Mặc dù nền y học ngày càng phát triển với việc ứng dụng nhiều thành tựu khoa học - công nghệ trong công tác khám và chữa bệnh, nhưng y học cổ truyền vẫn đóng vai trò quan trọng, nhất là trong phối hợp đông y với tây y để điều trị cho người bệnh. Nhằm kế thừa và phát huy tinh hoa y học cổ truyền dân tộc, đặc biệt là giữ gìn, phát huy các bài thuốc quý, những năm qua, Hội Đông y tỉnh luôn tích cực tham gia công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Phòng chẩn trị y học cổ truyền Bình Hà, đường Hoàng Văn Thụ, thành phố Nam Định đầu tư nghiên cứu các sản phẩm thuốc nam chữa bệnh cho người dân. |
Hội Đông y tỉnh hiện có hơn 800 hội viên. Thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về ‘‘Phát triển nền đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới”, Hội Đông y tỉnh đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các nội dung cơ bản của Chỉ thị tới cán bộ, hội viên, mở rộng hoạt động thêm 1 phòng chẩn trị Đông y mới tại Văn phòng Hội Đông y tỉnh, số 80A, phố Hai Bà Trưng, Thành phố Nam Định để phục vụ nhân dân trong việc khám chữa bệnh theo Y học cổ truyền, chỉ đạo Hội Đông y các huyện, thành phố sử dụng các bài thuốc nam, phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Theo đó, Hội Đông y các huyện, thành phố thường xuyên quan tâm củng cố cơ sở vật chất, trang thiết bị, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ lương y, đẩy mạnh hoạt động phòng chẩn trị đông y các cấp, đa dạng hóa các mô hình chăm sóc sức khỏe nhân dân. Với tinh thần ở đâu có hội viên đông y ở đó có các cơ sở phòng chẩn trị phục vụ nhân dân, hiện nay, hầu hết các phòng chẩn trị đông y hoạt động có hiệu quả. Các lương y luôn nêu cao tinh thần “lương y như từ mẫu”, gần gũi, giúp đỡ người bệnh, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, người lao động có thu nhập thấp; sử dụng dược liệu sạch, chất lượng cao, an toàn, không để xảy ra tai biến trong điều trị bệnh. Đồng thời duy trì và nâng cao chất lượng khám và chữa bệnh cho nhân dân bằng phương pháp y học cổ truyền kết hợp với các thủ thuật không dùng thuốc để giảm chi phí cho người bệnh nhưng vẫn đạt kết quả cao trong điều trị như: xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu, xông hơi và ngâm thuốc... Hội Đông y các huyện và thành phố cũng đã chủ động phối hợp với Phòng y tế, Trung tâm y tế các huyện và thành phố tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến các văn bản pháp quy của Bộ Y tế đến cán bộ, hội viên. Tiêu biểu như Hội Đông y huyện Trực Ninh có hơn 40 phòng chẩn trị Đông y, trung bình mỗi năm khám và điều trị cho khoảng 20 nghìn lượt bệnh nhân, đạt kết quả tốt, không để xảy ra tai biến. Hội đã kết hợp với Hội chữ thập đỏ huyện và các bác sĩ của trung tâm y tế huyện tổ chức khám bệnh bằng máy cộng hưởng từ kết hợp với máy siêu âm để khám chữa bệnh cho nhân dân. Hội Đông y huyện Vụ Bản có hơn 20 phòng chẩn trị, trung bình mỗi năm, hội khám, chữa bệnh cho khoảng 50 nghìn lượt người bệnh, đạt tỷ lệ khỏi là 60%, đỡ 25%. Ngoài ra, Hội còn khám, chữa bệnh miễn phí cho trẻ em khuyết tật và các gia đình chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, hội Đông y huyện Vụ Bản còn thường xuyên phối hợp với các Trạm y tế xã và thị trấn xây dựng vườn thuốc Nam, nhân rộng ra nhiều gia đình có vườn thuốc Nam vừa làm cây cảnh, vừa làm thuốc và rau ăn hàng ngày. Chi hội Đông y xã Đại Thắng là một trong những “vựa” thuốc Nam ở khu vực miền Bắc. Hàng năm, chi hội đã trồng được hàng trăm ha thuốc Nam, cung cấp cho thị trường khoảng 100 tấn thuốc như: Huyền sâm, ngưu tất, trạch tả... đem lại lợi nhuận hàng tỷ đồng. Hội Đông y huyện Nghĩa Hưng cũng điều trị cho khoảng 50 nghìn lượt bệnh nhân mỗi năm. Đặc biệt, có nhiều lương y có tay nghề cao, bó gãy xương nhiều ca phức tạp tạo chuyển biến và phục hồi nhanh cho người bệnh như lương y Trần Văn Tiến, lương y Trần Văn Lý... Bên cạnh đó, Hội Đông y huyện còn vận động hội viên thu hái nguồn dược liệu tại địa phương như: Sài hồ, hương phụ, mẫu lệ, ô tặc cốt... để cung cấp cho thị trường, qua đó góp phần tăng thu nhập cho hội viên. Lương y Nguyễn Thế Vinh, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Nam Định cho biết: “Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Hội Đông y tỉnh vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn: Hệ thống tổ chức y học cổ truyền chưa phát triển đồng bộ, cơ sở vật chất, trang thiết bị một số nơi còn thiếu, lạc hậu; đội ngũ y sỹ định hướng y học cổ truyền, y sỹ y học cổ truyền, lương y còn quá ít, do vậy chưa đáp ứng được hết nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân... Hiện vẫn còn 4 Hội Đông y các huyện Mỹ Lộc, Xuân Trường, Hải Hậu và Hội Đông y thành phố Nam Định chưa có trụ sở làm việc.
Để khắc phục những hạn chế và tiếp tục phát huy vai trò của đông y trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, thời gian tới, bám sát sự chỉ đạo của ngành y tế, Hội Đông y tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, nhất là việc sử dụng các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc như: xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu, xông hơi... Duy trì thường xuyên việc sử dụng các chế phẩm y học cổ truyền trong điều trị bệnh. Tiếp tục kiện toàn hệ thống khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền và quản lý nhà nước về đông y ở các tuyến. Tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học, khám chữa bệnh, nuôi trồng, chế biến dược liệu… góp phần phát triển nền y học cổ truyền tương xứng với vai trò và tiềm năng sẵn có./.
Bài và ảnh: Thanh Hoa