mạch. Người cao tuổi nếu có bệnh tăng huyết áp mà bị lạnh đột ngột rất dễ xảy ra các biến chứng nguy hiểm, hoa mắt chóng mặt, buồn nôn, nôn, nhức đầu, loạn nhịp tim; nặng có thể xuất huyết não, đột quỵ. Do vậy để giảm mối nguy hại cho người bệnh tim mạch khi thời tiết nắng nóng, bệnh nhân suy tim đang dùng các thuốc trợ tim, lợi tiểu và các thuốc ức chế men chuyển hóa nên uống nước nhiều hơn, uống nhiều lần trong ngày, không nên để cơ thể rơi vào tình trạng khát nước, tránh đi lại ngoài đường trong trời nắng to, ở trong môi trường có điều hòa nhiệt độ càng tốt. Đối với bệnh nhân mắc bệnh động mạch vành cần phải uống thuốc và uống nước đầy đủ theo chỉ dẫn của bác sĩ, nên ăn nhiều trái cây tươi như cam, quýt, chuối, nho… để cung cấp đầy đủ chất điện giải cho cơ thể sẽ giảm được nguy cơ đau thắt ngực không ổn định và nhồi máu cơ tim. 

Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng, các bác sĩ khuyến cáo người dân, đặc biệt là người từ trên 60 tuổi trở lên, cần quan tâm chế độ dinh dưỡng đảm bảo, tránh đi ra ngoài vào thời điểm nắng nóng cao điểm trong ngày; nên tham gia các bài tập thể dục phù hợp như tập thể dục dưỡng sinh, đi bộ, chơi cầu lông, bơi… tùy theo sức khỏe. Điều chỉnh hoạt động tập thể dục ngoài trời vào thời gian hợp lý, nên tập vào buổi sáng và chiều tối để tránh các hiện tượng thay đổi đột ngột về nhiệt độ giữa ngoài trời và trong nhà. Những người có bệnh lý nền cần tuân thủ việc sử dụng thuốc điều trị theo đơn của bác sĩ, chủ động theo dõi sức khỏe và thăm khám kịp thời khi có các dấu hiệu bệnh lý./. 

Bài và ảnh: Minh Tân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com