Nguyên nhân chính xác gây nên viêm khớp dạng thấp chưa được xác định, nhưng các nghiên cứu cho thấy có một số yếu tố nhất định gia tăng khả năng mắc chứng bệnh này.
Yếu tố di truyền: Nếu trong gia đình có người mắc bệnh VKDT, bạn sẽ nguy cơ mắc căn bệnh này cao hơn. Tuy nhiên, yếu tố di truyền thường cần có thêm các yếu tố kích hoạt khác như hút thuốc hoặc béo phì... làm tăng thêm khả năng phát triển bệnh VKDT.
Hormon: Theo số liệu nghiên cứu, phụ nữ có nguy cơ mắc VKDT cao gấp 2-3 lần so với nam giới. Hormon đóng một vai trò trong đó. Estrogen, một loại hormon sinh dục nữ có thể góp phần vào sự phát triển của bệnh khi nồng độ này cao hơn bình thường. Nghiên cứu trên động vật và cả trên người đều cho thấy, việc điều trị estrogen thay thế sau khi mãn kinh có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh VKDT. Ngoài ra, những phụ nữ không sinh con có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Testosterone: Năm 2018, kết quả một nghiên cứu đã cho thấy những người bị VKDT có mức testosteron bất thường, thấp hơn so với những người tham gia có cùng điều kiện mà không bị mắc bệnh. Sau đó, một số người mắc VKDT tham gia chương trình nghiên cứu được điều trị bằng testosterone huyết thanh và kết quả là bệnh đã thuyên giảm. Các tác giả tin rằng liệu pháp thay thế hormon này có thể giúp điều trị các triệu chứng của VKDT.
Mãn kinh: Theo kết quả của một nghiên cứu năm 2018, khả năng thể chất và hoạt động thể chất của phụ nữ mắc VKDT suy giảm nhanh hơn sau khi mãn kinh. Những phát hiện này một lần nữa cho thấy hormon có vai trò trong sự tiến triển của bệnh VKDT.
Tuổi tác: Bất cứ ai cũng có thể mắc VKDT, nhưng nguy cơ này tăng theo tuổi tác. Độ tuổi có nguy cơ phát triển bệnh này là từ 60.
Hút thuốc: Những người hút thuốc thường xuyên có nguy cơ mắc VKDT cao hơn đáng kể so với những người không hút thuốc và triển vọng sẽ tệ hơn nếu họ tiếp tục hút thuốc khi đã mắc bệnh. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng hút thuốc làm thay đổi phản ứng miễn dịch của cơ thể, đặc biệt là ở những người có xu hướng di truyền phát triển VKDT. Hút thuốc có thể làm tăng tần số phản ứng viêm của cơ thể. Nó cũng có thể làm giảm hiệu quả điều trị của một số loại thuốc VKDT. Hút thuốc được coi là một trong những yếu tố rủi ro ngoại sinh quan trọng nhất đối với sự phát triển và mức độ nghiêm trọng của bệnh VKDT.
Stress: Nhiều bệnh nhân thấp khớp báo cáo rằng họ gặp những trải nghiệm đau buồn hoặc căng thẳng xảy ra trong thời gian ngắn trước khi các triệu chứng của bệnh xuất hiện lần đầu tiên. Nhiều người nhận thấy rằng căng thẳng, stress khiến các triệu chứng VKDT bùng phát.
Béo phì: Có mối liên hệ giữa béo phì và nguy cơ phát triển VKDT. Các nhà nghiên cứu cũng liên kết béo phì với một số vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như hội chứng chuyển hóa, có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh thấp khớp.
Yếu tố đầu đời: Quá trình lớn lên của một người với việc tiếp xúc với một số tác nhân nhất định, chẳng hạn như khói thuốc lá, có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh VKDT sau này. Những người có thu nhập thấp, sống trong những điều kiện khó khăn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Nhiễm trùng: Tác động của nhiễm trùng lên hệ thống miễn dịch có thể kích hoạt VKDT. Nhiễm trùng có thể dẫn đến VKDT khi: Một phần của hệ thống miễn dịch mất khả năng xử lý một số vi khuẩn/virut; Nhiễm trùng kích hoạt sản xuất các kháng nguyên mới, khiến hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức; Phản ứng của hệ thống miễn dịch đối với nhiễm trùng cũng tấn công một số chức năng của cơ thể.
Ngoài ra, một số nghiên cứu chỉ ra rằng các bệnh nhiễm trùng sau đây có thể góp phần gây ra VKDT: Nhiễm trùng đường tiết niệu với vi khuẩn Proteus mirabilis; Nhiễm virut Epstein-Barr (EBV); Nhiễm vi khuẩn thuộc chi Mycoplasma; Bệnh nha chu do vi khuẩn Porphyromonas gingivalis; Nhiễm khuẩn đường tiêu hóa hoặc sinh dục do vi khuẩn Chlamydia trachomatis /Salmonella, Shigella, Campylobacter / Yersinia. Cụ thể là bệnh nha chu phổ biến gấp đôi ở những người bị VKDT so với những người không mắc bệnh. Còn đối với nhiễm trùng đường sinh dục hoặc đường tiêu hóa: Dấu hiệu của viêm khớp có thể xuất hiện trong vòng 4 tuần sau khi bị nhiễm trùng. Các nhiễm trùng khác có thể kích hoạt viêm khớp dạng thấp bao gồm: nhiễm HIV, Parvovirus, virut viêm gan B và C, Alphavirus...
Vi khuẩn đường ruột: Theo kết quả của một nghiên cứu năm 2013, 75% những người tham gia mắc VKDT mới khởi phát, chưa được điều trị có vi khuẩn Prevotella copri (P. copri) trong ruột. Loại vi khuẩn này chỉ có mặt ở 21% những người tham gia trong nhóm đối chứng và chỉ có 12% trong nhóm VKDT mạn tính được điều trị. Như vậy, P. copri có thể đóng vai trò gây viêm, giúp kích hoạt VKDT.
Chế độ ăn uống: Một chế độ ăn uống lành mạnh có thể làm giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh và nó có thể đóng một vai trò trong phòng ngừa và quản lý VKDT. Năm 2017, nghiên cứu được công bố trên Frontiers in Nutritionđã xác định một số loại thực phẩm chống oxy hóa có thể giúp giảm viêm, như các loại đậu, rau xanh, nghệ, gừng, trái cây, sữa chua. Và kết hợp thực phẩm chống viêm vào chế độ ăn uống có thể giúp giảm triệu chứng ở những người bị VKDT.
Ngoài ra, một số chất trong thực phẩm có thể kích hoạt sự khởi phát của VKDT. Các tác giả của một nghiên cứu năm 2018 đã phát hiện ra rằng một loại vi khuẩn trong sữa và thịt bò có thể kích hoạt VKDT ở những người có khuynh hướng di truyền.
Các nghiên cứu đều cho thấy, bên cạnh những yếu tố nguy cơ khó tránh khỏi như di truyền, tuổi tác, hoàn cảnh sống... nếu chúng ta duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, tránh xa thuốc lá, chăm sóc tốt sức khỏe răng lợi và tiêu hóa tốt, duy trì cân nặng hợp lý... có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh VKDT.
Theo suckhoedoisong.vn