Tăng cường quản lý bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường ở cơ sở

08:01, 04/01/2019

Trong khuôn khổ Dự án phòng chống bệnh không lây nhiễm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế, tháng 8-2018, Sở Y tế đã triển khai công tác quản lý bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường tại cơ sở. 

Xét nghiệm huyết học phục vụ khám, chữa bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Giao Thuỷ.
Xét nghiệm huyết học phục vụ khám, chữa bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Giao Thuỷ.

Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh phối hợp với Bệnh viện Nội tiết Trung ương triển khai các hoạt động phát hiện, quản lý bệnh đái tháo đường tại địa phương, tập trung vào 15 xã điểm của 2 huyện Giao Thủy (Giao Thịnh, Giao Phong, Bạch Long, Giao Yến, Giao Châu, Giao Tiến, Giao Xuân, Giao Thiện) và Xuân Trường (Xuân Trường, Thọ Nghiệp, Xuân Hoà, Xuân Hồng, Xuân Kiên, Xuân Ngọc, Xuân Phương). Cán bộ Trung tâm y tế huyện và trạm y tế các xã điểm được tập huấn giám sát, sàng lọc, tư vấn quản lý; qua đó, nắm chắc kế hoạch triển khai các hoạt động phát hiện, quản lý bệnh đái tháo đường tại địa phương. Các huyện: Giao Thủy, Xuân Trường được cung cấp các trang thiết bị hỗ trợ chẩn đoán và điều trị; mở rộng mạng lưới quản lý đến cấp xã; hướng dẫn triển khai hoạt động phát hiện sớm và quản lý người bệnh đái tháo đường, tiền đái tháo đường tại cộng đồng; hoàn thiện mạng lưới quản lý bệnh tại tuyến cơ sở; triển khai khám sàng lọc phát hiện bệnh đái tháo đường tại 15 xã điểm, mỗi xã 300 đối tượng có yếu tố nguy cơ. Các xã điểm được cung cấp trang thiết bị cho công tác giám sát, sàng lọc, quản lý bệnh đái tháo đường, mỗi xã 1 máy đo huyết áp, 1 máy thử đường huyết, 325 que thử đường huyết và các thiết bị hỗ trợ... Quá trình thực hiện, đã khám sàng lọc cho 4.500 người, qua đó phát hiện tỷ lệ mắc đái tháo đường là 12%, tiền đái tháo đường là 11,33%.

Thực hiện quản lý tăng huyết áp theo nguyên lý y học gia đình, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tổ chức lớp tập huấn “Nâng cao kiến thức và kỹ năng của cán bộ y tế trong quản lý tăng huyết áp theo nguyên lý y học gia đình” cho 50 cán bộ y tế ở 22 xã của huyện Giao Thủy; tập huấn cho cán bộ các ban, ngành, đoàn thể ở xã Giao Phong về phòng, chống một số bệnh không lây nhiễm. Đồng thời cung cấp trang thiết bị cho công tác giám sát, sàng lọc, quản lý bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường cho trạm y tế xã Giao Phong gồm 11 máy đo huyết áp, 1 máy đo đường huyết và 500 que thử đường huyết. Ngoài ra, Viện Tim mạch đã thực hiện mô hình quản lý tăng huyết áp tại tuyến y tế cơ sở bao gồm các hoạt động: khám sàng lọc cộng đồng tại xã Giao Phong cho 1.097 đối tượng, trong đó phát hiện 181 người tăng huyết áp (tỷ lệ 16,5%); khám sàng lọc, quản lý tại Trung tâm Y tế huyện Giao Thủy cho 780 người, trong đó có 356 người tăng huyết áp (tỷ lệ 45,6%) gồm số người tăng huyết áp đã biết là 240 người, 116 người mắc mới.

Được sự hỗ trợ của các chương trình khác, trong năm 2018 tại một số huyện, thành phố trong tỉnh cũng triển khai hoạt động khám sàng lọc tăng huyết áp với tổng số 1.800 người được khám sàng lọc, 462 người phát hiện tăng huyết áp (chiếm 25,66%); đưa 460 bệnh nhân vào quản lý. Số câu lạc bộ sức khỏe phòng chống tăng huyết áp được thành lập và sinh hoạt định kỳ tại 10 huyện, thành phố với 130 đơn vị tham gia, với tổng số người 5.093 người. Tính đến nay, đã có tổng số 142.872 người được khám sàng lọc tăng huyết áp, 35.059 người được phát hiện tăng huyết áp. Trong đó 28.782 người có tiền sử tăng huyết áp, 6.277 người mới được phát hiện tăng huyết áp.

Tuy nhiên quá trình triển khai quản lý và điều trị bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường tại trạm y tế tuyến xã vẫn gặp một số khó khăn như: Trạm y tế thiếu nhân lực, thiếu trang thiết bị để triển khai các hoạt động, kinh phí chi thường xuyên của trạm y tế thấp; chứng chỉ hành nghề của các bác sĩ xã phần lớn có phạm vi chuyên môn là khám chữa bệnh nội khoa nên khi khám điều trị bệnh không lây nhiễm sẽ khó khăn trong thanh toán bảo hiểm y tế...

Để quản lý và điều trị bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường đạt hiệu quả cao, thời gian tới cần củng cố nâng cao năng lực cho đội ngũ y tế từ tuyến tỉnh đến tuyến cơ sở, nhất là cán bộ y tế xã, y tế thôn. Có phác đồ điều trị chuẩn các bệnh không lây nhiễm được áp dụng từ Trung ương đến địa phương để bệnh nhân yên tâm điều trị tại cơ sở. Có cơ chế chính sách đối với đội ngũ cán bộ y tế xã, thôn (xóm) thực hiện chương trình. Xây dựng cơ chế đặc thù hỗ trợ cho một số xã điểm giai đoạn đầu triển khai); bổ sung nhân lực, trang thiết bị. Đề nghị cung cấp thuốc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đủ nhu cầu cho y tế tuyến xã; cung cấp trang bị máy móc phục vụ quản lý, khám chữa bệnh không lây nhiễm như: máy xét nghiệm bán tự động, máy siêu âm cho trạm y tế tuyến xã. Tăng cường hoạt động truyền thông tại cộng đồng; mạng lưới cán bộ y tế thôn cần tư vấn cho người dân tự đánh giá nguy cơ mắc bệnh của mình để tự tìm đến cơ sở y tế để được tư vấn khám, phát hiện sớm và điều trị. Ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm quản lý bệnh không lây nhiễm nói chung và bệnh tăng huyết áp nói riêng, tạo thuận lợi trong việc theo dõi và quản lý điều trị bệnh./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com