Viêm củng mạc, không thể xem thường

06:08, 26/08/2019

Củng mạc là lớp ngoài bảo vệ của mắt, cũng là phần màu trắng của mắt. Củng mạc chiếm 4/5 sau nhãn cầu, được cấu tạo từ nhiều lớp băng xơ dày đan chéo nhau rất vững chắc. Viêm củng mạc là một tình trạng viêm nặng đặc trưng bởi phù và thâm nhiễm tế bào viêm của củng mạc dẫn đến tình trạng củng mạc đỏ và gây đau đớn khó chịu cho người bệnh. Nếu không được điều trị, viêm củng mạc có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng như mất thị lực.

Viêm củng mạc thường xảy ra nhất ở tuổi từ 40 đến 60 tuổi, nữ bị nhiều hơn nam. Ảnh minh họa: internet
Viêm củng mạc thường xảy ra nhất ở tuổi từ 40 đến 60 tuổi, nữ bị nhiều hơn nam. Ảnh minh họa: internet

Nguyên nhân viêm củng mạc

Viêm củng mạc thường kết hợp với các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp và lupus ban đỏ hệ thống. Đôi khi nguyên nhân không rõ. Cơ chế của nó được giải thích là do các tế bào thuộc hệ thống miễn dịch của con người bình thường chỉ tấn công và tiêu diệt các tế bào lạ, nhưng lại chuyển sang tấn công cả chính các tế bào của củng mạc mắt.

Viêm củng mạc thường xảy ra nhất ở tuổi từ 40 đến 60 tuổi, nữ bị nhiều hơn nam, hiếm khi gặp ở trẻ em và không phải là bệnh có tính chất liên quan đến di truyền.

Ngoài ra viêm củng mạc còn có thể là triệu chứng thể hiện của một bệnh viêm mạch máu hệ thống có thể gây tử vong hoặc là triệu chứng đến trước của những đợt tái phát trên những bệnh nhân có viêm mạch máu hệ thống đã được chẩn đoán. Phát hiện sớm để điều trị kịp thời các bệnh toàn thân có thể ngăn ngừa không chỉ những biến chứng về mắt mà còn kéo dài và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Bệnh có thể khởi phát do các nhiễm trùng tại mắt mà không liên quan đến miễn dịch.

Các chấn thương ở mắt nếu không điều trị tốt có thể gây viêm củng mạc bên cạnh các tổn thương khác ở mắt.

Những dấu hiệu và triệu chứng viêm củng mạc là gì?

Viêm củng mạc có 2 loại:

Viêm củng mạc trước: đây là tình trạng viêm mặt trước của củng mạc và là tình trạng viêm phổ biến nhất.

Viêm củng mạc sau: là mặt sau của củng mạc. Tình trạng này ít phổ biến hơn nhưng có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về mắt như bệnh võng mạc hoặc tăng nhãn áp.

Cả viêm củng mạc trước và sau đều làm người bệnh đau nhức, đau nhiều, sâu và giảm ít với thuốc giảm đau. Đau thường lan ra vùng trán, gò má và xoang. Đau âm ỉ và có những cơn kịch phát khi chạm vào vùng thái dương hoặc mắt khiến cho bệnh nhân không thể nằm nghiêng về bên đau.

Đau có thể tăng lên về đêm khiến bệnh nhân mất ngủ và lo lắng. Đau có thể do phá huỷ dây thần kinh cảm thụ trong củng mạc do phù, chất trung gian gây viêm hoặc hoại tử.

Triệu chứng thường gặp là đỏ mắt, màu đỏ có sắc hơi xanh phát hiện tốt nhất với ánh sáng  tự nhiên, có thể khu trú ở một vùng thông thường nhất ở vùng khe mi hoặc trên toàn bộ củng mạc. Sau mỗi đợt viêm tái phát, củng mạc lại trở lên trong hơn do sắp xếp lại các sợi collagen sau phù.

Sắc tố hắc mạc bên dưới có màu xám xanh nhìn rõ nhất với ánh sáng tự nhiên nếu chỉ khám trên đèn khe có thể không phát hiện được những vùng này.

Các triệu chứng khác bao gồm chảy nước mắt thường nhẹ và không kèm theo ra dử mắt, sợ ánh sáng.

Nếu viêm nặng có thể gây ra co thắt cơ vòng mống mắt dẫn đến co đồng tử và cận thị thoáng qua.

Biến chứng của viêm củng mạc

Khi quá trình viêm lan sang từ củng mạc sẽ dẫn đến những biến chứng tại giác mạc như mỏng giác mạc chu biên, viêm giác mạc, loét giác mạc chu biên, thủng giác mạc,...

Viêm màng bồ đào cũng do quá trình viêm lan sang từ củng mạc. Đa số các trường hợp viêm màng bồ đào trước ở mức độ khác nhau xảy ra trong giai đoạn muộn của viêm củng mạc.

Glocom: Có thể gặp glocom góc đóng, góc mở hoặc glocom tân mạch do những cơ chế khác nhau. Biến chứng viêm màng bồ đào và glocom trong viêm củng mạc là những chỉ định chính của bỏ nhãn cầu do viêm củng mạc.

Điều trị viêm củng mạc

Điều trị nội khoa: Bệnh nhân viêm củng mạc không hoại tử thường chỉ dùng thuốc chống viêm non steroid tại chỗ hoặc toàn thân. Viêm củng mạc có hoại tử kèm viêm tấy và viêm củng mạc phía sau thường sử dụng corticoid toàn thân hạn chế đau nhức. Nếu với corticoid không có hiệu quả có thể phải chuyển sang dùng ức chế miễn dịch mạnh hơn.

Các bệnh nhân có những bệnh phối hợp như cơ địa dị ứng atopy, trứng cá đỏ, gout hoặc phối hợp với bệnh toàn thân của hệ thống liên kết hoặc bệnh mạch máu thường cần trị liệu đặc hiệu sẽ được bàn riêng cho từng bệnh.

Điều trị ngoại khoa: Hiếm khi cần điều trị viêm củng mạc bằng phẫu thuật. Chỉ định duy nhất là các trường hợp viêm củng mạc hoại tử tiến triển tới dọa thủng hoặc thủng nhãn cầu. Điểm mấu chốt của điều trị phẫu thuật không phải là kỹ thuật phẫu thuật mà là khâu điều trị kiểm soát quá trình viêm trước phẫu thuật.

Vật liệu thay thế củng mạc cũng có thể là củng mạc từ mắt khác, màng xương, cân cơ,... Các thì phẫu thuật gồm tách kết mạc rộng, cắt bỏ các phần hoại tử của giác mạc, củng mạc. Mảnh ghép được cố định bởi 9/10 hoặc 10/10 sau đó được phủ kết mạc lên. Sau mổ cần tránh dùng cortioid tra để tạo điều kiện cho tân mạch và tế bào phát triển vào mảnh ghép.

Theo suckhoedoisong.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com