Bệnh rối loạn tiền đình ngoại biên

06:04, 05/04/2019

Rối loạn tiền đình ngoại biên là rối loạn chức năng của các cấu trúc ở tai trong (chỗ của các ống bán khuyên) hoặc của dây thần kinh số 8.

Biểu hiện:

Rối loạn tiền đình ngoại biên thường gặp với biểu hiện như chóng mặt khi thay đổi tư thế. Đây là dạng bệnh lành tính, chỉ làm cho người bệnh khó chịu trong sinh hoạt nhưng vẫn còn đi đứng được, cơn chóng mặt thường thoáng qua chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn, chúng xuất hiện khi thay đổi tư thế như lắc đầu, từ tư thế nằm chuyển sang ngồi.

Tuy nhiên, nhiều người bị rối loạn tiền đình ngoại biên nặng có thể có biểu hiện tình trạng chóng mặt thật nặng và kéo dài, người bệnh không thể đi đứng được, không thể thay đổi tư thế từ nằm sang ngồi được. Đặc biệt, cơn chóng mặt thường kèm theo nôn ói rất nhiều và nôn kéo dài, ù tai, giảm thính lực một hoặc cả hai bên tai. Người bệnh còn có thể kèm theo tình trạng nặng đầu, khó tập trung, choáng váng, hồi hộp, sợ ánh sáng...

Rối loạn tiền đình ngoại biên xảy ra thường là do tổn thương tai trong hoặc dây thần kinh tiền đình xuất phát từ các nguyên nhân như: viêm tai xương chũm mạn tính, do rượu, do dùng các thuốc gây tổn thương tiền đình như thuốc lợi tiểu, thuốc giảm đau...

Điều trị rối loạn tiền đình:

Dùng phác đồ điều trị rối loạn tiền đình bằng thuốc: có thể giảm nhanh chóng triệu chứng rối loạn tiền đình

Phác đồ điều trị rối loạn tiền đình bằng tập luyện cơ thể:

Tập luyện thường xuyên và nhẹ nhàng, nghỉ ngơi và thư giản đầy đủ phù hợp với sức khỏe của bệnh nhân. Tuy nhiên bệnh nhân nên được giám sát và hướng dẫn để tránh những chuyển động liên quan đến đầu đột ngột mà có thể tạo ra cơn chóng mặt, hoa mắt. Mỗi bệnh nhân sẽ có một cơ chế luyện tập đặc biệt và ăn uống riêng phù hợp để đạt được hiểu quả tối ưu nhất trong quá trình điều trị.

Bệnh nhân không nên ăn hoặc uống quá nhiều đồ dầu mỡ, cay, nóng thay vào đó là rau quả và đồ mát và không quá nhiều muối trong món ăn. Không nên hút thuốc và sử dụng đồ uống có gas và cồn như rượu bia, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể và cho sự hoạt động của não.

Ngoài ra, bệnh nhân mắc rối loạn tiền đình nên:

- Tập thể dục thường xuyên.

- Ban đêm, để đèn ngủ sáng cho dễ quan sát sự vật chung quanh.

- Không ngồi liên tục quá lâu, nhất là ngồi máy tính.

- Hạn chế uống rượu, cà phê, thuốc lá.

- Tránh tiếp xúc với các chất hoặc thực phẩm có mùi vị kích thích,

- Tránh quay cổ hoặc đứng lên ngồi xuống quá nhanh.

- Tránh lái xe hoặc điều khiển máy móc có động cơ mạnh nếu thường xuyên bị choáng váng.

- Giảm căng thẳng, lo âu, hoảng hốt.

- Tránh leo trèo cao.

- Hợp tác với thầy thuốc để việc điều trị được tốt.

Khi có những biểu hiện của rối loạn tiền đình, người bệnh nên đi thăm khám sớm để có phác đồ điều trị phù hợp, hiệu quả.

Theo suckhoedoisong.vn và vietnamnet.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com