Loét do tỳ đè là biến chứng khó có thể tránh ở bệnh nhân bị bại liệt, hạn chế vận động phải nằm hay ngồi lâu ngày, với những tổn thương gây loét ở da và các mô dưới da gây đau đớn, tổn thất cả về thể chất và tinh thần cho người bệnh và gia đình.
Chăm sóc và điều trị cho BN bị loét do tì đè tại Trung tâm Liền vết thương – BV Bỏng Quốc gia – Học viện Quân y . |
Hành trình gian nan chữa bệnh
Bệnh nhân N.V.T. (51 tuổi, Cao Bằng) bị tai nạn xe máy từ năm 2018, gây chấn thương cột sống ngực dẫn tới liệt hai chân và hoàn toàn mất sức lao động. Sau thời gian điều trị tại Bệnh viện (BV) Việt Đức, BN bắt đầu xuất hiện các vết quầng đỏ ở vùng cùng cụt. Khi về nhà không biết chăm sóc, quầng đỏ nhanh chóng chuyển thành vết loét, tự điều trị tại nhà một thời gian không thấy đỡ, BN được đưa đến BV tỉnh để chữa trị. Sau 3 đợt điều trị tại BV vẫn không thấy thuyên giảm, BN được chuyển xuống Trung tâm Liền vết thương - BV Bỏng Quốc gia - Học viện Quân y trong tình trạng vết loét tỳ đè vùng cùng cụt đã lan rộng, gây hoại tử cả hai bên mông, suy mòn suy kiệt, tiết dịch hôi thối, nhiễm khuẩn nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng BN. Tại đây BN phải sử dụng kháng sinh mạnh, truyền máu, truyền đạm, nuôi dưỡng và sau ca phẫu thuật đầy cam go do tỳ đè đã hoại tử phức tạp, đến nay, sức khoẻ đã dần dần ổn định.
Nguyên nhân gây bệnh
TS. BS. Nguyễn Tiến Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Liền vết thương - BV Bỏng Quốc gia - Học viện Quân y cho biết: loét do tì đè thường xuất hiện do BN nằm đè thời gian dài lên các vùng có xương nhô ra như vùng bả vai, khuỷu tay, cùng cụt, mấu chuyển, cánh chậu, gót chân và mắt cá ngoài... BN bị loét do tỳ đè chủ yếu do nguyên nhân này.
Những BN nặng bị nằm bất động, không tự trở mình được, trong quá trình di chuyển BN từ vị trí này sang vị trí kia, người nhà BN vô tình kéo lê BN trên bề mặt giường, cáng hoặc phản cứng khiến vùng mô tiếp xúc với mặt giường bị tổn thương do ma sátcũng là một nguyên nhân.
Những bệnh lý hay gặp tình trạng loét đi kèm
Loét do tỳ đè thường gặp nhất ở BN bị liệt tủy do chấn thương cột sống... Những BN nhóm này thường ở độ tuổi lao động, khoảng 30-40 tuổi, có trường hợp BN 17-18 tuổi, thời gian sống dài nên tình trạng loét thường lặp đi lặp lại, có thể tái phát nhiều lần trên cùng một vị trí và xuất hiện mới ở những vị trí khác. Nhiều trường hợp BN bị chấn thương cột sống cổ hoặc cột sống ngực bị liệt cơ hô hấp, không thể tự thở mà phải mở khí quản để thở, có BN liệt tủy cổ kèm theo liệt tứ chi, các cơ bị teo toàn bộ làm cho các mô mềm xung quang vùng bị loét còn lại rất ít, gây khó khăn trong quá trình tái tạo và phục hồi.
BN bị đột quỵ não chủ yếu gặp ở người cao tuổi, thường đi kèm bệnh lý nguy hiểm như viêm phổi, tăng huyết áp, tiểu đường,... cũng khiến quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn.
BN bị chấn thương sọ não do tai nạn lao động, tai nạn giao thông, hôn mê sâu, không có khả năng vận động hay đi lại cũng thường xuyên gặp tình trạng loét do tỳ đè. BN đến trong tình trạng muộn, vết loét tổn thương sâu và phức tạp, một BN có thể có nhiều vết loét. Có trường hợp hy hữu BN không biết điều trị ở đâu, khi đến được Trung tâm Liền vết thương - BV Bỏng Quốc gia điều trị thì toàn bộ vùng tỳ đè đã bị tổn thương và hoại tử nghiêm trọng, rất may giữ lại được mạng sống.
Đừng để quá muộn mới điều trị loét do tì đè
Vì lý do chủ quan, BN thường không được chăm sóc bài bản, đúng cách, thiếu thông tin liên quan đến chăm sóc và điều trị dự phòng, nên khi xuất hiện quầng đỏ vẫn tiếp tục nằm đè lên, các mô tổ chức dưới da sẽ nhanh chóng tổn thương, có những trường hợp trên bề mặt da diện tích tổn thương không rộng nhưng toàn bộ mô và tổ chức dưới da xung quanh bị hoại tử rất lớn. Rất ít BN đến BV khi vừa bị tổn thương lớp thượng bì, đa phần BN đến điều trị trong tình trạng muộn, vết loét do tỳ đè tổn thương sâu và rộng ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của BN và gia đình.
Điều trị không dễ dàng
BN có vết loét tỳ đè thời gian dài thường trong trạng thái suy mòn suy kiệt rất nặng, thiếu máu trầm trọng, mất năng lượng, điện giải, protein,... gây khó khăn trong điều trị. Các bác sĩ phải đánh giá tình trạng vết loét, tình trạng dinh dưỡng, tình trạng suy mòn suy kiệt của BN để có phương án bổ sung dinh dưỡng, đồng thời giải quyết cơ chế bệnh sinh của bệnh bằng cách hướng dẫn BN và người nhà chăm sóc đúng cách, không tiếp tục tỳ đè lên vết thương. BN thường đến BV khi vết loét đã hoại tử toàn bộ lớp da và/hoặc tổ chức dưới da. Tùy vào tình trạng có thể sử dụng biện pháp thay băng tại chỗ, công nghệ tế bào, hoặc phẫu thuật nếu BN có hoại tử tại vị trí ổ loét. Quan trọng nhất sau khi vết loét đã liền hoặc gần liền, BN và người nhà BN cần chăm sóc đúng cách để không bị tái lại. Hoặc nếu có dấu hiệu tái lại cần liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn cách chăm sóc và xử lý.
Lời khuyên thầy thuốc
Theo TS. BS. Nguyễn Tiến Dũng, đối với các BN mắc các bệnh lý phải nằm lâu, nằm một chỗ và hạn chế vận động trong khoảng thời gian dài nhất định, cần có kế hoạch dinh dưỡng cho BN thật tốt, tránh tình trạng suy mòn suy kiệt. Loét do tỳ đè ban đầu chỉ là các quầng đỏ trên da. Nếu BN và người nhà BN biết phòng tránh bằng cách không tiếp tục tỳ đè lên vùng da đó và tiến hành trăn trở thay đổi tư thế cho người bệnh từ 2-3 tiếng một lần thì những quầng đỏ có thể nhanh chóng mất đi và mô dưới da sẽ không tiếp tục tổn thương, loét do tỳ đè sẽ không xuất hiện.
Các bác sĩ cũng cảnh báo: người nhà BN cần tuyệt đối lưu ý khi di chuyển cần nhấc BN từ vị trí này sang vị trí khác, không được kéo lê BN trên bề mặt cáng, trên bề mặt giường hoặc các mặt phẳng khác; khi xoa bóp cho BN không day mạnh vào các vùng tỳ đè. Day mạnh có thể làm đứt các mô liên kết ở dưới da dẫn đến loét do tỳ đè. Cần liên hệ hay với bác sĩ khi các vết loét có biểu hiện nặng hơn, tuyệt đối không tự ý bôi các thuốc vào vị trí ổ loét khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Theo suckhoedoisong.vn