Ngày nay, đái tháo đường hay tiểu đường đã là căn bệnh không còn xa lạ, tuy nhiên không ít người bệnh suy nghĩ chưa chính xác về căn bệnh này.
Đái tháo đường không phải là bệnh nghiêm trọng
Sự thật: Tổ chức Y tế Thế giới dự báo, đái tháo đường sẽ trở thành nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ bảy trên thế giới vào năm 2030 và trở thành một trong những nguyên nhân phổ biến gây bệnh tật và tử vong sớm ở hầu hết các quốc gia. Đái tháo đường tăng gần gấp đôi nguy cơ bị đột quỵ.
Nếu bị thừa cân hoặc béo phì, về sau sẽ bị đái tháo đường?
Thực tế: béo phì là yếu tố nguy cơ để phát triển bệnh này, nhưng các yếu tố nguy cơ khác như: chủng tộc, tiền sử bệnh bản thân (gia đình) và tuổi tác cũng đóng một vai trò nhất định.
Ăn quá nhiều đường gây ra bệnh đái tháo đường
Thực tế: nhiều người cho rằng, ăn nhiều đường và thức ăn có vị ngọt sẽ bị đái tháo đường. Câu trả lời không đơn giản như vậy. Đối với người bình thường, khi bổ sung lượng lớn tinh bột vào cơ thể, lượng đường trong máu sẽ tăng. Khi đó cơ thể sẽ sản sinh ra insulin (một loại hormone do tế bào tụy tiết ra) giữ lượng đường trong máu ổn định.Chỉ khi cơ thể không tiết ra đủ insulin hoặc tác dụng của insulin bị giảm mới gây bệnh đái tháo đường.
Tuy nhiên, ăn quá nhiều đường thường gây béo phì, làm giảm hiệu quả hoạt động của tế bào với insulin cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.
Có thể mắc bệnh đái tháo đường từ người khác
Sự thật là hoàn toàn không. Mặc dù chưa biết chính xác nguyên nhân nhưng bệnh đái tháo đường không lây.Nó không lan truyền như cảm lạnh hay cúm. Các yếu tố về di truyền, lối sống hay tiền sử bệnh như rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, hội chứng buồng trứng đa nang ở nữ, tiền căn đái tháo đường thai kỳ... đều góp phần tăng nguy cơ mắc bệnh này. Nếu người thân mắc bệnh đái tháo đường, cơ thể chúng ta sẽ mang trong mình gien di truyền có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người khác.Lối sống cũng là yếu tố quan trọng quyết định việc có mắc bệnh hay không.
Không có dấu hiệu cho thấy bị đái tháo đường
Mặc dù triệu chứng đái tháo đường (đặc biệt là týp 2) không rõ ràng, bệnh nhân thường được phát hiện tình cờ khi đi khám bệnh hoặc khi nhập viện, hoặc khi đã có biến chứng cấp hoặc mạn tính của bệnh. Tuy nhiên, cũng có các dấu hiệu có thể nghĩ ngay đến khả năng mắc bệnh như:
- Mệt mỏi, gầy sút kéo dài trong nhiều tháng.
- Đái nhiều, khát nhiều và uống nhiều. Có thể có dấu hiệu mất nước: lưỡi khô, da khô, nhăn nheo, mắt trũng, môi đỏ.
- Cảm giác đói nhiều, ăn nhiều.
- Da hay bị ngứa và dễ bị nhiễm trùng, lâu liền vết thương.
- Giảm thị lực
- Chuột rút cẳng chân vào ban đêm, tê bì chân tay.
- Giảm tình dục, liệt dương, rối loạn kinh nguyệt…
Trường hợp không có triệu chứng, những đối tượng có yếu tố nguy cơ nên tầm soát để chẩn đoán bệnh nhằm phát hiện sớm bệnh.
Những người mắc bệnh đái tháo đường không thể ăn kẹo hoặc sô cô la
Thực tế việc điều trị đái tháo đường cần phối hợp nhiều phương pháp: chế độ ăn uống, tập luyện và thuốc hạ đường huyết dạng uống hoặc tiêm. Trong đó, việc ăn uống làm tăng lượng đường trong máu còn việc sử dụng thuốc và luyện tập hay vận động lại giúp giảm đường. Nếu có một kế hoạch ăn uống lành mạnh cân đối với tập thể dục và sự tuân thủ điều trị, người bệnh vẫn có thể ăn đồ ngọt và món tráng miệng yêu thích.
Trái cây là một thực phẩm lành mạnh nên có thể ăn càng nhiều càng tốt
Trái cây chứa chất xơ và rất nhiều vitamin, khoáng chất.Nhưng trái cây cũng chứa carbohydrate (đường), làm tăng đường huyết và cần phải được đưa vào kế hoạch bữa ăn với sự tính toán để cân đối.
Ăn gạo lứt không lo mắc bệnh
Thực tế gạo lứt là hạt gạo chưa loại bỏ lớp vỏ cám bên ngoài, vẫn chứa lượng đường gần giống như gạo trắng.Vì vậy, dù nên ăn gạo lứt thay vì gạo trắng, người bệnh đái tháo đường vẫn chỉ nên duy trì lượng cơm hợp lý, tránh lạm dụng khiến cho bệnh càng trầm trọng.
Nếu bị đái tháo đường týp 2 và bác sĩ nói rằng cần bắt đầu sử dụng insulin có nghĩa là bạn không chăm sóc bệnh đái tháo đường đúng cách
Lời khuyên của thầy thuốc: Một kế hoạch ăn uống lành mạnh dành cho người bị bệnh đái tháo đường nói chung cũng giống như ăn uống lành mạnh cho bất cứ ai: ít chất béo, vừa phải lượng muối và đường, nhiều rau, ngũ cốc nguyên hạt và trái cây lành mạnh. Thực phẩm “đái tháo đường” thường không có lợi ích đặc biệt, hầu hết vẫn gây tăng lượng đường trong máu.
Theo suckhoedoisong.vn