Vụ Bản đẩy mạnh công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em

08:11, 29/11/2019

Huyện Vụ Bản hiện có trên 11.700 trẻ em dưới 5 tuổi. Phòng chống suy dinh dưỡng, đảm bảo cho trẻ phát triển tốt về thể chất là nhiệm vụ được các cấp uỷ đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở và cộng đồng quan tâm thực hiện nhằm tạo tiền đề xây dựng nguồn nhân lực chất lượng trong tương lai. Nhờ đó, những năm qua, công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em ở huyện Vụ Bản có chuyển biến rõ nét; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm dần qua các năm. Đến nay, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân trong huyện giảm còn 11,5%, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi còn 13,69%.

Cán bộ Trạm Y tế xã Trung Thành cho trẻ em uống Vitamin A.
Cán bộ Trạm Y tế xã Trung Thành cho trẻ em uống Vitamin A.

Thực hiện Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020; “Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2010-2020 và tầm nhìn đến năm 2030” của Chính phủ; Dự án Cải thiện dinh dưỡng trẻ em của tỉnh, huyện Vụ Bản đã triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thể thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi; giảm tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở nhóm đối tượng có nguy cơ cao (phụ nữ có thai và trẻ em dưới 5 tuổi); kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em dưới 5 tuổi, góp phần hạn chế các bệnh mãn tính không lây có liên quan đến chế độ dinh dưỡng. Phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ đòi hỏi sự phối hợp cao giữa cơ quan chuyên môn với gia đình, người có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ. Do vậy, Trung tâm Y tế huyện phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường truyền thông, giáo dục về dinh dưỡng như: Mở chuyên mục phát trên hệ thống đài phát thanh, truyền thanh từ huyện đến cơ sở; nói chuyện chuyên đề lồng ghép trong các cuộc hội họp của các đoàn thể, cộng đồng dân cư; kẻ vẽ băng rôn, pa-nô, áp phích quảng bá về dinh dưỡng hợp lý, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; chăm sóc phụ nữ có thai... Tại các xã, thị trấn, hoạt động tuyên truyền, giáo dục sức khỏe dinh dưỡng được triển khai đến từng đối tượng thông qua nhiều hình thức cụ thể, trực quan dễ tiếp nhận như: Thực hành trình diễn nấu ăn cho bà mẹ có thai, bà mẹ có con dưới 2 tuổi, bà mẹ có con bị suy dinh dưỡng, thảo luận nhóm, tư vấn dinh dưỡng và phát tờ rơi tuyên truyền cho các gia đình có con dưới 5 tuổi. Ngoài ra, đội ngũ cộng tác viên dinh dưỡng thường xuyên tiếp cận tư vấn cho các gia đình có con dưới 2 tuổi, con bị suy dinh dưỡng, phụ nữ có thai về cho bú đúng cách, “tô màu” bát bột (nấu ăn đủ chất, đa dạng cho trẻ); ăn uống đủ chất cho phụ nữ có thai bằng các sản phẩm sẵn có của địa phương. Qua đó đã từng bước nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi dinh dưỡng của người dân trên địa bàn. Trung tâm Y tế huyện củng cố, kiện toàn mạng lưới cán bộ làm công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, đảm bảo yêu cầu công tác phòng chống suy dinh dưỡng từ huyện đến các thôn, xóm. Tuyến huyện có cán bộ chuyên trách dinh dưỡng; mỗi xã, thị trấn có 1 cán bộ chuyên trách dinh dưỡng và mỗi thôn, xóm, tổ dân phố đều có cộng tác viên dinh dưỡng. Đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dinh dưỡng được đào tạo, tập huấn bồi dưỡng cập nhật kiến thức thường xuyên. Hàng tháng, các trạm y tế xã, thị trấn tổ chức cân đo và đánh giá tình trạng dinh dưỡng trẻ em dưới 2 tuổi, thường đạt trên 95% số trẻ trong diện; tư vấn cho các bà mẹ đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho trẻ. 100% trẻ trong diện tiêm phòng đều được tiêm phòng, uống vitamin A đúng lịch. Phụ nữ trong thời gian mang thai đều khám thai và tiêm phòng uốn ván đầy đủ. 100% trẻ mới sinh được cân, đo trong vòng 12 giờ đầu sau sinh; trên 90% trẻ được bú sữa mẹ ngay từ 30 phút đầu sau sinh; khuyến khích bà mẹ cho trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, duy trì bú mẹ đến 24 tháng. Các cơ sở y tế khuyến khích các bà mẹ khi có thai bổ sung vi chất dinh dưỡng và sau khi sinh trong vòng 1 tháng bổ sung Vitamin A liều cao 200 nghìn UI; tư vấn phụ nữ mang thai biết cách chăm sóc trẻ từ trong bụng mẹ. Việc tư vấn chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em được duy trì cả sau khi sinh và những gia đình có trẻ nhỏ; trong đó chú trọng hướng dẫn cách lựa chọn, sử dụng kết hợp các loại thức ăn sẵn có tại địa phương, đảm bảo biết rõ nguồn gốc, chất lượng, sạch, an toàn; thực hiện vệ sinh môi trường, dùng nguồn nước sạch, tẩy giun định kỳ, rèn luyện thói quen rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh... Hàng năm, Trung tâm Y tế huyện phối hợp tổ chức tập huấn về dinh dưỡng cho giáo viên mầm non, cộng tác viên dinh dưỡng và những người có liên quan đến việc nuôi dưỡng trẻ. Năm 2019, huyện tổ chức phát động Tuần lễ thế giới nuôi con bằng sữa mẹ (từ 1 đến 7-8) và Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển (từ 16 đến 23-10), nhằm tăng cường truyền thông nâng cao hiểu biết của người dân trong công tác nuôi dạy trẻ. Từ đầu năm 2019 đến nay, toàn huyện đã cân đo cho 11.681 trẻ (chiếm 99,03% số trẻ trong diện); 100% trẻ 6 đến 36 tháng được uống Vitamin A. Toàn huyện chỉ còn 1.344 trẻ bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, chiếm 11,5%, giảm 0,22%; 1.599 trẻ bị suy dinh dưỡng thể thấp còi, chiếm 13,69%, giảm 0,09% so với năm 2018. Tỷ lệ suy dinh dưỡng bào thai, số trẻ sinh ra có cân nặng dưới 2.500 gam giảm dần.

Huyện phấn đấu đến hết năm 2019, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân giảm xuống dưới 11,48%, suy dinh dưỡng thể thấp còi xuống dưới 13,66%, từng bước kiểm soát thừa cân, béo phì, hạn chế mắc các bệnh không lây nhiễm có liên quan đến dinh dưỡng./.

Bài và ảnh: Minh Tân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com