Biện pháp phòng ngừa huyết áp thấp

03:04, 20/04/2020

Bất kỳ sự tăng hay giảm huyết áp so với mức bình thường đều là những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm cho cơ thể. Trong khi đó, số người mắc bệnh huyết áp thấp ngày càng gia tăng, chủ yếu là người cao tuổi và phụ nữ. Các nguy cơ của huyết áp thấp cũng rất đáng ngại, tuy nhiên có thể phòng ngừa được.

Huyết áp thế nào là thấp?

Người bị huyết áp thấp có trị số huyết áp tâm thu dưới 90mmHg và huyết áp tâm trương dưới 60mmHg, hoặc giảm hơn 20mmHg so với trị số huyết áp bình thường trước đó.

Có 2 loại huyết áp thấp: huyết áp thấp tiên phát và huyết áp thấp thứ phát.

Huyết áp thấp tiên phát: Là những trường hợp có thể trạng đặc biệt từ nhỏ đến lớn huyết áp vẫn thấp mà không hề có triệu chứng hoặc biến chứng ở bộ phận nào trong cơ thể, chỉ khi gắng sức thì thấy chóng mệt.

Huyết áp thấp thứ phát: là huyết áp bình thường nhưng sau đó huyết áp bị tụt dần xuống tới mức được coi là huyết áp thấp. Thường gặp ở những người suy nhược kéo dài, mắc các bệnh thiểu năng tuần hoàn não, lao, nhiễm khuẩn, nhiễm độc kéo dài, thiếu máu kéo dài, bệnh nội tiết suy tuyến thượng thận, suy tuyến giáp mạn tính.

Huyết áp hạ quá thấp có thể gây choáng váng và ngất.
Huyết áp hạ quá thấp có thể gây choáng váng và ngất.

Các triệu chứng huyết áp thấp phổ biến

Cảm giác hoa mắt hoặc chóng mặt: Triệu chứng này thường xuất hiện vào những khi thay đổi tư thế đột ngột như đứng dậy sau khi ngồi quá lâu, ngồi bật dậy khi đang nằm hoặc khi đứng trong nhiều giờ liền. Khi đó, bạn sẽ cảm thấy mọi vật thể như đang xoay tròn xung quanh và không thể kiểm soát được.

Mờ mắt: Những người bị huyết áp thấp nghiêm trọng sẽ xuất hiện dấu hiệu mất thính giác, thị lực bị giảm làm mờ mắt. Tình trạng mờ mắt đột ngột có thể gây nguy hiểm nếu như bạn đang di chuyển trên đường.

Đau đầu dữ dội hoặc mê sảng: Khi bị huyết áp thấp, phiền phức lớn nhất của bệnh nhân chính là chứng đau đầu. Cơn đau đầu sẽ nặng hơn sau mỗi lần não căng thẳng hoặc hoạt động thể lực nặng. Mỗi người có mức độ và tính chất đau đầu khác nhau, thường đau nặng hơn ở vùng đỉnh đầu. Có lúc đau ở mức độ nặng hơn, vừa đau vừa bị tê nhức.

Nhịp tim nhanh, nhịp thở nhanh, nông: Khi huyết áp xuống quá thấp, cơ thể bạn bị thiếu oxy nghiêm trọng, điều này khiến trái tim và phổi phải tăng cường hoạt động để bù đắp phần thiếu hụt gây nên tình trạng nhịp tim nhanh và nhịp thở nhanh, khó thở.

Ngất: Khi hạ huyết áp ở mức độ nghiêm trọng, bệnh nhân có thể sẽ có triệu chứng của ngất (tình trạng mất ý thức đột ngột). Nếu không kịp phòng tránh, việc rơi vào cơn ngất đột ngột sẽ dẫn đến gãy xương và chấn thương cơ thể.

Giảm tập trung: Khả năng tập trung kém cũng có thể ảnh hưởng bởi huyết áp. Vì khi hạ huyết áp thì máu sẽ không đủ cung cấp đến não như bình thường, từ đó khiến các tế bào não không nhận đủ oxy và chất dinh dưỡng để hoạt động ổn định. Chính điều này là nguyên nhân gây cản trở khả năng tập trung ở người huyết áp thấp.

Buồn nôn: Cảm giác lợm giọng và buồn nôn là dấu hiệu khi huyết áp bị thấp.

Da lạnh, ẩm hoặc nhợt nhạt: Khi huyết áp thấp, chân tay thường có cảm giác bị tê cóng và lạnh ở bên trong cơ thể. Nguyên nhân là do cơ thể bạn không thể duy trì việc tưới máu và cung cấp oxy đến da gây giảm thân nhiệt.

Mệt mỏi: thường xuất hiện vào buổi sáng, người bệnh thường cảm thấy tinh thần mệt mỏi, chân tay tê buồn rã rời không có sức sống. Nếu được nghỉ ngơi hoặc ngủ một giấc ngắn thì tình hình sẽ tốt hơn, sau đó lại mệt mỏi mặc dù không phải vừa làm việc quá sức. Sự mệt mỏi này có thể liên quan đến rối loạn chức năng hệ thần kinh do các cơ bị co thắt quá mức. Người bệnh huyết áp thấp thường có tâm trạng uể oải, buồn bã và rất dễ bị trầm cảm.

Cảm giác khát: Khi huyết áp giảm, cơ thể sẽ nhận được một tín hiệu từ não để uống nhiều nước hơn, việc bổ sung thêm nước sẽ giúp tăng huyết áp.

Nguy cơ của huyết áp thấp

Huyết áp càng thấp, bị mất trí nhớ càng cao, nó gắn liền với bệnh mất trí do Alzheimer gây ra. Những người có mức huyết áp thấp kéo dài liên tục trong 2 năm có khả năng bị mất trí nhớ cao gấp 2 lần. Huyết áp hạ quá thấp cũng có thể làm nhịp tim nhanh, gây choáng, ngất. Huyết áp thấp cũng là nguyên nhân gây tai biến mạch máu não. 30% số người nhồi máu não và 25% số người nhồi máu cơ tim là do huyết áp thấp.

Biện pháp dự phòng cho bệnh nhân huyết áp thấp

Thay đổi tư thế đúng: khi ngủ, máu tập trung vào gan, phổi, lách nên gây ra tình trạng thiếu máu não tạm thời. Vì vậy, khi thức dậy, cần nằm thêm một lúc, làm vài động tác khởi động đơn giản rồi mới ngồi dậy, hãy thở sâu trong vòng vài phút, sau đó ngồi dậy thật chậm rồi mới đứng thẳng. Khi có dấu hiệu hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, cần nằm nghỉ ngơi ở tư thế đầu thấp để tăng lượng máu lên não. Để hạn chế nguy cơ bị hoa mắt, chóng mặt và đau đầu nhẹ xuất hiện khi huyết áp bị tụt trong lúc đứng dậy, bạn cần thả lỏng người để tạo sự thoải mái cho cơ thể rồi đứng thẳng thật nhẹ nhàng... Không nên trèo cao, ra nắng gắt hoặc để bị lạnh đột ngột, nhất là lúc đêm khuya.

Luyện tập thể dục đều đặn, phù hợp với sức khoẻ và độ tuổi hàng ngày giúp duy trì lưu thông máu trong cơ thể nên giảm chứng huyết áp thấp.

Theo suckhoedoisong.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com