Bệnh đái tháo đường là một bệnh mạn tính, thường tiến triển âm thầm, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời bệnh sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm. Hiện nay, bệnh đái tháo đường đang tăng nhanh ở nước ta và xuất hiện ở mọi thể trạng, mọi lứa tuổi, giới tính. Tuy nhiên, đa số người mắc bệnh không biết mình đang bị bệnh cho đến khi xuất hiện biến chứng nguy hiểm như tim mạch, hạ hoặc tăng đường huyết quá mức.
Biểu hiện của bệnh
Bệnh đái tháo đường gồm có 3 loại: đái tháo đường tuýp 1, tuýp 2, đái tháo đường thai kỳ. Thế nhưng, các bệnh nhân bị đái tháo đường đều có chung những biểu hiện cơ bản sau:
- Đái nhiều 3-10 lít/ngày và thường xuyên đi tiểu nhiều lần, nhất là vào ban đêm.
- Khát nhiều và uống nhiều. Có thể có dấu hiệu mất nước: lưỡi khô, da khô, nhăn nheo, mắt trũng, môi đỏ.
- Cảm giác đói nhiều, ăn nhiều.
- Mệt mỏi, sụt cân nhiều: Trong vài tháng, người bệnh có thể sút 5-10kg.
- Một số triệu chứng khác: Ngứa, tê bì tay chân, giảm thị lực, khô da… đó là biểu hiện của những biến chứng bệnh đái tháo đường.
Biến chứng:
Biến chứng cấp tính thường gặp: Hạ đường huyết do người bệnh ăn kiêng quá mức hay dùng thuốc hạ đường huyết quá liều hoặc tăng đường huyết do không kiểm soát đường huyết tốt, đưa vào cơ thể quá nhiều đường bột. Cả hai trường hợp nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến hôn mê và thậm chí tử vong.
Biến chứng mạn tính:
Biến chứng ở mạch máu nhỏ:
Bệnh lý thần kinh: Do tổn thương các mạch máu nhỏ nuôi dây thần kinh: Bệnh nhân thường có các biểu hiện sau: có cảm giác kiến bò, tê, bỏng rát… thường bị ở chân và tay; tụt huyết áp, ngất, đổ mồ hôi, nôn, buồn nôn, tiểu tiện không tự chủ, đại tiện táo hoặc lỏng, lãnh cảm, rối loạn chức năng sinh dục…
Bệnh lý võng mạc: Xuất tiết, xuất huyết võng mạc… có thể gây giảm thị lực và dẫn đến mù.
Bệnh lý cầu thận: Đái ra Protein vi thể, tăng huyết áp, suy thận, xơ cầu thận, hội chứng thận hư, viêm đài bể thận, hoại tử nhú thận…
Bệnh lý bàn chân: Rối loạn cảm giác, ngứa, tê bì, giảm cảm giác đau hay nóng, lạnh vì vậy mà bệnh nhân không phát hiện ra mình bị thương. Chỉ 1 vết thương nhỏ cũng dẫn đến loét, lâu lành và hoại tử.
Tổn thương mạch máu lớn
Bệnh mạch vành: 75% bệnh nhân đái tháo đường mắc bệnh lý mạch vành. Bệnh có liên quan đến rối loạn chuyển hóa Lipid và các mảng xơ vữa động mạch. Ngoài ra còn dẫn đến suy tim, tai biến mạch máu não.
Điều trị bệnh đái tháo đường
Mục tiêu chính trong điều trị bệnh đái tháo đường là giúp người bệnh luôn giữ được mức đường huyết ổn định, ngăn ngừa và làm chậm sự xuất hiện các biến chứng của bệnh có thể xảy ra. Để làm điều này thì người bệnh phải thực hiện đúng theo phác đồ điều trị mà bác sĩ đưa ra tùy theo từng đối tượng bệnh nhân bao gồm: Chế độ ăn kiêng + Vận động tập thể dục + Thuốc điều trị.
- Với chế độ ăn, người bệnh phải lưu ý ăn uống luôn đảm bảo yếu tố dinh dưỡng, tránh ăn kiêng quá mức hoặc ăn nhiều trong một bữa để đường huyết không bị hạ thấp hoặc tăng cao. Nên chia nhỏ bữa ăn thành 6 bữa mỗi ngày gồm 3 bữa chính và 3 bữa phụ. Người bệnh đái tháo đường nên hạn chế ăn đường, các thức ăn quá ngọt, nên ăn nhiều thức ăn chứa đạm và rau xanh…
- Người bệnh đái tháo đường nên có thói quen vận động. Mỗi ngày nên dành từ 30-45 phút để đi bộ, đi bơi, chơi cầu lông... Bệnh nhân cần vận động, chơi các môn thể thao phù hợp với sức khỏe của mình./.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nam Định