Họng là một cơ quan đặc biệt của cơ thể. Hằng ngày, hằng giờ, nó luôn phải tiếp xúc với nhiều nguy cơ gây viêm nhiễm, do vậy, viêm họng là bệnh hay gặp và phổ biến ở mọi lứa tuổi, mọi nơi, mọi mùa. Tuy nhiên, thời tiết lạnh, bệnh viêm họng dễ mắc và gây biến chứng.
Các loại viêm họng
Bệnh có nhiều nguyên nhân, thường là do virus (chiếm 60 - 80%); vi khuẩn (thường gặp là phế cầu, Hemophilus Influenzae, tụ cầu và nguy hiểm nhất là liên cầu - tan huyết nhóm A); do nấm, dị ứng, tiếp xúc với các yếu tố vật lý, hóa học độc hại, làm việc trong môi trường bụi bẩn.
Viêm họng cấp tính: Đây là thể viêm họng điển hình, rất hay gặp trong mùa lạnh. Thông thường, lúc đầu là do virus tấn công niêm mạc họng, nhân lên ở đó và phá hủy tế bào niêm mạc họng, sau đó bị bội nhiễm vi khuẩn, vi nấm. Viêm họng cấp gặp ở mọi lứa tuổi, triệu chứng rất rầm rộ, tùy vào từng nguyên nhân gây bệnh: cảm giác ớn lạnh, gai rét kèm theo đau mỏi người; sốt, môi khô, lưỡi bẩn; cảm giác khô rát họng, nuốt đau nhói lên tai; ho khan trong giai đoạn đầu sau đó ho có đờm; có thể kèm theo khàn tiếng.
Viêm họng mạn tính: Gặp chủ yếu ở người trưởng thành, nam bị nhiều hơn nữ. Đây là tình trạng viêm họng kéo dài, thể hiện dưới 3 hình thức chính là xuất tiết, quá phát và teo. Thể điển hình là viêm họng mạn tính tỏa lan, viêm họng mạn tính khu trú gồm có viêm VA mạn tính và viêm amidan mạn tính. Các triệu chứng của bệnh viêm họng mạn thường không có gì đặc biệt. Điển hình nhất là viêm họng mạn tính tỏa lan với cảm giác thường gặp nhất là khô họng, cay họng, ngứa và vướng họng. Những cảm giác này thể hiện rất rõ vào buổi sáng lúc mới thức dậy. Bệnh nhân cố ho khạc, đằng hắng để làm long đờm; nuốt có cảm giác vướng và đau; ho húng hắng; giọng nói thay đổi: tiếng đục, đầy. Những bệnh nhân uống rượu, hút thuốc lá hoặc nói nhiều thì các triệu chứng trên lại tăng thêm.
Khám họng cho trẻ. |
Những biến chứng của viêm họng
Tại họng: áp-xe, viêm tấy quanh họng, viêm tấy quanh amidan, áp-xe thành sau họng (gặp nhiều ở trẻ em).
Tại các cơ quan lân cận: viêm mũi, viêm xoang, viêm tai giữa, hay gặp ở trẻ em, nhiều khi khó phát hiện nên dẫn đến các biến chứng khác nguy hiểm, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi. Tại các cơ quan xa họng: viêm cầu thận, viêm khớp, viêm màng ngoài tim...
Trong quá trình tắm rửa hoặc vì một nguyên nhân nào đó mà tai bị va chạm, bé sẽ khóc thét. Cần đưa bé đi khám để bác sĩ can thiệp, dẫn lưu mủ trong tai. Trẻ bị viêm tai giữa, phụ huynh cần chăm sóc cho bé thật kỹ; tái khám để biết chắc chắn bệnh đã khỏi vì nếu chăm sóc không kỹ, bé sẽ bị viêm tai xương chũm.
Bệnh viêm tai xương chũm nếu không điều trị đúng cách sẽ dẫn đến viêm tai xương chũm hồi viêm với triệu chứng sốt cao, hốc hác do nhiễm độc, đau tai, nghe kém, tai có thể chảy mủ. Biến chứng nặng có thể gây tử vong.
Đối với biến chứng viêm phổi: Những trường hợp bệnh nhẹ, do không giữ gìn kỹ, người bệnh bị nhiễm lạnh, vi trùng từ đường hô hấp trên sẽ nhanh chóng tiến vào phế quản, phổi. Phổi bị viêm đồng nghĩa với các túi khí (phế nang) sẽ chứa mủ, chất nhầy... gây thiếu ôxy, khó thở, nguy cơ tử vong cao.
Biến chứng gây bệnh ở tim, thận và khớp: Có nhiều vi khuẩn gây viêm họng, trong đó, liên cầu khuẩn tan huyết bêta nhóm A (Streptococcus A) khi xâm nhập họng, nếu không được chữa trị triệt để sẽ gây thấp tim, thấp khớp, viêm cầu thận.
Điều trị bệnh viêm họng
Khi mới thấy xuất hiện các triệu chứng của bệnh viêm họng, người bệnh cần tới cơ sở y tế chuyên khoa tai-mũi-họng để khám và có biện pháp điều trị thích hợp nhất. Mỗi loại viêm họng đều có những nguyên nhân khác nhau với những tổn thương khác nhau nên bác sĩ sẽ đưa ra cách xử trí hợp lý nhất. Tốt nhất là không nên tự điều trị vì không phải tất cả các bệnh nhân bị viêm họng đều có thể dùng kháng sinh. Với viêm họng mạn tính, để điều trị bệnh, người ta có thể can thiệp bằng cách đốt hạt bằng muối bạc, bằng axít chromic, đốt điện, đốt bằng laser CO2 hoặc bằng nitơ bạc. Tuy nhiên, các biện pháp phòng bệnh là quan trọng hơn cả.
Điều trị thường kết hợp với sát khuẩn vùng họng bằng nước muối sinh lý ngậm họng, súc họng với dung dịch kiềm loãng. Có thể áp dụng một số cách như: pha muối biển với nước lọc ấm, thử độ mặn như khi nấu canh, dùng để súc họng mỗi giờ 1 lần có tác dụng sát khuẩn và giảm đau rát họng rất tốt.
Lời khuyên của thầy thuốc
Để đề phòng viêm họng, cần vệ sinh răng miệng hằng ngày, nhất là sau mỗi bữa ăn. Chú ý mang khẩu trang, tốt nhất là khẩu trang y tế khi tiếp xúc với môi trường bụi bặm, khói xe, khí thải... Giữ vệ sinh môi trường sống, giữ gìn nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng. Khi thời tiết thay đổi, cần giữ ấm cơ thể; với trẻ em, phải giữ ấm vùng cổ với áo cổ cao, khăn choàng khi trời lạnh.
Đảm bảo chế độ ăn hợp lý, cân đối, đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng. Cần tăng cường những loại thực phẩm giàu vitamin C như cam, chanh, kiwi... để tăng sức đề kháng cho cơ thể. Khi bị viêm họng, nên ăn các loại thực phẩm mềm và dễ nuốt như chuối, táo, sữa chua và sữa trứng, ngũ cốc nấu chín, súp và nước canh. Cần tránh những thực phẩm cứng, giòn hoặc gây kích thích cổ họng. Ngoài ra, súc miệng bằng nước muối ấm hằng ngày cũng là một biện pháp hỗ trợ điều trị và phòng bệnh rất hữu hiệu.
Theo suckhoedoisong.vn