Bệnh khớp khá phổ biến ở người lớn tuổi ở Việt Nam, những năm gần đây đang có xu hướng trẻ hóa đối tượng bị viêm khớp, gây ảnh hưởng nhiều đến công việc và sinh hoạt hàng ngày.
Viêm xương khớp cho thấy phổ biến hơn, là kết quả của sự thoái hóa của tổ chức sụn nằm trên đầu xương khớp. Viêm khớp dạng thấp là kết quả từ một cuộc tấn công khiếm khuyết của hệ thống miễn dịch lên các khớp, dẫn đến sưng, đau khớp và cuối cùng có thể dẫn đến biến dạng khớp và gây tàn phế.
Khác biệt giữa viêm xương khớp và viêm khớp dạng thấp
1. Khác biệt trong các khu vực bị ảnh hưởng
Xương trong một khớp được bao phủ với lớp sụn làm ngăn xương không chạm vào nhau. Viêm xương khớp xảy ra khi sụn bị bào mòn, thoái hóa và đầu xương chạm vào nhau gây đau dữ dội.
Viêm khớp dạng thấp là một tình trạng viêm mạn tính tự miễn trong các khớp. Bệnh xảy ra khi hệ thống tự miễn dịch tấn công lên mô xung quanh của khớp được gọi là bao hoạt dịch. Bệnh ảnh hưởng đến nhiều khớp và cũng có thể ảnh hưởng đến các mô và cơ quan khác của cơ thể.
Biến dạng khớp bàn tay do viêm khớp dạng thấp. |
2. Khác biệt về nguyên nhân
Viêm xương khớp xảy ra khi sụn khớp bị phá hủy. Trong khi mọi người tin rằng viêm xương khớp là kết quả do tuổi tác, nhưng các nghiên cứu gần đây chỉ ra các lý do khác về sự xuất hiện của viêm xương khớp. Sụn bị thương tổn đã được chứng minh là có tình trạng giảm lượng protein và tăng hàm lượng nước. Các yếu tố nguy cơ khác của viêm xương khớp bao gồm: di truyền, chấn thương, béo phì hoặc thừa cân, áp lực lên khớp lặp đi lặp lại.
Mặc dù các nhà nghiên cứu đã tiến hành nhiều nghiên cứu, nhưng nguyên nhân gây viêm khớp dạng thấp vẫn chưa được biết một cách đầy đủ. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy viêm khớp dạng thấp có liên quan yếu tố di truyền.
3. Khác biệt trong các triệu chứng
Có những điểm tương đồng và khác biệt trong các triệu chứng của viêm xương khớp với viêm khớp dạng thấp.
Các triệu chứng viêm xương khớp bao gồm: Đau khớp đặc biệt là sau khi sử dụng lặp đi lặp lại khớp bị ảnh hưởng; Khớp cứng vào buổi sáng kéo dài đến 30 phút; Sưng và nóng các khớp sau khi không hoạt động; Sưng khớp làm hạn chế vận động khớp.
Các triệu chứng của chứng viêm khớp dạng thấp bao gồm: Khớp đau và cứng; Sưng khớp; Khả năng vận động khớp bị hạn chế; Nóng đỏ quanh khớp; Độ cứng khớp buổi sáng kéo dài trong một giờ trở lên; Quá mệt mỏi; Xuất hiện các nốt thấp; Tổn thương các khớp đối xứng; Tổn thương các khớp nhỏ bàn tay và bàn chân; Bệnh tim, thận và phổi cũng có thể liên quan
4. Sự khác biệt trong chẩn đoán
Có những điểm tương đồng trong chẩn đoán, chụp Xquang của một khớp bị ảnh hưởng có thể phát hiện một trong hai bệnh vừa nêu. Có thể chọc hút dịch khớp để phân tích thành phần. Kết quả của các xét nghiệm này giúp phân biệt giữa viêm xương khớp với viêm khớp dạng thấp.
Trong khi xét nghiệm máu không thể giúp chẩn đoán bệnh viêm xương khớp, nhưng có thể giúp phát hiện viêm khớp dạng thấp. Sự kết hợp của khám sức khỏe, xét nghiệm và tiền sử bệnh có thể giúp chẩn đoán viêm khớp dạng thấp. Các xét nghiệm để chẩn đoán viêm khớp dạng thấp bao gồm: Kiểm tra và phát hiện yếu tố thấp; Thử nghiệm protein phản ứng C; Kiểm tra Anti-CCP.
5. Khác nhau trong phương pháp điều trị
Điều trị viêm xương khớp và viêm khớp dạng thấp có cả điểm giống nhau và khác biệt.
Điều trị viêm xương khớp tập trung vào làm giảm đau, giảm viêm và phục hồi chức năng khớp. Các thuốc thông thường chống đau và viêm trong điều trị viêm xương khớp bao gồm: các thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs), thuốc nhóm steroid, thuốc giảm đau. Các lựa chọn điều trị viêm xương khớp khác, bao gồm liệu pháp vật lý để ổn định và tăng cường các khớp bị ảnh hưởng, điều trị nhiệt, nghỉ ngơi và giảm cân. Ngoài ra, các phương pháp điều trị thay thế như châm cứu và xoa bóp cũng được sử dụng.
Viêm khớp dạng thấp được điều trị bằng cách sử dụng 5 loại thuốc chính: thuốc giảm đau; các thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs); thuốc chống thấp khớp (DMARDs); chế phẩm sinh học; corticosteroid, bao gồm hydrocortisone và prednisone
Viêm xương khớp và viêm khớp dạng thấp cũng có thể can thiệp phẫu thuật hoặc mở khớp khi có chỉ định. Hai loại phẫu thuật được sử dụng để điều trị hai loại viêm khớp là: phẫu thuật thay khớp hoặc thủ thuật mở khớp; thủ thuật làm cứng khớp.
Theo suckhoedoisong.vn