Rượu là một chất kích thích, sử dụng rượu nhiều sẽ gây ra một số bệnh lý trong đó có rối loạn tâm thần. Tùy theo phản ứng riêng biệt của từng cá thể, phương thức sử dụng, chủng loại rượu có nồng độ thấp hay cao, tuổi tác và tình trạng sức khỏe cơ thể, có hay không có khuyết tật của não, hệ thống thần kinh có thể làm phát sinh các rối loạn, bệnh lý do rượu như sau:
- Rối loạn tâm thần cấp (say rượu): là hậu quả của nhiễm độc rượu nhất thời, thường xảy ra ở những người uống quá ngưỡng dung nạp.
- Loạn thần do rượu: là nhóm các biểu hiện rối loạn tâm thần, phát sinh và phát triển liên quan trực tiếp đến nghiện rượu. Loạn thần do rượu biểu hiện bằng các rối loạn cảm xúc, hành vi, hoang tưởng, ảo giác… bao gồm:
+ Sảng rượu (sảng run): Là một bệnh loạn thần cấp tính và trầm trọng, biểu hiện bằng run, hoảng hốt, lo âu, trầm cảm… Ý thức mê sảng hoặc lú lẫn, hoang tưởng, kích động, mất ngủ… hoạt động thần kinh tự trị gia tăng, tiến triển nặng dần, nhất là về chiều tối.
+ Ảo giác do rượu: Thường gặp ở người nghiện rượu lâu ngày, nổi bật là các loại ảo giác, thường là những ảo giác thật. Ảo giác do rượu có thể khởi phát cấp tính hay từ từ và thường nặng lên về chiều tối.
+ Hoang tưởng do rượu: Hoang tưởng do rượu là một hội chứng hoặc một thể bệnh của loạn thần. Hoang tưởng ghen tuông và hoang tưởng bị hại là những biểu hiện lâm sàng chủ yếu của hoang tưởng do rượu.
+ Bệnh loạn thần Korsakov: Đây là một trong các thể bệnh não thực tổn mạn tính do rượu. Hội chứng mất trí nhớ và viêm đa dây thần kinh là dấu hiệu chủ yếu của bệnh.
- Thiếu vitamin cũng là vấn đề thường gặp ở người nghiện rượu do thiếu dinh dưỡng và có thể dẫn đến tổn thương não trầm trọng, đặc biệt là thiếu vitamin B1 gây ra hội chứng Korsakov. Trong hội chứng này, bệnh nhân có những biểu hiện:
+ Tổn thương nhiều vùng trên não (thể vú, hệ liềm, hải mã) gây bệnh não.
+ Teo cơ, ảnh hưởng cảm giác và vận động của bệnh nhân.
+ Rối loạn định hướng không gian và thời gian.
- Rối loạn trí nhớ:
+ Có dấu hiệu quên, thường là thuận chiều (quên về sau), đây là quên do quá trình bảo tồn trí nhớ bị thương tổn, bệnh nhân thường quên dần dần, bắt đầu là quên ngày tháng, sau đó thì không thể giữ lại bất kì một kỷ niệm nào.
+ Bịa chuyện: Bù vào việc quên, bệnh nhân thường kể bịa các câu chuyện khá hợp lý và có liên quan, điều này có thể che giấu sự suy giảm trí nhớ.
+ Hiện tượng nhớ nhầm: Bệnh nhân có hiện tượng nhận nhầm, các kỷ niệm sai lệch, điều này thường phối hợp với bịa chuyện gây ra hiện tượng “hoang tưởng về trí nhớ”. Bệnh nhân thường thay đổi tính cách, trở nên cáu gắt, cảm xúc không ổn định, có khi vô tâm, thờ ơ bàng quan hay tăng cảm xúc, dễ lo âu hay biểu hiện loạn khí sắc như khoái cảm ngây ngô.
Không uống rượu bia để bảo vệ sức khỏe!
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nam Định