Những năm qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS ở tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS được triển khai toàn diện, rộng khắp và hiệu quả; số người nhiễm HIV mới phát hiện, số bệnh nhân AIDS và số người tử vong do HIV/AIDS liên tục giảm qua các năm. Tuy nhiên trong cộng đồng còn nhiều người nhiễm HIV không thuộc nhóm nguy cơ cao do đó rất khó phát hiện sớm, ẩn chứa những nguy cơ tiềm tàng làm lan truyền dịch HIV/AIDS.
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tuyên truyền, tư vấn cho người nhiễm HIV/AIDS. |
Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, toàn tỉnh hiện có 4.153 người nhiễm HIV (còn sống). Tổng số người nhiễm HIV tử vong từ đầu dịch đến nay là 1.539 trường hợp. Riêng từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện mới 28 trường hợp nhiễm HIV; số bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS là 60 trường hợp, 28 trường hợp tử vong. Tại tỉnh ta, dịch HIV vẫn tập trung, chưa có dấu hiệu lan ra cộng đồng. Các trường hợp phát hiện nhiễm HIV mới nguyên nhân chủ yếu lây truyền qua đường tình dục, tập trung trong nhóm tuổi từ 20-29 và 30-39. Phần lớn người nhiễm HIV được phát hiện từ hệ thống bệnh viện hoặc các cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện ở những người thuộc nhóm nguy cơ cao. Tuy nhiên trong cộng đồng còn nhiều người nhiễm HIV không thuộc nhóm nguy cơ cao do đó rất khó phát hiện sớm, ẩn chứa những nguy cơ tiềm tàng làm lan truyền dịch HIV/AIDS. Trước thực trạng đó, Ban Chỉ đạo Phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm tỉnh chỉ đạo các ngành thành viên, các huyện, thành phố tăng cường các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS và can thiệp giảm tác hại. Công tác thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm thay đổi hành vi phòng, chống HIV/AIDS được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức: Trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên hệ thống đài phát thanh các huyện, thành phố, đài truyền thanh ở các xã, phường, thị trấn; phát tờ rơi truyền thông điều trị Methadone, tư vấn xét nghiệm tự nguyện và điều trị ARV; tổ chức nói chuyện chuyên đề tại các tổ dân phố, cụm dân cư và truyền thông trực tiếp cho các đối tượng có hành vi nguy cơ cao như nhóm nghiện chích ma túy, phụ nữ mại dâm, người nhiễm HIV và gia đình, tiếp viên nhà hàng, khách sạn… Cùng với tuyên truyền, công tác giám sát HIV/AIDS và can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV được đẩy mạnh. Toàn tỉnh hiện có 7 phòng tư vấn xét nghiêm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện: Giao Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Ý Yên và Thành phố Nam Định. Từ đầu năm đến nay, các phòng tư vấn xét nghiệm đã tư vấn và xét nghiệm cho 2.313 người, trong đó phát hiện 25 người có HIV dương tính. Chương trình chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV/AIDS tích cực được thực hiện tại 10 cơ sở, trong đó 8 cơ sở điều trị HIV/AIDS người lớn tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Y tế các huyện Hải Hậu, Xuân Trường, Ý Yên, Nghĩa Hưng, Nam Trực, Trực Ninh, Bệnh viên Đa khoa tỉnh; cơ sở điều trị HIV trẻ em tại Bệnh viện Nhi tỉnh và cơ sở điều trị cả người lớn và trẻ em tại Trung tâm Y tế Giao Thủy. Hiện có 1.303 bệnh nhân đang điều trị ARV, trong đó có 1.244 người lớn và 59 trẻ em. Với kinh phí hỗ trợ từ Dự án Quỹ Toàn cầu, 100% bệnh nhân điều trị ARV có thẻ bảo hiểm y tế. Từ ngày 8-3-2019, các bệnh nhân điều trị HIV/AIDS tại 6 cơ sở điều trị HIV/AIDS do dự án Quỹ Toàn cầu tài trợ bắt đầu sử dụng thuốc ARV từ nguồn bảo hiểm y tế. Công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tiếp tục được duy trì. Tại Trung tâm Y tế các huyện: Giao Thủy, Hải Hậu và Bệnh viện Phụ sản tỉnh hiện đang triển khai nhiều hoạt động cung cấp dịch vụ phòng lây truyền từ mẹ sang con như: Tư vấn và xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Từ đầu năm đến nay toàn tỉnh có 9.455 phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV, phát hiện 6 phụ nữ mang thai nhiễm HIV và được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Hiện tại, các địa phương, đơn vị tăng cường các hoạt động can thiệp giảm tác hại của HIV/AIDS như: cấp phát bơm kim tiêm sạch, thu gom bơm kim tiêm bẩn, phát bao cao su, tài liệu truyền thông, xét nghiệm HIV cho người nguy cơ cao thông qua đội ngũ tiếp cận cộng đồng. Tại các huyện: Xuân Trường, Ý Yên và Trực Ninh đã thành lập và triển khai hoạt động nhóm tuyên truyền viên đồng đẳng về can thiệp giảm tác hại của HIV/AIDS. Dự án VUSTA trực tiếp triển khai can thiệp cho nhóm nghiện chích ma túy tại các huyện Giao Thủy, Hải Hậu; nhóm phụ nữ bán dâm tại huyện Giao Thủy và nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới tại thành phố Nam Định. Công tác điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tiếp tục được duy trì tại 8 cơ sở: Trung tâm Y tế các huyện Giao Thủy, Xuân Trường, Trực Ninh, Hải Hậu, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, Trung tâm Cai nghiện huyện Nam Trực, Phòng khám Đại Đồng huyện Giao Thủy và Trung tâm Bảo trợ và phòng, chống tệ nạn xã hội huyện Giao Thủy; cơ sở cấp phát thuốc Methadone tại Trung tâm Y tế thành phố Nam Định. Tổng số bệnh nhân tham gia điều trị Methadone là 1.943 người, đạt 102% chỉ tiêu được giao. Với các giải pháp tích cực, công tác dự phòng lây nhiễm HIV trong cộng đồng đã tới được các đối tượng nhiễm HIV; chất lượng điều trị cho bệnh nhân AIDS ngày càng được nâng cao.
Tuy nhiên công tác quản lý, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn do người nhiễm HIV/AIDS còn giấu tên, khai sai tên, địa chỉ, số người nhiễm HIV/AIDS được quản lý chỉ đạt khoảng 70%, tiềm ẩn nguy cơ lan truyền dịch HIV/AIDS. Để triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống HIV/AIDS, thời gian tới, các ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống HIV/AIDS ở các ngành, các địa phương, đơn vị. Duy trì công tác dự phòng và can thiệp giảm tác hại của HIV/AIDS. Tăng cường giám sát, phát hiện HIV/AIDS, nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS./.
Bài và ảnh: Minh Tân