Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn do bị chó cắn, trong đó phải kể đến trường hợp cháu nhỏ 7 tuổi bị đàn chó cắn chết rất thương tâm. Đáng báo động, ngoài những tổn thương trực tiếp do bị chó cắn gây ra, nguy cơ mắc bệnh dại, đe dọa đến tính mạng nạn nhân cũng rất cao.
Tiêm vắc xin phòng dại cho chó là cách tốt nhất để phòng tránh bệnh này. |
Vì sao bị bệnh dại?
Bệnh dại do virut dại thuộc họ Rahabdovirus gây ra. Đây là loại bệnh từ động vật lây sang cho người. Bệnh dại hay gặp nhất là do chó dại cắn. Ở nước ta, tình trạng nuôi chó thả rông, không tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đúng quy cách còn gặp khá nhiều, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Bệnh dại xuất hiện là do virut dại từ tuyến nước bọt của chó lây sang cho người. Chó trưởng thành mắc bệnh dại hay chó con mang mầm bệnh dại, khi cắn hoặc liếm vào vết thương của người (da xây xát) hoặc da tiếp xúc trực tiếp với virut dại khi làm thịt chó. Lúc này, virut dại chui qua da, niêm mạc (bình thường, virut dại không qua da và niêm mạc nhưng khi da và niêm mạc bị tổn thương, ẩm ướt thì chúng mới có điều kiện xâm nhập) rồi đi vào máu, đến các tổ chức của cơ thể, đặc biệt là tổ chức thần kinh ngoại biên, sau đó đi đến não (thần kinh trung ương). Tại đây, virut dại theo dây thần kinh đi đến tuyến nước bọt, tản ra khắp hệ thống thần kinh và gây tổn thương tổ chức não, gây viêm não cấp, thể hiện bằng các triệu chứng lâm sàng là rối loạn tâm thần hoặc bị liệt.
Dễ phát bệnh dại nếu không tiêm phòng
Người bị chó dại cắn, nếu không tiêm phòng có thể bị phát bệnh dại.
Thời kỳ ủ bệnh của bệnh dại rất khác nhau tùy theo vết cắn và độc lực của virut, có thể từ 10 ngày đến 1 năm (trung bình từ 20 - 60 ngày). Nếu vết cắn ở gần thần kinh trung ương, độc lực của virut dại mạnh thì thời kỳ ủ bệnh ngắn hơn các nơi khác. Trước khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh thì có thể có các triệu chứng như lo lắng, thay đổi tính tình, đau ở nơi vết cắn.
Khi phát bệnh dại có 2 thể bệnh chính. Thể thứ nhất là thể viêm não: Người bệnh khởi đầu có cảm giác dị cảm nơi cắn, mất ngủ, bồn chồn. Sau đó xuất hiện kích thích, sợ nước, sợ gió. Bệnh tiến triển tăng dần đến mức không thể uống nước, có những cơn co thắt hầu họng khi uống nước, khi thấy gió hoặc thậm chí chỉ nghe thấy tiếng nước chảy, gió thổi. Bệnh nhân có tăng tiết nước bọt và không nuốt được nên thường xuyên khạc nhổ. Đồng tử giãn nên nhìn mắt bệnh nhân sáng long sòng sọc. Sau đó xuất hiện co thắt hầu họng tự nhiên, cường dương, xuất tinh tự nhiên và thường tử vong trong vòng 1 tuần kể từ khi phát bệnh.
Thể bệnh thứ 2 là thể liệt: Người bệnh sẽ liệt lan dần từ chân đến liệt cơ tròn làm rối loạn tiểu, đại tiện liệt, lan lên liệt tay đến khi lan lên liệt cơ hô hấp thì bệnh nhân sẽ tử vong. Lưu ý là các bệnh nhân dại sẽ tỉnh táo hoàn toàn cho đến lúc chết chứ không bị điên dại.
Cần lưu ý rằng khi bệnh dại đã lên cơn thì vô phương cứu chữa, 100% bệnh nhân tử vong. Cho đến nay, chưa có một loại thuốc nào (cả Tây y lẫn Đông y) dùng để điều trị bệnh dại khi đã lên cơn. Tuy vậy, cần chẩn đoán phân biệt với một số trường hợp bệnh hoang tưởng.
Không điều trị mẹo, thuốc nam
Khi bị chó dại cắn, không phải 100% số người bị cắn phát bệnh dại mà có người bị, có người không. Nguy cơ bệnh nhiễm bệnh dại tùy thuộc lượng virut trong nước bọt chó nhiều hay ít, vết thương sâu hay không làm rách da. Tuy nhiên không thể dự đoán được người nào có thể bị phát dại hay không, và khi đã phát bệnh dại nhìn chung sẽ tử vong nên tất cả những người bị chó dại cắn đều được khuyến cáo tiêm vắc xin phòng bệnh dại.
Hàng năm ở nước ta vẫn có hàng chục bệnh nhân chết oan vì tin lời thầy lang thử bảo không phải dại, hoặc cho thuốc chữa và bỏ không đi tiêm vắc-xin.
Để chủ động phòng chống bệnh dại, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần: Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn. Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc povidone, iodine. Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương. Đến ngay trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời.
Phòng chống bệnh dại
Các chuyên gia y tế khuyến cáo: Người dân hạn chế nuôi chó, mèo, nếu nuôi phải tiêm phòng bệnh dại định kỳ theo hướng dẫn của cơ quan thú y, phải nuôi nhốt không được thả rông, không cho trẻ đùa nghịch với chó, mèo đặc biệt là khi chúng đang ăn.
Khi tiêm vắc-xin phòng bệnh dại, yêu cầu phải tuân thủ: Tiêm đủ mũi, đúng lịch, không uống rượu bia, không dùng thuốc corticoid và thuốc ức chế miễn dịch. Theo dõi tình trạng con vật sau khi cắn người trong vòng 2 tuần (ốm, chết, lên cơn dại...) để có hướng xử lý tiếp theo. Không tiếp xúc với con vật bị dại, nghi dại; không mua bán, vận chuyển chó mèo ra, vào vùng dịch. Báo ngay cho chính quyền, cơ quan thú y tại địa phương để có biện pháp tiêu hủy chó mèo bị dại; cách ly theo dõi động vật nghi dại.
Theo suckhoedoisong.vn