Hội chứng trào ngược khá phổ biến trong chuyên khoa nội tiêu hóa. Bệnh nhân luôn than phiền về các triệu chứng đầy bụng, buồn nôn, chán ăn, sút cân... Rất nhiều bệnh nhân trong số này khi đi soi dạ dày đã không phát hiện ra tổn thương và điều trị cũng không kết quả.
Đây là bệnh do căn nguyên rối loạn chức năng ở não. Bệnh nhân có các triệu chứng mất ngủ, lo lắng, ra nhiều mồ hôi lòng bàn tay, hay cáu gắt, đi khám bệnh quá nhiều lần mà không phát hiện ra căn nguyên, khi đó, bác sĩ cần khai thác bệnh nhân một số triệu chứng để chẩn đoán và điều trị chính xác.
Những triệu chứng điển hình
Mất ngủ: Đây là triệu chứng phổ biến ở bệnh nhân có hội chứng trào ngược. Bệnh nhân có thể lý giải triệu chứng mất ngủ của mình với nhiều lý do, nhưng nổi bật vẫn là biểu hiện khó vào giấc ngủ (nằm mãi không ngủ được), khó giữ giấc ngủ (thức giấc giữa chừng), ngủ không sâu (ngủ chập chờn, dễ tỉnh giấc), thức giấc sớm (tầm 2-3 giờ sáng đã dậy và không sao ngủ lại được).
Chán ăn, sút cân rõ ràng (mỗi tháng sút trên 1kg khối lượng cơ thể).
Lo lắng quá mức về bệnh tật, bệnh nhân liên tục đi khám bệnh ở hết cơ sở y tế này đến cơ sở y tế khác, hết bác sĩ này sang bác sĩ khác.
Rối loạn thần kinh thực vật như mạch hơi nhanh, lòng bàn tay luôn ẩm ướt do ra nhiều mồ hôi, hay mót đi tiểu, đầy bụng, khô, đắng miệng, khó nuốt.
Các triệu chứng này luôn đồng hành với nhau. Khi bệnh nhân mất ngủ tăng lên thì sẽ đau bụng nhiều hơn, hay đầy bụng, buồn nôn hơn. Đặc biệt, khi đổi bác sĩ khám bệnh hoặc đổi đơn thuốc, họ luôn đáp ứng tốt, bệnh thuyên giảm rõ ràng. Nhưng sự thuyên giảm này không bền vững, chỉ sau vài ngày thì đâu lại về đấy, bệnh lại quay lại như trước khi điều trị.
Điều trị:
Làm xét nghiệm điện não đồ sẽ thấy điện não đồ của bệnh nhân có hiện tượng giảm hoặc mất sóng alpha, còn sóng betha thì tăng về chỉ số, lan tỏa khắp 2 bán cầu. Không nhất thiết phải thay đổi chẩn đoán của bệnh nhân vì có thể họ sẽ không chấp nhận mình không bị bệnh thực tổn ở dạ dày mà vấn đề của họ là rối loạn ở não.
Điều trị cần cho thêm thuốc chống trầm cảm đa vòng hoặc 3 vòng như mirtazapin, clomipramin, thuốc an thần mới liều thấp như olanzapin, quetiapin. Các thuốc này có thể uống cùng với các thuốc dạ dày thông thường khác mà không gây tương tác.
Lời khuyên của bác sĩ
Như thường lệ, sau vài ngày đầu uống thuốc, bệnh nhân sẽ cảm thấy đỡ đi trông thấy. Nhưng lần này, bệnh nhân sẽ cảm thấy mệt mỏi, uể oải, ngủ nhiều, hơi chóng mặt về buổi sáng. Họ sẽ than phiền ngay với bác sĩ (bằng cách đến khám lại hoặc gọi điện). Bác sĩ cần lường trước tình huống này để tư vấn cho bệnh nhân khi kê đơn và giải thích cho bệnh nhân khi bị thắc mắc (rằng diễn biến như vậy là đúng dự liệu, bệnh sẽ tiến triển tốt).
Sau 1 tuần, bệnh nhân đã giảm mệt mỏi, đỡ ngủ nhiều, hết chóng mặt. Lúc đó, bệnh nhân mới để ý thấy rằng các triệu chứng đầy bụng, đau bụng vùng thượng vị, chán ăn, buồn nôn... đã hết. Thời gian điều trị càng kéo dài thì bệnh càng thuyên giảm rõ ràng. Sau 3 tháng, bệnh nhân sẽ hầu như không còn triệu chứng gì của hội chứng trào ngược nữa, thấy phấn khởi, vui vẻ, yêu đời, ăn và ngủ tốt, tăng một vài kg.
Hội chứng trào ngược rất hay gặp, nhưng nhiều trường hợp không có tổn thương gì ở đường tiêu hóa. Các bệnh nhân này bị bệnh là do căn nguyên rối loạn chức năng ở não. Nếu bệnh nhân có các triệu chứng mất ngủ, lo lắng, ra nhiều mồ hôi lòng bàn tay, hay cáu gắt, đi khám bệnh quá nhiều lần mà không phát hiện ra căn nguyên thì cần phối hợp điều trị với thuốc chống trầm cảm và thuốc an thần. Thời gian điều trị bằng thuốc an thần và thuốc chống trầm cảm cần phải kéo dài trong vài năm. Các thuốc này rất an toàn, không độc với gan, thận, cơ tim, tủy xương... có thể uống lâu dài.
Theo suckhoedoisong.vn