Phòng chống dịch bệnh thời điểm giao mùa đông - xuân

08:02, 12/02/2019

Thời điểm giao mùa đông - xuân, khí hậu ẩm ướt là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh, phát triển, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa như bệnh sởi, rubella, ho gà, viêm màng não do não mô cầu, các bệnh cúm gia cầm độc lực cao, cúm A(H7N9), (H5N1), tiêu chảy do vi-rút Rota…

Tư vấn phòng, chống bệnh tật cho trẻ tại Trạm Y tế xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc).
Tư vấn phòng, chống bệnh tật cho trẻ tại Trạm Y tế xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc).

Để chủ động phòng chống dịch bệnh mùa đông - xuân, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, tập trung vào việc giám sát, phát hiện sớm và kiểm soát các ca bệnh có nguy cơ lây truyền cao tại các cơ sở điều trị. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch của các đơn vị tuyến dưới; thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin về tình hình dịch bệnh trong nước và trên địa bàn tỉnh để triển khai kịp thời công tác phòng, chống dịch. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tăng cường phối hợp với Báo Nam Định, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khoẻ tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh, các ngành, các tổ chức xã hội tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về các biện pháp chủ động phòng bệnh bằng nhiều hình thức. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các loại bệnh: tay chân miệng, tả, cúm A(H5N1), cúm A(H7N9), cúm A(H1N1), sốt xuất huyết và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hoá có nguy cơ xảy ra trong mùa đông - xuân; vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, vệ sinh nước, vệ sinh an toàn thực phẩm, vận động nhân dân tích cực thực hiện các biện pháp chủ động phòng bệnh cho gia đình và cộng đồng... Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh phát động các địa phương, đơn vị duy trì và phát động phong trào toàn dân làm vệ sinh môi trường xử lý các chất thải trong sinh hoạt, vệ sinh môi trường ở những nơi tập trung đông người (bến tàu, bến xe, chợ...), duy trì và thực hiện tốt chiến dịch diệt muỗi, loăng quăng. Phối hợp với các ngành chức năng, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thanh tra, kiểm tra, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở chế biến lưu thông lương thực thực phẩm, các nhà hàng ăn uống, giải khát. Tăng cường kiểm tra công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh nước, kiểm tra chất lượng các nhà máy nước đảm bảo cung cấp nước sạch cho nhân dân. Củng cố hệ thống giám sát phát hiện dịch từ tỉnh đến các xã, phường, thường xuyên giám sát dịch chặt chẽ, phát hiện và xử lý kịp thời không để dịch lớn xảy ra. Duy trì hoạt động giám sát tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi tỉnh, đảm bảo điều tra, giám sát, lấy mẫu xét nghiệm 100% các trường hợp nghi nhiễm cúm A vào điều trị tại các bệnh viện. Chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, sinh phẩm phục vụ công tác lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển theo đúng quy định. Chuẩn bị máy phun hóa chất, hóa chất, trang thiết bị bảo hộ. Kiện toàn các đội chống dịch cơ động và đội phản ứng nhanh sẵn sàng tăng cường cho tuyến dưới. Lập danh sách, bố trí nhân lực thường trực 24/24h trong các ngày nghỉ lễ; hỗ trợ các đơn vị tuyến dưới trong điều tra, giám sát bệnh dịch. Đẩy mạnh công tác tiêm chủng các vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng như sởi, rubella, ho gà… đảm bảo đạt trên 95% quy mô xã, phường, thị trấn. Khi có dịch, tổ chức thường trực dịch 24/24h, nắm chắc diễn biến dịch bệnh, dự báo khả năng và mức độ nguy hiểm của dịch tại địa phương; phối hợp với tuyến bệnh viện cách ly, xử lý khu vực có bệnh nhân, các phương tiện vận chuyển bệnh nhân... Cung cấp đầy đủ trang thiết bị, vật tư, thuốc điều trị cho bệnh nhân và đảm bảo an toàn cho cán bộ y tế và người dân. Phối hợp chỉ đạo tổ chức khoanh vùng ổ dịch, triển khai các biện pháp cách ly những trường hợp mắc bệnh cũng như nghi ngờ; điều tra, theo dõi chặt chẽ sức khỏe các trường hợp tiếp xúc với nguồn bệnh; tăng cường giám sát, lấy mẫu xét nghiệm. Điều động các đội cơ động xử lý ổ dịch hỗ trợ cho các địa phương có bệnh nhân, nhằm xử lý ổ dịch kịp thời, nhanh, gọn nhất. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh dự trữ cơ số thuốc phòng chống dịch, đầy đủ hóa chất, phương tiện cho các đội phòng chống dịch và đội phản ứng nhanh để điều tra xác định về tình hình diễn biến dịch. Tổ chức lấy mẫu bệnh phẩm theo đúng quy định; triển khai và đề xuất những biện pháp phòng chống dịch kịp thời. 

Cùng với tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, hiện tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh khuyến cáo người dân chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm cấp tính hay bùng phát vào thời điểm này như: ho gà, sởi, rubella. Để chủ động phòng chống bệnh sởi - rubella, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh khuyến cáo người dân đưa trẻ từ 9-12 tháng đến cơ sở y tế để được tiêm vắc-xin phòng sởi mũi 1 và tiêm nhắc lại mũi 2 khi trẻ trên 18 tháng tuổi, tiêm vắc-xin sởi - rubella cho trẻ từ 1-14 tuổi. Thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày; không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, bàn chải, kính, cốc, chén, bát, đũa…), đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng. Làm sạch đồ chơi, đồ vật bị nghi ngờ ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch; lau sàn nhà, nắm đấm cửa, mặt bàn, ghế, khu vệ sinh chung hoặc bề mặt của đồ vật nghi ngờ bị ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường từ 1-2 lần/ngày. Khử trùng và vệ sinh thông khí; thường xuyên mở cửa sổ, cửa chính để ánh nắng chiếu vào, đảm bảo thông khí thoáng cho nhà ở, phòng học, nơi làm việc, phòng điều trị hàng ngày; hạn chế tập trung đông người, hội họp, đặc biệt tại những phòng chật hẹp, ít thông khí ở khu vực ổ dịch; hạn chế tiếp xúc với người mắc/nghi mắc bệnh, khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân. Phụ nữ có thai tuyệt đối không tiếp xúc với người mắc bệnh rubella; thông báo cho cơ sở y tế khi có biểu hiện mắc bệnh để được khám, điều trị và hướng dẫn cách ly y tế kịp thời. Để phòng chống bệnh ho gà, người dân chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch; bảo đảm nhà ở, nhà trẻ, lớp học sạch sẽ, thông thoáng và có đủ ánh sáng. Thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân cho trẻ như che mũi, miệng khi hắt hơi; ăn uống đủ chất, dinh dưỡng hợp lý; khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà phải đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời và cách ly./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com