Chủ động phòng, chống dịch bệnh xuân - hè

08:04, 12/04/2019

Hiện đang là thời điểm giao mùa xuân - hè, thời tiết nồm ẩm là điều kiện thuận lợi cho nhiều dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh, đặc biệt là các bệnh cúm, ho gà, sởi, sốt xuất huyết, tay - chân - miệng, sốt vi rút, viêm đường hô hấp… Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, những tháng đầu năm 2019, một số bệnh truyền nhiễm theo mùa có nguy cơ gia tăng; trong đó có bệnh cúm độc lực cao, bệnh tay - chân - miệng, thủy đậu và sốt xuất huyết. Tại các bệnh viện, thời điểm này đã xuất hiện nhiều trường hợp phải nhập viện vì bệnh giao mùa, chủ yếu là trẻ em và người cao tuổi. Tại Bệnh viện Nhi tỉnh, mỗi ngày có trên 250 trẻ đến khám, chủ yếu là mắc các bệnh: viêm đường hô hấp, tay - chân - miệng, thuỷ đậu, sốt xuất huyết… Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, phần lớn người nhập viện là người cao tuổi với các bệnh thường gặp nhất trong thời điểm này như cảm lạnh, cúm, viêm phổi, viêm họng, cao huyết áp, đột quỵ…

Để công tác giám sát và phòng chống dịch được chủ động, hiệu quả, mới đây, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương có công văn yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố tăng cường công tác giám sát các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là các bệnh cúm, ho gà, sởi, bạch hầu, sốt xuất huyết, tay - chân - miệng… trên địa bàn, tại khu vực cửa khẩu để phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp mắc đầu tiên, không để lây lan, bùng phát thành dịch. Hoàn thành phiếu điều tra và lấy mẫu đúng quy định gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để chẩn đoán xác định. Duy trì tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng trên địa bàn. Phối hợp chặt chẽ các ban, ngành có liên quan trong công tác giám sát và phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm. Tăng cường công tác truyền thông, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường dự phòng lây nhiễm, đặc biệt chú trọng công tác tiêm chủng mở rộng. Củng cố các đội cơ động phòng chống dịch, đảm bảo công tác trực chống dịch tại tất cả các đơn vị. Chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hoá chất, trang thiết bị chống dịch để sẵn sàng ứng phó khi có dịch xảy ra.

Bệnh nhân làm thủ tục khám bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Mỹ Lộc.
Bệnh nhân làm thủ tục khám bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Mỹ Lộc.

Thực hiện văn bản hướng dẫn của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tăng cường các giải pháp giám sát, phòng chống dịch bệnh. Đối với bệnh cúm độc lực cao, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh yêu cầu trung tâm y tế các huyện, thành phố tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm và điều trị tích cực các loại cúm độc lực cao, như cúm A (H5N1), cúm do vi rút...; chỉ đạo các trạm y tế xã, phường, thị trấn tổ chức giám sát tại cộng đồng và tại cơ sở y tế qua những trường hợp viêm đường hô hấp nặng để phát hiện sớm những trường hợp nhiễm cúm độc lực cao; đồng thời tăng cường các xét nghiệm để phát hiện sớm bệnh. Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị tăng cường phối hợp truyền thông và khuyến cáo người dân khi có dấu hiệu bệnh nặng phải đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. Đối với bệnh thuỷ đậu, ngành Y tế khuyến cáo các bậc phụ huynh nên cho con đi tiêm phòng đủ 2 mũi vắc xin phòng thủy đậu để hạn chế tối đa những biến chứng có thể xảy ra khi mắc bệnh. Trẻ từ 12 tháng tuổi đến 12 tuổi, tiêm 1 liều và liều thứ 2 cách liều thứ nhất 6 tuần trở lên hoặc trong khoảng 4-6 tuổi để gia tăng hiệu quả phòng bệnh và giảm việc mắc bệnh thủy đậu trở lại. Đối với trẻ trên 13 tuổi và người lớn, tiêm 2 liều cách nhau 6 tuần. Để hạn chế tình trạng lây lan bệnh thủy đậu, ngành Y tế phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo phát hiện sớm những trường hợp mắc bệnh trong khu vực trường học để thực hiện việc cách ly. Khi phát hiện nhiều ca bệnh, cơ quan chức năng phải triển khai các biện pháp bao vây, khoanh vùng, xử lý ngay để không lây lan thành những ổ dịch lớn... Đối với bệnh sốt xuất huyết, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh yêu cầu trung tâm y tế các huyện, thành phố, trạm y tế các xã, phường, thị trấn phát động làm vệ sinh môi trường phòng, chống các loại bệnh, trong đó tập trung vào phòng, chống bệnh sốt xuất huyết; diệt bọ gậy; chuẩn bị các phương án sẵn sàng phòng, chống khi dịch bệnh xảy ra. Đối với sốt vi rút, do chưa có thuốc tiêu diệt vi rút trong cơ thể người nên cách duy nhất để đối phó là phòng bệnh và tăng sức đề kháng, đặc biệt là trẻ em. Các bà mẹ cần phòng tránh cho trẻ tiếp xúc nguồn bệnh như: không tới chỗ đông người, không tiếp xúc nhiều với người bệnh, rửa tay cho trẻ trước khi ăn và sau khi trẻ đi học hoặc đi chơi ở ngoài về. Nâng cao sức đề kháng cho trẻ bằng các chất bổ sung tăng cường miễn dịch trực tiếp có thể rất hữu ích trong thời điểm này, nhất là đối với trẻ thường xuyên ốm vặt, viêm nhiễm đường hô hấp, tai mũi họng. Đối với các bệnh đường hô hấp, chú ý giữ ấm vào sáng sớm và ban đêm; đặc biệt là giai đoạn chuyển mùa. Rửa mũi và súc miệng bằng nước muối sinh lý thường xuyên để đề phòng bụi bẩn, nhiễm khuẩn đường hô hấp. Tăng sức đề kháng, giảm tần suất mắc bệnh hô hấp để vượt qua các bệnh này dễ dàng.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, biện pháp phòng, chống các loại dịch bệnh một cách lâu dài và hiệu quả là tiêm vắc xin phòng bệnh với những bệnh đã có vắc xin tiêm phòng. Do đó, ngành Y tế đẩy mạnh công tác tổ chức tiêm chủng các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, chú ý tiêm vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm như cúm, sởi, thủy đậu, rubella, quai bị, viêm não, viêm gan vi rút... với tỷ lệ đạt 95-98%. Hàng tháng, tổ chức tiêm chủng định kỳ, đồng thời tổ chức các đợt tiêm bổ sung, tiêm vét, tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin, phát huy cao nhất hiệu quả của các loại vắc xin trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm và bệnh theo mùa. Trước nguy cơ bùng phát một số bệnh thời điểm giao mùa xuân - hè, ngành Y tế đã triển khai các điểm giám sát dịch bệnh, tập trung vào các địa bàn trọng điểm; tổ chức hệ thống tiêm chủng mở rộng trên địa bàn tỉnh, chuẩn bị đầy đủ hóa chất và phương tiện để xử lý nếu dịch bệnh bùng phát...; đồng thời khuyến cáo người dân, để chủ động phòng chống một số loại bệnh truyền nhiễm và theo mùa, vệ sinh sạch sẽ môi trường sống; thực hiện ăn chín, uống sôi, ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng... Bên cạnh đó, thường xuyên giám sát dịch chặt chẽ, phát hiện và xử lý kịp thời không để dịch lớn xảy ra. Duy trì hoạt động giám sát tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi tỉnh, đảm bảo điều tra, giám sát, lấy mẫu xét nghiệm. Chuẩn bị đủ vật tư, hóa chất, sinh phẩm phục vụ công tác lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển theo đúng quy định; chuẩn bị máy phun hóa chất, hóa chất, trang thiết bị bảo hộ, sẵn sàng đáp ứng kịp thời khi có dịch xảy ra. Kiện toàn các đội chống dịch cơ động và đội phản ứng nhanh sẵn sàng tăng cường cho tuyến dưới; lập danh sách, bố trí nhân lực thường trực 24/24h trong các ngày nghỉ lễ; hỗ trợ các đơn vị tuyến dưới trong điều tra, giám sát bệnh dịch; khuyến khích việc sử dụng các vắc-xin dự phòng khác cho các đối tượng có nguy cơ cao… Cùng với ngành Y tế, các cấp chính quyền trong tỉnh cần phối hợp để có những giải pháp tích cực, hiệu quả để chủ động phòng chống dịch bệnh xuân - hè./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com