Mùa hè, thời tiết nóng ẩm là điều kiện lý tưởng cho côn trùng và một số loại vi khuẩn phát triển mạnh, dẫn đến nguy cơ bùng phát các dịch bệnh cúm, tiêu chảy, tay chân miệng, sốt xuất huyết, Zika, thủy đậu..., gây nguy hiểm đến sức khỏe của người dân. Để chủ động phòng chống dịch bệnh mùa hè, Sở Y tế đã tích cực triển khai nhiều giải pháp, chuẩn bị sẵn sàng các trang thiết bị, vật tư, hóa chất, thuốc men.
Theo số liệu của Sở Y tế, năm 2019, toàn tỉnh có 459 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tại 131 xã, phường của 10 huyện, thành phố. Các địa phương có nhiều bệnh nhân mắc như: huyện Giao Thủy 146 trường hợp, thành phố Nam Định 108 trường hợp, huyện Xuân Trường 41 trường hợp… Các ca bệnh đều được điều tra, giám sát và lấy mẫu làm xét nghiệm, chỉ định điều trị. Qua điều tra xác minh, đã ghi nhận 17 ổ dịch: 10 ổ tại Giao Thủy; 5 ổ tại thành phố Nam Định; 1 ổ tại Nghĩa Hưng và 1 ổ tại Trực Ninh. Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thành phố triển khai các biện pháp phòng chống dịch cụ thể: Tăng cường truyền thông phòng chống sốt xuất huyết trên hệ thống đài phát thanh xã, phường; tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, thu gom xử lý ổ bọ gậy; tổ chức phun hóa chất chống dịch; giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân, điều trị kịp thời không để xảy ra tử vong; khống chế kịp thời 17/17 ổ dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh.
Người dân khám bệnh tại Trạm Y tế xã Xuân Ninh (Xuân Trường). |
Để chủ động phòng chống dịch bệnh, Sở Y tế đã triển khai đồng bộ các giải pháp: Xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh dịch và chỉ đạo hệ thống Y tế Dự phòng các cấp chủ động giám sát để có biện pháp dự phòng tích cực, phối hợp công tác điều trị, khống chế không để lây lan thành dịch; đồng thời tăng cường truyền thông để người dân nâng cao nhận thức, hình thành ý thức vệ sinh phòng, chống dịch bệnh. Hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe được tổ chức bằng nhiều hình thức như: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về phòng, chống dịch bệnh mùa hè; cán bộ y tế làm công tác dự phòng tuyên truyền, phổ biến cho người dân cách phát hiện các loại dịch bệnh và biện pháp dự phòng tại cộng đồng, vận động nhân dân đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi tiêm; thực hiện ăn chín, uống sôi, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; thực hiện vệ sinh môi trường xung quanh nhà ở, khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm quanh nhà, tạo không gian nơi sinh sống thoáng đãng. Trong khuôn khổ dự án phòng chống sốt xuất huyết, ngành Y tế triển khai hiệu quả các hoạt động, giám sát véc-tơ truyền bệnh, phòng chống dịch. Từ năm 2019 đến nay, Sở Y tế đã tổ chức 1 lớp tập huấn về phòng chống sốt xuất huyết cho 50 cán bộ tuyến huyện và các cơ sở điều trị; 18 lớp tập huấn cho 500 cộng tác viên của 27 xã trọng điểm có nguy cơ cao về sốt xuất huyết. Xây dựng mạng lưới cộng tác viên xã điểm (175 cộng tác viên sốt xuất huyết), trang bị bộ điều tra côn trùng, giao ban và hướng dẫn các cộng tác viên thực hiện các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết chủ động tại 7 xã của 3 huyện trọng điểm Xuân Trường, Vụ Bản, Trực Ninh và thành phố Nam Định. Các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, cấp phát tờ rơi phòng chống sốt xuất huyết ở các địa phương có ổ dịch để nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết, đồng thời tổ chức cho các hộ dân ký cam kết phòng chống bệnh sốt xuất huyết. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức 2 chiến dịch vệ sinh môi trường chủ động phòng chống sốt xuất huyết tại 27 xã, phường của 10 huyện, thành phố có nguy cơ cao về dịch bệnh (Đợt 1: tháng 7 và 8; đợt 2: tháng 11-2019). Tổ chức chiến dịch phun hóa chất chủ động phòng chống sốt xuất huyết cho 15 xã, phường của 5 huyện, thành phố có chỉ số mật độ muỗi cao và có nguy cơ cao bùng phát dịch. Hàng tháng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức 4-7 điểm điều tra véc-tơ tại các ổ dịch cũ và các xã có nguy cơ cao về bệnh sốt xuất huyết, kịp thời phát hiện, xử lý khoanh vùng ổ dịch. Thực hiện Dự án phòng chống sốt rét, cùng với chủ động, thường xuyên giám sát dịch tễ sốt rét, chủ động triển khai các hoạt động phòng chống sốt rét, ngành Y tế phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức tuyên truyền theo nhóm được 1.106 lần; đội ngũ y tế thôn xóm đến từng hộ gia đình tuyên truyền trực tiếp... từng bước nâng cao nhận thức của nhân dân về phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét. Bên cạnh đó, ngành Y tế tiếp tục thực hiện hiệu quả Dự án tiêm chủng mở rộng, cung cấp đầy đủ 10 loại vắc xin sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (Riêng vắc xin DPT-VGB-Hib (SII) bắt đầu sử dụng trên địa bàn toàn tỉnh từ tháng 6-2019). Duy trì tỷ lệ trẻ trong độ tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ so kế hoạch đạt 97,6%; Triển khai Chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin Sởi-Rubella cho trẻ 1-5 tuổi trên địa bàn tỉnh đạt 97%. Ngành Y tế triển khai ứng dụng phần mềm quản lý hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia tại tuyến xã, phường, thị trấn, các bệnh viện có phòng sinh và các điểm tiêm chủng dịch vụ trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện tốt công tác tiêm chủng mở rộng, chủ động phòng chống dịch bệnh.
Hiện nay thời tiết đang ở thời điểm nắng nóng, có nguy cơ xuất hiện các dịch bệnh: sốt xuất huyết, sốt rét, Zika, viêm não Nhật Bản, tiêu chảy cấp nguy hiểm… Với tinh thần sẵn sàng, chủ động phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, ngành Y tế tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng mọi lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ, thuốc, vật tư, hóa chất cần thiết để đáp ứng kịp thời khi có tình huống cấp cứu, phòng, chống dịch bệnh. Tăng cường giám sát, phát hiện và khẳng định bệnh dịch; chú trọng giám sát dịch bệnh hay gặp như: viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút Corona (COVID-19), sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp nguy hiểm, tay - chân - miệng, Viêm não Nhật Bản B. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tăng cường công tác giám sát, điều tra, xử lý các ca bệnh, ổ dịch tại cộng đồng theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Phối hợp với các cơ sở điều trị triển khai hoạt động khám, chữa bệnh bám sát, hỗ trợ nhân dân khi dịch bệnh xảy ra; chăm sóc sức khỏe kịp thời trong mọi tình huống cần thiết; kiểm tra, giám sát việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất, trang thiết bị cần thiết, khi xảy ra dịch phải triển khai khẩn cấp biện pháp chống dịch và thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo. Bên cạnh sự nỗ lực phòng, chống dịch bệnh của các cơ quan chức năng, người dân cần chủ động tự bảo vệ sức khỏe, tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, đặc biệt trước khi chế biến đồ ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy, dọn vệ sinh môi trường. Người cao tuổi và trẻ em là những đối tượng dễ bị bệnh tật tấn công bởi sức đề kháng kém, cần chú ý khẩu phần ăn, chế độ dinh dưỡng hàng ngày để tăng cường sức đề kháng. Khi có biểu hiện mắc bệnh truyền nhiễm cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời./.
Bài và ảnh: Minh Tân