Khi bạn bị đái tháo đường (ĐTĐ) týp 2, hoạt động thể chất (chủ yếu là tập thể dục) có vai trò rất quan trọng trong điều trị, ngoài sử dụng thuốc và chế độ ăn kiêng. Nhiều nghiên cứu đã kết luận tập thể dục giúp tăng cường sức khỏe, giữ đường máu trong kiểm soát cũng như giảm nguy cơ mắc bệnh tim hoặc đột quỵ. Tập thể dục hỗ trợ đắc lực cho quản lý bệnh ĐTĐ.
Lợi ích của tập thể dục với người bệnh ĐTĐ týp 2:
Bệnh ĐTĐ và tập thể dục có mối quan hệ nhân quả khăng khít với nhau. Tập thể dục sẽ giúp bạn: Giảm cân và duy trì cân nặng khỏe mạnh; Giảm nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ týp 2; Tăng sử dụng glucose của cơ nhằm cung cấp năng lượng, có nghĩa nếu bạn tập thể dục thường xuyên, bạn sẽ có nồng độ glucose trong máu thấp hơn; Giảm lượng insulin máu cần thiết; Kiểm soát tốt huyết áp; Giảm nguy cơ bệnh tim; Giảm “cholesterol xấu” LDL và tăng “cholesterol tốt” HDL; Giảm căng thẳng; Cải thiện chất lượng giấc ngủ; Giảm các dấu hiệu và triệu chứng trầm cảm,lo lắng.
Tập thể dục cũng có thể giúp những người bị ĐTĐ týp 2 tránh các biến chứng dài hạn, đặc biệt là các vấn đề về tim. Những người mắc ĐTĐ týp 2 rất dễ bị tắc nghẽn động mạch, có thể dẫn tới cơn đau tim và đột quỵ. Tập thể dục giúp giữ cho trái tim của bạn khỏe mạnh. Thêm vào đó, tập thể dục giúp bạn duy trì mức cholesterol tốt và giúp bạn tránh được chứng xơ vữa động mạch, là nguyên nhân chính gây nhiều bệnh lý tim mạch.
Một số bài tập thể dục thích hợp nhất cho người bệnh ĐTĐ:
Luyện tập aerobic: Aerobic là một loại loại hình luyện tập hoạt động cơ bắp nhiều hơn, cũng sẽ làm nhịp thở và nhịp tim nhanh hơn. Đầu tiên, bắt đầu với khoảng 5 - 10 phút mỗi ngày và sau đó tăng dần. Nên tập 30 - 60 phút mỗi ngày, vài ngày một tuần. Bạn cũng hãy thử leo núi, leo lên cầu thang, đi bộ nhanh và nhảy múa hoặc đi xe đạp, bơi lội, chơi tennis, bóng rổ hoặc các môn thể thao khác.
Tập thể dục tăng sức mạnh cơ bắp: Tập thể dục có sức mạnh sẽ giúp bạn xây dựng cơ bắp và giữ cho xương khỏe mạnh. Trong khi tập luyện, bạn sẽ đốt cháy nhiều calo hơn. Nếu tập thường xuyên sẽ giảm được trọng lượng cơ thể. Tập luyện có sức mạnh được khuyến cáo 2-3 lần/tuần và bao gồm sử dụng các dải kéo đàn hồi, các thiết bị có trọng lượng, các thiết bị cầm tay nặng… Bạn có thể tập ở nhà hoặc trung tâm. Bắt đầu tập với trọng lượng nhẹ và tăng dần trọng lượng.
Tập thể dục kéo giãn cơ: Nếu được chẩn đoán mắc bệnh ĐTĐ, bạn nên tập thể dục kéo giãn cơ, phù hợp với hoạt động thể lực từ nhẹ đến trung bình, ví dụ yoga. Khi tập thể dục kéo giãn, bất kể loại tập luyện kéo giãn nào bạn thích, sẽ làm tăng tính linh hoạt, giảm căng thẳng và ngăn ngừa đau cơ bắp.
Lời khuyên của thầy thuốc:
Hiệu quả của tập thể dục với bệnh ĐTĐ là quá rõ ràng. Nhưng trước khi tập, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ cho dù bạn cảm thấy thích một loại hình thể dục nào đó, nhất là nếu trước đây bạn ít vận động. Bác sĩ sẽ kiểm tra tim, đặc biệt quan trọng nếu bạn bị tăng huyết áp hoặc bất kỳ bệnh lý động mạch tắc nghẽn, từ đó chọn môn tập thể dục phù hợp nhất. Xem xét các biến chứng như bệnh lý thần kinh ngoại biên hoặc bệnh lý võng mạc mắt. Bạn cũng có thể được các chuyên gia vật lý trị liệu giúp đỡ để có chương trình tập luyện phù hợp sức khoẻ và phù hợp để đạt các mục tiêu mong muốn.
4 điều lưu ý với người ĐTĐ khi tập thể dục:
1. Uống nhiều chất lỏng trong khi tập thể dục để cơ thể luôn đủ nước.
2. Đo mức glucose máu trước và sau khi hoạt động thể chất.
3. Mang tất và giày thể thao phù hợp. Chăm sóc chân tốt và kiểm tra xem có vết loét, kích ứng da, vết cắt hay bất kỳ loại thương tích nào khác.
4. Hoạt động thể chất có thể làm giảm mức glucose trong máu khiến bạn hạ đường huyết. Cần nhớ hạ đường huyết có thể xảy ra khi tập thể dục và chú ý đến các dấu hiệu, triệu chứng của hạ đường máu: cảm thấy yếu đuối, run, đói, mệt mỏi, đẫm mồ hôi hoặc thậm chí lẫn lộn, nặng quá có thể bị mất ý thức.
Theo suckhoedoisong.vn