Phòng chống dịch bệnh mùa Đông Xuân

08:12, 30/12/2019

Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi tỉnh, thời gian gần đây, trung bình mỗi ngày có khoảng 460 bệnh nhi đến khám tại đây với các biểu hiện ho, hắt hơi, sổ mũi, đi ngoài…

Bác sĩ Trần Trọng Du, Giám đốc Bệnh viện Nhi tỉnh cho biết: Hiện nay đang là thời điểm mùa đông xuân với nhiệt độ, độ ẩm thuận lợi cho các loại vi-rút, đặc biệt là vi-rút cúm phát triển. Đặc biệt thời gian gần đây, do có đợt lạnh tăng cường, bệnh nhi mắc bệnh đường hô hấp, đường tiêu hóa đến khám nhiều, nhất là hai tuần trở lại đây. Riêng từ ngày 18 đến 25-12-2019 có 3.257 bệnh nhi đến khám, trong đó có 520 trẻ nhập viện; bệnh nhi mắc bệnh đường hô hấp chiếm trên 60%; bệnh đường tiêu hóa chiếm 35%; còn lại là các bệnh khác như: tay chân miệng, thủy đậu, sởi… Tuy số bệnh nhi nhập viện tăng cao (tăng trên 70% so với ngày thường) nhưng chưa ghi nhận trường hợp biến chứng nặng.

Khám bệnh cho trẻ em tại Bệnh viện Nhi tỉnh.
Khám bệnh cho trẻ em tại Bệnh viện Nhi tỉnh.

Mùa đông xuân, với thời tiết lạnh và ẩm, là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi-rút gây các bệnh: Viêm đường hô hấp, tiêu chảy cấp, viêm giác mạc, cảm cúm, ho gà, sởi rubella… Khi trẻ mắc bệnh, hệ thống miễn dịch giảm, dễ bị bội nhiễm dẫn đến các biến chứng khác. Bởi vậy, mọi người cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh và chăm sóc trẻ. Bộ Y tế khuyến cáo mọi người dân cần thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng chống dịch bệnh như: Tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vắc-xin phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà…). Các bậc cha mẹ cần thường xuyên vệ sinh mũi, họng, miệng cho trẻ bằng nước muối 0,9%; vệ sinh tay để tránh tình trạng lây chéo; Đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình. Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu; giữ ấm nhà cửa, lớp học, tránh tiếp xúc với những người có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp như: cúm, sởi, rubella, thủy đậu…; hạn chế đến chỗ đông người. Bên cạnh đó, cần ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn cân đối các nhóm dinh dưỡng như: tinh bột, chất đạm, chất béo, ăn nhiều hoa quả để cơ thể tăng cường vitamin và khoáng chất, nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh. Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh truyền nhiễm, trẻ cần được cách ly tại nhà để nghỉ ngơi, không nên đến những nơi công cộng đề phòng lây lan nguồn bệnh và cần thông báo ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn, khám và xử lý kịp thời. 

Để chủ động phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, tập trung vào việc giám sát, phát hiện sớm và kiểm soát các ca bệnh có nguy cơ lây truyền cao tại các cơ sở điều trị. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch của các đơn vị tuyến dưới; thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin về tình hình dịch bệnh trong nước và trên địa bàn tỉnh để triển khai kịp thời công tác phòng, chống dịch. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh truyền thông về các biện pháp phòng chống dịch, bệnh; tập trung vào các loại bệnh: tay chân miệng, tả, cúm A(H5N1), cúm A(H7N9), cúm A(H1N1), sốt xuất huyết và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hoá có nguy cơ xảy ra trong mùa đông xuân; vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, vệ sinh nước, vệ sinh an toàn thực phẩm, vận động nhân dân tích cực thực hiện các biện pháp chủ động phòng bệnh cho gia đình và cộng đồng... Các địa phương, đơn vị duy trì và phát động phong trào toàn dân làm vệ sinh môi trường, xử lý các chất thải trong sinh hoạt, vệ sinh môi trường ở những nơi tập trung đông người (bến tàu, bến xe, chợ...), duy trì và thực hiện tốt chiến dịch diệt muỗi, loăng quăng. Các ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở chế biến, lưu thông lương thực, thực phẩm, các nhà hàng ăn uống, giải khát. Tăng cường kiểm tra công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh nước, kiểm tra chất lượng các nhà máy nước đảm bảo cung cấp nước sạch cho nhân dân. Củng cố hệ thống giám sát, phát hiện dịch từ tỉnh đến các xã, phường, thường xuyên giám sát dịch chặt chẽ, phát hiện và xử lý kịp thời không để dịch lớn xảy ra. Duy trì hoạt động giám sát tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi tỉnh, đảm bảo điều tra, giám sát, lấy mẫu xét nghiệm 100% các trường hợp nghi nhiễm cúm A vào điều trị tại các bệnh viện. Chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, sinh phẩm phục vụ công tác lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển theo đúng quy định. Khi có dịch, tổ chức thường trực dịch 24/24h, nắm chắc diễn biến dịch bệnh, dự báo khả năng và mức độ nguy hiểm của dịch tại địa phương; phối hợp với tuyến bệnh viện cách ly, xử lý khu vực có bệnh nhân, các phương tiện vận chuyển bệnh nhân... Cung cấp đầy đủ trang thiết bị, vật tư, thuốc điều trị cho bệnh nhân và đảm bảo an toàn cho cán bộ y tế và người dân. Tổ chức khoanh vùng ổ dịch, triển khai các biện pháp cách ly những trường hợp mắc bệnh cũng như nghi ngờ; điều tra, theo dõi chặt chẽ sức khỏe các trường hợp tiếp xúc với nguồn bệnh. Tổ chức tốt việc phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh, tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong ở người do dịch bệnh. Xử lý triệt để ổ dịch, không để lan rộng và kéo dài tại cộng đồng; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan tổ chức các hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục, trường học; y tế phối hợp với thú y kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch ở động vật, xử lý triệt để ổ dịch và thông báo kịp thời cho y tế cấp trên để phối hợp phòng, chống dịch bệnh lây lan từ động vật, thực phẩm sang người. Hướng dẫn người dân thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân; thực hiện ăn chín, uống sôi; thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến các sản phẩm từ gia súc, gia cầm... để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng./.

Bài và ảnh: Minh Tân


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com