RSV (Respiratory syncytial virus) hay còn gọi là virus hợp bào hô hấp là một trong những căn nguyên hàng đầu gây bệnh hô hấp cho cả trẻ em và người lớn.
Khi nhiễm RSV tùy thuộc vào lứa tuổi, thể trạng, số lần mắc bệnh...mà có biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau. Nhóm trẻ dưới 2 tuổi thường mắc viêm tiểu phế quản, viêm phế quản phổi trong khi nhóm tuổi lớn hơn thường mắc viêm đường hô hấp trên như viêm mũi họng, viêm tai giữa... Biểu hiện thường gặp gồm sốt, hắt hơi, chảy mũi, ngạt mũi, ho, khò khè, khó thở... Những biểu hiện này rất giống với biểu hiện do nhiều loại virus khác gây ra như virus cúm, á cúm, rhinovirus, coronavirus, bocavirus, adenovirus... Ở người lớn và trẻ khỏe mạnh, RSV thường chỉ gây ra cảm lạnh nhẹ sau tự khỏi. Tuy nhiên sau 3-5 ngày các triệu chứng có thể tiến triển nặng hơn như ăn kém, khó thở, khàn tiếng... thì cần phải nhập viện ngay.
Virus có khả năng lây lan rất mạnh, đáng tiếc là vẫn chưa có vaccine bảo vệ trẻ khỏi virus này. Ở trẻ dưới hai tuổi, nhiễm RSV là nguyên nhân hàng đầu gây viêm tiểu phế quản và viêm phổi. Lây nhiễm RSV gây ra các triệu chứng tương tự như cảm cúm thông thường ở phần lớn trẻ nhỏ, nhưng một tỉ lệ nhỏ trẻ bị nhiễm RSV lần đầu tăng nặng thành thở khò khè, dần tiến triển thành dạng nặng là viêm tiểu phế quản, hoặc viêm phổi rất nguy hiểm cho trẻ. Bệnh này có thể gặp quanh năm nhưng thường là vào mùa mưa ở các tỉnh phía Nam hay mùa lạnh ở các tỉnh phía Bắc.
RSV lây qua đường hô hấp nghĩa là khi chúng ta ho, hắt hơi, nói chuyện... thì đều có nguy cơ lây nhiễm RSV từ người đối diện. Đặc biệt kể cả khi dùng tay che miệng khi ho, hắt hơi nhưng không rửa tay sau đó bắt tay hay chạm vào các đồ dùng chung thì cũng có thể lây cho người khác. Thời gian ủ bệnh thường khoảng 4-6 ngày (thay đổi trong khoảng từ 2 đến 8 ngày). Một người mắc RSV có thể mắc lại trong cùng một mùa hoặc trong các mùa tiếp theo.
Thông thường, các ca nhiễm RSV có thể không nghiêm trọng nhưng trong một số trường hợp đặc biệt như trẻ sơ sinh, trẻ có hệ miễn dịch non yếu thì biến chứng của bệnh là khôn lường. Khi RSV di chuyển từ đường hô hấp trên xuống đường hô hấp dưới có thể gây ra bệnh viêm phổi hoặc viêm tiểu phế quản. Khi virus xâm nhập vào không gian phía sau màng nhĩ có thể gây ra viêm tai giữa. Người mắc RSV có thể sẽ bị hen suyễn sau này...
Trẻ đi nhà trẻ hoặc có anh chị em bị nhiễm RSV hoặc vui chơi trong những khu đông người vào mùa RSV hoạt động sẽ có nguy cơ cao nhiễm RSV. Trẻ tiếp xúc với khói thuốc thụ động hoặc người ở bất kỳ nhóm tuổi nào có hen đáng kể cũng có nguy cơ cao mắc RSV hơn những nhóm khác.
Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi đặc biệt là dưới sáu tháng tuổi, trẻ đẻ non dưới 35 tuần tuổi thai, trẻ bị mắc các bệnh phổi mạn tính (loạn sản phổi, xơ phổi...), trẻ bị bệnh tim bẩm sinh, bệnh nhân bị hội chứng Down, bệnh nhân suy giảm miễn dịch (suy giảm miễn dịch kết, bệnh bạch cầu, bệnh máu mạn tính, bệnh nhân phải dùng thuốc ức chế miễn dịch...) là những yếu tố nguy cơ cao dễ mắc RSV hơn và mức độ bệnh cũng nặng hơn.
Những trẻ bị các bệnh tim, phổi bẩm sinh cần đặc biệt lưu ý. Nếu trẻ có những biểu hiện bệnh như sốt, ho, khó thở cần đưa ngay trẻ đến các chuyên khoa hô hấp để được điều trị đúng. Trẻ nằm trong nhóm nguy cơ cao nên đi khám dù triệu chứng nhẹ. Trẻ sốt cao liên tục, khó hạ, hắt hơi chảy mũi nhiều, ho khò khè nhiều, mệt lả hoặc kích thích quấy khóc nhiều, trẻ bỏ bú... nên đi khám ngay.
Hiện vẫn chưa có vắc-xin hoặc thuốc để điều trị khi virus RSV xâm nhập vào cơ thể, vì vậy đối với trẻ bị nhiễm RSV chỉ có thể điều trị các triệu chứng trong suốt quá trình lây nhiễm và ảnh hưởng của virus đối với hệ hô hấp. Do đó, cách đối phó tốt nhất là hỗ trợ và dựa vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Đối với đa số các trường hợp, trẻ bị nhiễm RSV và có các biểu hiện viêm tiểu phế quản nhẹ, không có biến chứng, trẻ không có yếu tố nguy cơ thì có thể được chăm sóc tại nhà.
Các biện pháp điều trị tại nhà bao gồm: Cần làm thông thoáng mũi cho trẻ để giúp trẻ dễ thở hơn và bú tốt hơn. Có thể nhỏ mũi với 2-3 giọt nước muối sinh lý, sau đó làm sạch mũi cho trẻ, giúp trẻ hút dịch nhầy ở mũi sử dụng cách thức phù hợp. Sử dụng máy tạo ẩm để giữ không khí ẩm và sạch.
Tiếp tục cho trẻ bú và ăn uống đầy đủ. Có thể chia nhỏ thành nhiều cữ bú, bữa ăn để trẻ đỡ bị nôn ói khi ho nhiều. Cần cho trẻ uống nhiều nước để tránh thiếu nước (thiếu nước sẽ làm đờm trở nên cô đặc làm bệnh nặng hơn). Uống nhiều nước sẽ giúp trẻ loãng đờm, dịu ho.
Cần cho trẻ dùng thuốc đúng như chỉ dẫn của thầy thuốc. Trong một số trường hợp bác sĩ có thể chỉ định cho trẻ uống thuốc hạ sốt như acetaminophen. Không nên tự ý cho trẻ uống thuốc vì nếu dùng không đúng có thể làm trẻ bệnh nặng hơn hay có thể có tác dụng có hại, nhất là ở trẻ nhỏ. Cần tái khám đúng hẹn theo lời khuyên của thầy thuốc và chú ý phát hiện những dấu hiệu cần cho trẻ đi khám lại ngay.
Điều trị tại bệnh viện: Trẻ có những dấu hiệu nghiêm trọng hơn cần được nhập viện điều trị. Tại bệnh viện các cách thức điều trị cho trẻ bao gồm: Trong trường hợp nghiêm trọng, trẻ cần được hỗ trợ thở oxy hoặc thậm chí phải dùng đến salbutamol, hút hết dịch nhầy... Bác sĩ cũng có thể tiến hành tiểu phẫu hỗ trợ thở cho trẻ.
Biện pháp phòng tránh RSV
RSV dễ dàng lây lan qua tiếp xúc với người hoặc do tiếp xúc trực tiếp với các bề mặt bị ô nhiễm, các chất tiết của bệnh nhân. Làm sạch và vô trùng bề mặt các dụng cụ có thể bị lây nhiễm; không để người khác chạm vào bé trước khi rửa sạch tay; không để trẻ tiếp xúc với môi trường hút thuốc hoặc ở cạnh người đang hút thuốc; hạn chế đưa trẻ ra khỏi nhà vào mùa đông xuân (khi virus RSV hoạt động mạnh và có nguy cơ lây nhiễm cao nhất) đối với các em bé thuộc nhóm nguy cơ cao. Nếu có thể hãy cách ly bé với các trẻ khác, bao gồm cả anh chị lớn hơn đang có dấu hiện cảm cúm.
Nên cho trẻ bú sữa mẹ đến 2 tuổi, không để trẻ bị lạnh, giữ cho môi trường sống của trẻ được trong lành, không cho trẻ tiếp xúc với khói bếp than, khói thuốc lá. Khi đi ra đường nên giữ ấm và bảo vệ đường hô hấp trên cho trẻ, có thể sử dụng nước muối sinh lý 0,9% nhỏ vào mắt, mũi trẻ sau khi đi chơi về. Dạy cho trẻ che miệng khi ho, hắt hơi và rửa tay ngay sau đó. Người lớn khi mắc bệnh nên đeo khẩu trang để tránh lây lan. Ngoài ra cần có chế độ dinh dưỡng tốt, nâng cao thể trạng cho trẻ.
Theo suckhoedoisong.vn