Thời tiết đang chuyển mùa, nóng lạnh thất thường, nhiệt độ trong ngày chênh nhau nhiều. Đây chính là môi trường thuận lợi cho virut, vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp hoạt động mạnh, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, nhất là trẻ nhỏ và người cao tuổi.
Những bệnh hô hấp thường gặp lúc giao mùa
Hen phế quản
Nếu ai đã từng bị hay gặp những cơn thở rít, thở nhanh, ngực bị co ép và ho xảy ra vào ban đêm hay sáng sớm thì nên nghĩ đến bệnh hen phế quản. Hen phế quản còn gọi là hen suyễn hay bệnh suyễn là một bệnh lý viêm mạn tính của phế quản (thuộc hệ hô hấp) trong đó có sự tham gia của nhiều tế bào viêm mạn. Bệnh có biểu hiện triệu chứng là do phản ứng co thắt phế quản gây tắc nghẽn đường hô hấp có hồi phục khi được kích thích bởi sự tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng, không khí lạnh, tập thể thao, hay các kích thích về cảm xúc. Khi bị những triệu chứng của bệnh hen mà chỉ đến nhà thuốc khai bệnh rồi mua thuốc uống thì có thể giảm được triệu chứng nhưng sẽ rất nguy hại. Lý do là chữa hen cần phải dùng đến thuốc kiểm soát căn nguyên của bệnh chứ không chỉ chữa triệu chứng. Nếu không dùng thuốc kiểm soát, lâu ngày bệnh sẽ phát triển đến mức phế quản bị tắc nghẽn cố định. Khi đó sẽ rất khó chữa, thậm chí có thể gây chết người đối với những trường hợp co thắt phế quản cấp tính nặng.
Viêm mũi xoang cấp
Viêm xoang cấp là tình trạng viêm nhiễm một hoặc nhiều xoang, bao gồm xoang hàm, xoang sàng và xoang trán. Nguyên nhân có thể do trẻ nhiễm virut đường hô hấp trên, dị ứng hoặc nhiễm nấm. Viêm xoang dễ nhận biết qua các dấu hiệu như ngạt mũi, sổ mũi, hắt hơi nhiều, nước mũi ban đầu trong, chuyển sang trắng đục, màu xanh hoặc vàng ngà, đau ở hốc mắt...
Viêm thanh quản, viêm thanh khí phế quản cấp
Viêm thanh quản là tình trạng dây thanh âm bị sưng dẫn đến khản hoặc mất giọng. Bệnh có thể xuất hiện đột ngột ngay sau khi ăn thực phẩm lạnh, tắm nước lạnh, luồng khí lạnh của điều hòa phả vào vùng đầu, mặt, cổ.
Viêm thanh khí phế quản cấp là tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp. Bệnh có thể gây tắc nghẽn hô hấp, khiến người bệnh ho nhiều. Khi mắc bệnh, thanh quản và khí quản sẽ bị kích ứng và sưng lên. Tình trạng bệnh kéo dài có thể gây ra viêm phổi.
Viêm họng
Người bệnh có những dấu hiệu như sốt, kém ăn, nghẹt mũi, ho, thậm chí nôn mửa, tiêu chảy. Các biểu hiện khác là đau họng, nuốt khó khăn, kém ăn, đau đầu, tay chân nhức mỏi.
Viêm phế quản cấp
Mầm bệnh gây viêm phế quản cấp mùa đông thường là virut cúm influenza A và B, hiện nay có thể là virut cúm A/H1N1 và H5N1, các virut parainfluenza, virut hợp bào hô hấp... Khi bị nhiễm virut, cơ thể giảm sức đề kháng nên dễ bị bội nhiễm bởi các loại vi khuẩn thường trú ở đường hô hấp.
Viêm phổi mắc phải ở cộng đồng
Trước đây, viêm phổi được xếp làm 2 loại: điển hình (do vi khuẩn) và không điển hình (thường do virut). Ngày nay, người ta hay phân loại viêm phổi thành viêm phổi mắc phải ở cộng đồng và viêm phổi mắc phải ở bệnh viện.
Viêm phổi mắc phải ở cộng đồng trong mùa đông đáng chú ý nhất là: viêm phổi ở những người không có bệnh tật (tuổi dưới 60), yếu tố gây bệnh thường gặp nhất là S. pneumoniae, Mycoplasma pneumoniae, các virut gây bệnh ở đường hô hấp, Chlamydia pneumoniae, H. influenzae... Viêm phổi ở những người có bệnh (tuổi trên 60), chủ yếu do S. pneumoniae, các virut gây bệnh ở đường hô hấp, H. influenzae, trực khuẩn gram (-) ái khí, tụ cầu vàng và các loại khác gây bệnh. Viêm phổi ở người già khỏe mạnh đã nguy hiểm, viêm phổi ở người già có bệnh càng nguy hiểm hơn vì khả năng chống đỡ của người già rất kém. Quá nửa số tử vong của người cao tuổi trong năm là vào mùa lạnh, hầu hết số tai biến do bệnh tật gây ra cũng vào mùa này.
Đợt cấp của tâm phế mạn: Khi thời tiết thay đổi thất thường, bệnh tim phổi mạn tính gây ra bởi các bệnh phổi mạn tính như viêm phế quản mạn tính, hen, giãn phế quản, giãn phế nang, lao phổi... rất dễ bị nhiễm khuẩn tạo nên những đợt bệnh cấp tính. Bệnh thường đột ngột diễn biến nặng, khó thở nhiều, có khi chỉ sau vài đợt bệnh cấp là dẫn đến tử vong. Vì vậy, việc phòng chống không để xảy ra đợt cấp của tâm phế mạn trong khi giao mùa hoặc khi trời mới trở lạnh là vấn đề sống còn mà bệnh nhân phải được biết rõ và có biện pháp tự bảo vệ mình.
Cần nâng cao sức đề kháng bằng việc tập thể dục đều đặn, phù hợp sức khỏe |
Các biện pháp phòng ngừa
Thay đổi thời tiết có thể làm thay đổi thành phần bụi, gia tăng các dị nguyên đường hô hấp, thay đổi nhiệt độ và độ ẩm cũng là những yếu tố nguy cơ làm xuất hiện các đợt nhiễm khuẩn hô hấp. Vì vậy, khi đi ngoài trời cần đeo khẩu trang để tránh các tác nhân gây bệnh. Cần giữ môi trường không khí trong nhà và nơi làm việc sạch, được luân chuyển để hạn chế nguy cơ lan truyền các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp qua không khí.
Hút thuốc lá, thuốc lào, xì gà làm giảm rất rõ sức đề kháng của niêm mạc đường hô hấp và dễ mắc bệnh. Hút thuốc thụ động cũng có tác động tương tự.
Cần nâng cao sức đề kháng bằng việc tập thể dục đều đặn, phù hợp sức khỏe. Trong mùa đông, không nên đi tập quá sớm (trước 5 giờ sáng) và quá muộn (sau 21 giờ). Cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng đủ năng lượng, cân đối. Thường xuyên vệ sinh răng miệng để tránh nhiễm khuẩn răng miệng, vi khuẩn đi xuống cơ quan hô hấp và gây bệnh. Tránh các thức ăn đã từng gây dị ứng, hoặc có thành phần sulfite thường thấy trong các chất bảo quản thực phẩm như khoai tây, tôm, hoa quả khô, bia, rượu đã qua chế biến vì thường gây các cơn hen.
Tiêm vắc-xin và dùng thuốc: Việc tiêm vắc-xin phòng cúm hàng năm, tiêm vắc-xin phế cầu (5 năm một lần), vắc-xin phòng vi khuẩn haemophilus làm giảm đáng kể tần suất các đợt nhiễm khuẩn hô hấp.
Những bệnh nhân hen phế quản nên tránh dùng các thuốc aspirin, một số thuốc kháng viêm không steroids khác khi đã từng xuất hiện cơn hen khi sử dụng với những thuốc này. Những bệnh nhân có bệnh phổi mạn tính có rối loạn thông khí tắc nghẽn không dùng các thuốc chẹn beta giao cảm.
Khi có dấu hiệu mắc bệnh hô hấp, người bệnh cần đi khám chuyên khoa hô hấp để có chỉ định điều trị cụ thể.
Theo suckhoedoisong.vn