Có nhiều yếu tố nguy cơ cho bệnh đái tháo đường týp 2. Cần chủ động nhận biết và có kế hoạch điều chỉnh thông qua chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý.
Khi bị bệnh đái tháo đường tysp 2 cần đi phải đi khám, chữa bệnh thường xuyên. Ảnh minh họa |
Những nguy cơ cần lưu ý hàng đầu
Béo phì: Nguy cơ số một của bệnh đái tháo đường týp 2 là béo phì. Theo Trung tâm Thống kê Y tế quốc gia Hoa Kỳ, 30% người trưởng thành bị béo phì. Trọng lượng lớn làm tăng đề kháng insulin, tăng cao glucose trong máu vì chất béo cản trở khả năng sử dụng insulin của cơ thể, tăng nguy cơ mắc bệnh.
Lối sống ít vận động: Không hoạt động và thừa cân liên quan mật thiết với nhau và với đái tháo đường týp 2. Các tế bào cơ có nhiều thụ thể insulin hơn tế bào mỡ, vì vậy có thể giảm kháng insulin bằng cách tập thể dục.
Thói quen ăn uống không lành mạnh: 90% người được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường týp 2 bị thừa cân do ăn uống không lành mạnh, quá nhiều chất béo, không đủ chất xơ và quá nhiều carbohydrate.
Tuổi tác và di truyền: Càng lớn tuổi, nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường týp 2 càng cao. Tuyến tụy không sản xuất insulin hiệu quả như khi cơ thể còn trẻ. Ngoài ra, khi các tế bào của trong cơ thể già đi cũng trở nên kháng insulin nhiều hơn. Nếu trong gia đình có người mắc bệnh đái tháo đường týp 2 thì nguy cơ cao bạn cũng sẽ mắc căn bệnh này.
Tăng huyết áp và cholesterol: Đây là yếu tố nguy cơ đặc trưng cho nhiều bệnh và tình trạng khác nhau, bao gồm cả bệnh đái tháo đường týp 2. Chúng không chỉ làm hỏng mạch máu mà còn là 2 thành phần chính trong hội chứng chuyển hóa, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ.
Lịch sử bệnh đái tháo đường thai kỳ: Bệnh đái tháo đường thai kỳ ảnh hưởng đến khoảng 4% phụ nữ mang thai. Chính hormon từ nhau thai làm cho mẹ kháng insulin. Nhiều phụ nữ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ phát triển bệnh đái tháo đường týp 2 những năm sau đó. Trẻ sinh ra từ những bà mẹ đái tháo đường thai kỳ cũng có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường sau này trong cuộc đời.
Phòng ngừa và trì hoãn đái tháo đường týp 2
Kiểm soát trọng lượng: Đưa cơ thể về mức cân đối là ưu tiên hàng đầu khi điều trị bệnh đái tháo đường týp 2. Thừa cân làm tăng gấp 7 lần nguy cơ phát triển căn bệnh này còn béo phì làm tăng gấp 20-40 lần khả năng so với người có một trọng lượng khỏe mạnh.
Tăng cường vận động, hạn chế ngồi trước màn hình ti vi: Thiếu vận động thúc đẩy bệnh đái tháo đường týp 2. Đi bộ nhanh hơn 5 giờ mỗi tuần, làm việc cơ bắp thường xuyên và chăm chỉ giúp cải thiện khả năng sử dụng insulin và hấp thụ glucose.
Điều chỉnh chế độ ăn uống: Thay đổi chế độ ăn uống có thể tác động lớn đến giảm các nguy cơ của bệnh đái tháo đường týp 2.
Chọn ngũ cốc nguyên hạt và các sản phẩm ngũ cốc nguyên hạt hơn là chọn carbohydrate tinh chế: Thực phẩm ngũ cốc nguyên hạt có khả năng chống lại bệnh đái tháo đường, trong khi chế độ ăn giàu carbohydrate tinh chế dẫn đến nguy cơ gia tăng. Trong nghiên cứu The Nurses’ Health Studies I and II, những phụ nữ dùng trung bình 2-3 khẩu phần ngũ cốc nguyên hạt mỗi ngày có 30% khả năng ít phát triển bệnh đái tháo đường týp 2 so với những người hiếm khi ăn ngũ cốc nguyên hạt.
Bỏ qua các đồ uống có đường, thay thế bằng nước lọc và trà: Giống như ngũ cốc tinh chế, đồ uống có đường tải lượng đường máu cao, có liên quan với tăng nguy cơ bệnh đái tháo đường. Trong nghiên cứu Nurses’ Health Study II, những phụ nữ uống một hoặc nhiều đồ uống có đường mỗi ngày có nguy cơ cao với 83% của bệnh đái tháo đường týp 2, so với những người uống ít thức uống có đường mỗi tháng.
Chọn chất béo tốt thay vì chất béo xấu: Chất béo tốt (các chất béo không bão hòa trong dầu thực vật lỏng, các loại hạt) có thể giúp tránh bệnh đái tháo đường týp 2. Những chất béo xấu được tìm thấy trong bơ thực vật, thực phẩm chiên nướng trong hầu hết các nhà hàng thức ăn nhanh làm tăng sự phát triển của bệnh đái tháo đường.
Hạn chế thịt đỏ và tránh thịt chế biến; chọn các loại hạt, ngũ cốc, thịt gia cầm, cá để thay thế: Các bằng chứng ăn thịt đỏ và chế biến thịt đỏ làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, ngay cả trong số những người tiêu thụ với số lượng nhỏ. Thay thế thịt đỏ hoặc thịt đỏ được chế biến với một nguồn protein lành mạnh khác, như các loại hạt, sữa ít chất béo, thịt gia cầm, cá làm giảm nguy cơ bị bệnh đái tháo đường lên đến 35 %.
Bỏ hút thuốc lá và hạn chế bia rượu: Những người hút thuốc lá có nguy cơ cao hơn khoảng 50% khả năng phát triển bệnh đái tháo đường hơn so với người không hút thuốc. Uống bia rượu nhiều hơn quy định có liên quan mạnh với phát triển bệnh đái tháo đường.
Tiêu chuẩn chẩn đoán của Hội Đái tháo đường Hoa Kỳ 2015 (ADA):
Chẩn đoán dựa vào rối loạn glucose máu lúc đói (Go): Bình thường: Go < 100mg/dl (Go <5,6mmol/L); Tiền đái tháo đường: 100mg/dl < Go < 126mg/dl (5,6mmol/L126mg/dl (Go >7mmol/L).
Chẩn đoán dựa vào kết quả đường máu 2 giờ sau khi dung nạp 75g glucose đường uống (G2): Bình thường: G2 < 140mg/dL (G2 < 7,8mmol/L); Tiền đái tháo đường: 140mg/dL < G2 < 199mg/dL (7,8mmol/L < G2 < 11mmol/L); Bệnh đái tháo đường: G2 > 200mg/dL (G2 >11,1mmol/L).
Chẩn đoán dựa vào kết quả thử nghiệm HbA1c: Bình thường: HbA1c <5,7%; Tiền đái tháo đường HbA1c: 5,7-6,4%; Đái tháo đường: HbA1c > 6,5%.
Theo suckhoedoisong.vn