Chăm sóc người bệnh đột quỵ

05:06, 03/06/2019

Đột quỵ là một tổn thương đến não xảy ra khi dòng máu cung cấp cho não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể.  Não bị thiếu ô-xy và dinh dưỡng làm cho các tế bào não bắt đầu chết trong vòng vài phút. Đây là nguyên nhân hàng đầu của tàn tật và tử vong trên toàn thế giới.

Đột quỵ được coi là một tình huống cấp cứu y tế và cần có chẩn đoán và điều trị kịp thời. Khi trong gia đình có người bị đột quỵ, đặc biệt là các trường hợp để lại di chứng nặng nề, thì vấn đề chăm sóc cho bệnh nhân trở thành gánh nặng cho cả gia đình. Vậy cách nào để vừa giúp người bệnh hồi phục tốt nhất mà giảm được những căng thẳng cho người chăm sóc?

Tập phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ.
Tập phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ.

Các loại đột quỵ chính

Đột quỵ do thiếu máu cục bộ: Gây ra bởi tắc nghẽn trong động mạch, chiếm khoảng 85% số ca đột quỵ. Cho đến nay, nhiều cơn đột quỵ thuộc dạng này vẫn còn chưa rõ nguyên nhân. Nguyên nhân thường do cục máu đông (huyết khối) hình thành trong một động mạch ở cổ hoặc não hoặc do các cục máu đông hình thành ở đâu đó trong cơ thể (thường là tim) và di chuyển đến não.

Đột quỵ do xuất huyết (chảy máu): Loại đột quỵ này do sự rò rỉ hoặc vết nứt trên một động mạch não hoặc trên bề mặt não. Những vết nứt này có thể là do phình mạch (một khu vực mỏng, yếu trên thành động mạch) hoặc bởi sự dị dạng của hệ thống mạch máu não. Xuất huyết có thể xuất hiện ở trong não hoặc trong khoảng không giữa não và lớp bảo vệ bên ngoài của nó.

Cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA): Thường gọi là đột quỵ nhỏ, TIA thực chất là những giai đoạn ngắn có triệu chứng của đột quỵ, chỉ kéo dài vài phút. Nguyên nhân là do sự giảm tạm thời dòng máu cung cấp cho một phần của não và không gây ra tác dụng rõ rệt lâu dài. Nhưng TIA được coi là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đột quỵ cao và cần đi khám chuyên khoa để được đánh giá và có hướng can thiệp sớm.

Dấu hiệu nhận biết

Các dấu hiệu cảnh báo của đột quỵ và TIA giống nhau, bao gồm sự xuất hiện đột ngột và ngắt quãng của một trong các triệu chứng:

Tê liệt cấp tính, ốm yếu hoặc tê cứng mặt, cánh tay hoặc chân, đặc biệt là một bên của cơ thể. Nếu bạn không thể nâng hai tay qua đầu cùng một lúc, hoặc nếu bạn không thể cười một cách bình thường, bạn có thể đang bị đột quỵ.

Mất thăng bằng đột ngột, chóng mặt, mất phối hợp.

Mờ mắt hoặc giảm thị lực ở một hoặc cả hai mắt đột ngột, hoặc nhìn đôi.

Lú lẫn đột ngột, khó nói hoặc không hiểu các câu đơn giản. Nếu bạn không thể nhắc lại một câu đơn giản, bạn có thể đang bị đột quỵ.

Đau đầu khu trú nghiêm trọng, không giải thích được và xuất hiện nhanh; có thể kèm theo nôn mửa.

Nguy cơ đột quỵ cao hơn nếu thấy xuất hiệu nhiều hơn một trong các dấu hiệu trên. Tuy nhiên, có nhiều tình trạng khác có thể giống đột quỵ, do đó cần phải có bác sĩ chuyên khoa xác định nguyên nhân. Dù vậy, người dân cần học cách nhận biết các dấu hiệu này sớm để đi khám kịp thời ngay khi bắt đầu có triệu chứng. Các triệu chứng này có thể không gây đau và qua đi nhanh chóng nên dễ bị bỏ qua. Mỗi phút phát hiện và được điều trị sớm đột quỵ (lý tưởng là trong vòng 60 phút đầu), thì nguy cơ xuất hiện tổn thương vĩnh viễn càng giảm.

Hậu quả sau đột quỵ

Phục hồi sau đột quỵ ở từng người là khác nhau. Một số người có thể phục hồi hoàn toàn trong khi những người khác sẽ bị khuyết tật nhẹ, trung bình hoặc nghiêm trọng. Phục hồi nhanh nhất xảy ra trong vòng 30 ngày đầu tiên sau đột quỵ. Hậu quả cụ thể trên một người sống sót sau đột quỵ sẽ phụ thuộc vào vị trí và phạm vi của đột quỵ và việc người đó đã được điều trị nhanh như thế nào. Đột quỵ xảy ra ở bán cầu não trái có thể ảnh hưởng đến giao tiếp và trí nhớ, cũng như vận động ở phần cơ thể bên phải. Đột quỵ xảy ra ở bán cầu não phải có thể ảnh hưởng đến các khả năng không gian và nhận thức, cũng như vận động ở phần cơ thể bên trái.

Mặc dù không có người nào sống sót sau đột quỵ có tổn thương hoặc khuyết tật giống hệt nhau, nhưng những triệu chứng thể chất, nhận thức và cảm xúc chung của những người này thường là:

Tê liệt hoặc yếu: Thường là ở một bên cơ thể, bao gồm cả mặt và miệng. Bệnh nhân có thể bị khó nuốt hoặc bị bỏ mặc một bên.

Vấn đề thị giác: Bệnh nhân có thể không tập trung nhìn được, có thể có điểm mù hoặc có vấn đề với tầm nhìn ngoại vi.

Khó khăn trong giao tiếp: Mất ngôn ngữ là khái niệm được dùng để mô tả tập hợp sự thiếu hụt về giao tiếp, bao gồm gặp vấn đề khi nói, hiểu, đọc và viết.

Rối loạn cảm xúc: Biểu hiện không kiểm soát, không lý giải được của hành động khóc, tức giận hoặc cười mà có thể ít có liên hệ đến trạng thái cảm xúc hiện tại của bệnh nhân. Những biểu hiện này thường đến và đi nhanh chóng và có thể giảm dần theo thời gian.

Trầm cảm: Lo âu (đặc biệt là về khả năng gặp một cơn đột quỵ khác) và trầm cảm không phải là hiếm gặp sau đột quỵ.

Khi tình trạng của người sống sót sau đột quỵ đã ổn định và sự ảnh hưởng đến hệ thần kinh có vẻ không còn tiếp diễn, lúc này giai đoạn phục hồi chức năng bắt đầu. Phục hồi chức năng tuy không chữa được đột quỵ nhưng nó có thể giúp giảm thiểu tổn thương vĩnh viễn và tăng cường thích nghi. Phục hồi chức năng bao gồm việc tập luyện tích cực: Chuyển động, thăng bằng, nhận thức về không gian và cơ thể, kiểm soát ruột/bàng quang, ngôn ngữ và thích nghi tâm lý và cảm xúc.

Cách nào giảm tải gánh nặng chăm sóc?

Việc chăm sóc một người bị đột quỵ là thử thách lớn đối với gia đình bệnh nhân. Bởi khi bị đột quỵ, thì các khả năng ghi nhớ, giao tiếp và thể chất đều có thể bị ảnh hưởng.

Khi quá trình điều trị tiến triển, với vai trò là người chăm sóc chính, bạn có thể tham gia vào việc lựa chọn cơ sở phục hồi chức năng, phối hợp các dịch vụ chăm sóc tại nhà. Ngoài chăm sóc bệnh nhân, bạn cần trao đổi tỉ mỉ với các bác sĩ và nhân viên phục hồi chức năng những tiến triển của quá trình này.

Trong suốt quá trình điều trị và ngay cả khi thời gian đã trôi qua, thì người bệnh vẫn có thể bị trầm cảm. Người chăm sóc bệnh nhân cần biết để đối phó với tình trạng này. Bạn nên tìm kiếm và nhờ sự trợ giúp của cộng đồng và các chuyên gia y tế để giúp bệnh nhân tốt hơn và cũng tránh cho bản thân mình bước vào vòng luẩn quẩn: Mệt mỏi - căng thẳng - mệt mỏi.

Phục hồi chức năng có thể là một quá trình lâu dài với tiến triển chậm chạp và đôi khi thất thường, quá trình phục hồi của mỗi người đều khác nhau. Người chăm sóc bệnh nhân không nên nản lòng. Trong khi chăm sóc, hãy cố gắng tập trung vào khả năng của bệnh nhân hơn là những hạn chế của họ. Luôn khuyến khích bệnh nhân mỗi khi có tiến bộ, dù lớn hay nhỏ.

Ngoài thời gian chăm sóc cho người bệnh, bạn cũng cần cố gắng chú ý tới sức khỏe của bản thân. Để tránh kiệt sức về việc chăm sóc, hãy cố gắng ngủ đủ, ăn uống lành mạnh, chú ý đến nhu cầu y tế của bản thân và tập luyện khi có thể. Bạn có thể tạm giao việc chăm sóc cho một thành viên trong gia đình, bạn bè (hoặc thuê người) để dành cho thời gian nghỉ ngơi, làm việc. Việc làm này là cần thiết và có lợi cho chính người chăm sóc và cho cả bệnh nhân.

Theo suckhoedoisong.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com