Mùa lạnh và bệnh xương khớp

07:01, 04/01/2019

Khi thời tiết chuyển mùa, nhất là mùa lạnh, khí hậu ẩm dễ dẫn tới bệnh lý cơ xương khớp, những bệnh nhân đang có bệnh lý cơ xương khớp sẽ có những đợt tiến triển kịch phát.

Sự thay đổi của thời tiết kéo theo sự thay đổi của các yếu tố bên trong cơ thể như độ nhớt của máu, độ nhớt dịch khớp, thay đổi nồng độ các hóa chất trung gian trong cơ thể, thay đổi vận mạch… Khi trời lạnh, các mạch máu bị co lại, sự lưu thông máu bên trong các tế bào cơ bắp sẽ giảm làm giảm lượng máu cung cấp đến các cơ. Các tế bào cơ khi thiếu oxy sẽ co lại, điều đó gây ra sự giảm độ đàn hồi của cơ bắp gây cứng cơ, xuất hiện các đợt đau xương khớp. Cũng do thời tiết lạnh, một số bệnh nhân bị gút thường hay tái phát các đợt viêm khớp cấp do axit uric trong máu bị kết tủa, lắng đọng vào khớp và gây viêm.

Theo thống kê, ở Việt Nam, hiện nay 35% dân số mắc các chứng bệnh về xương khớp và số người mắc bệnh xương khớp: thoái hoá khớp, loãng xương, các bệnh khớp tự miễn mạn tính như viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp..ngày càng trẻ hóa. Dù ít có khả năng gây tử vong, nhưng bệnh cơ xương khớp nếu không được điều trị sẽ làm giảm hoặc mất đi khả năng vận động, lao động bình thường của người bệnh, ảnh hưởng trầm trọng đến sinh hoạt, làm giảm chất lượng cuộc sống.

Có nhiều nguyên nhân khiến bệnh cơ xương khớp phát triển. Do chế độ sinh hoạt, lao động không hợp lý dẫn tới đau cột sống thắt lưng cấp tính, thoái hóa khớp thứ phát (sau chấn thương), bệnh lý đau quanh khớp vai, viêm các điểm bám gân vô khuẩn. Nhiều người bị loãng xương nặng hoặc vận động quá mức, đi giày cao gót liên tục; đặc biệt là thừa cân, béo phì nhưng lại chạy và đi bộ quá nhiều…Chế độ ăn không hợp lý ở người trẻ như phụ nữ ăn kiêng hoặc che ánh nắng nhiều dễ dẫn tới loãng xương; đàn ông uống nhiều rượu bia có thể gây bệnh lý về gút, hoặc những người chơi thể thao không đúng, có thể gây đau cột sống thắt lưng cấp, nếu không điều trị đúng sẽ tiến triển thành đau cột sống thắt lưng mạn tính; việc lạm dụng corticoid trong điều trị bệnh có để dẫn đến tình trạng loãng xương sớm ở người có bệnh lý cơ xương khớp.

Để phòng bệnh cơ xương khớp, nhất là ở những người trẻ tuổi, cần thực hiện chế độ sinh hoạt, thể dục thể thao, lao động hợp lý. Những người thường xuyên phải ngồi nhiều cần phải đi lại vận động để làm dịch khớp lưu thông, tránh hiện tượng quánh dịch khớp gây đau khớp. Với những người mắc bệnh khớp, cần dùng thuốc bổ sung các thành phần trong ổ khớp vì trong ổ khớp có nhiều thành phần như collagen, axit hyaluronic, glucosamin và một số yếu tố vi lượng khác. Cần bổ sung chất dinh dưỡng cho khớp từ sớm để tránh thoái hóa khớp tiến triển sớm..

Bệnh thấp khớp cấp ở trẻ em còn gọi là bệnh thấp tim, xuất hiện sau nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, đặc biệt là viêm họng do nhiễm liên cầu khuẩn bêta nhóm A. Ban đầu, trẻ có biểu hiện như viêm họng, sốt cao, sau vài tuần kể từ khi bị viêm họng, trẻ có thể xuất hiện các viêm khớp cấp do thấp. Để phòng bệnh thấp khớp cấp, cần giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ, vệ sinh mũi họng sạch sẽ mỗi ngày và điều trị triệt để khi trẻ bị viêm họng, viêm đường hô hấp... Khi trẻ có các triệu chứng thấp khớp cấp, hãy nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế hoặc bệnh viện để được điều trị kịp thời và dự phòng bệnh tái phát.

Để đảm bảo hệ thống xương khớp khỏe mạnh trong mùa đông, mọi người nên thực hiện các biện pháp phòng tránh như giữ ấm cho cơ thể, nghỉ ngơi hợp lý và có chế độ ăn uống thích hợp.

Theo suckhoedoisong.vn

 

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com