Tê nhức chân tay là chứng bệnh khá phổ biến ở nhiều lứa tuổi và nghề nghiệp khác nhau nhưng thường gặp ở người cao tuổi. Tê nhức chân tay có khi là biểu hiện sinh lý bình thường và không cần điều trị, nhưng cũng có thể là triệu chứng báo động những bệnh lý nguy hiểm, có thể dẫn đến yếu liệt tứ chi và nguy cơ tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm.
Những người làm công việc dễ bị chấn thương, ngay cả những chấn thương nhỏ (vi chấn thương) lặp đi lặp lại, chẳng hạn như: những người làm việc văn phòng sử dụng máy vi tính liên tục trong môi trường lạnh (máy lạnh), người làm công việc khuân vác, phải chạy xe gắn máy liên tục nhiều giờ mỗi ngày. Những người phải sử dụng cổ tay thường xuyên như buôn bán thịt cá phải chặt thịt, những người nội trợ...; cầm nắm những thiết bị rung nặng nề như cầm khoan cắt bê tông, lái máy cày...
Dấu hiệu nhận biết
Thông thường, tê chân tay khởi phát rất nhẹ nhàng như tê các đầu ngón tay, cảm giác như châm chích, dị cảm, kiến bò, tê buốt, chuột rút rất khó chịu. Càng về sau mức độ tê đau càng tăng. Các ngón tay bị tê nhức, buốt nhiều hơn và đau lan dọc cánh tay, cẳng tay làm cho người bệnh khó cử động. Những triệu chứng này cũng có thể xuất hiện tương tự ở các ngón chân, bàn chân, cổ chân, cẳng chân, đùi, mông, vùng thắt lưng... Người bệnh cảm giác rất khó chịu ở các đầu ngón tay, ngón chân. Nhiều khi nửa đêm giật mình thức giấc, thấy tay hoặc chân như mất cảm giác, rồi lại có lúc như kim châm, kiến bò khiến người bệnh bị mất ngủ.
Tùy nguyên nhân gây bệnh còn có các triệu chứng kèm theo như đau vai gáy, đau thắt lưng do thoái hóa cột sống; đau dọc đường đi của dây thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng; nếu do viêm đa dây thần kinh, người bệnh bị liệt vận động; nếu do đái tháo đường, người bệnh sẽ có thêm biểu hiện ăn nhiều, uống nhiều, sụt cân nhanh.
Ngoài ra, vị trí tê nhức có liên quan mật thiết vùng dây thần kinh chi phối: như tê ngón cái, ngón trỏ và giữa trong hội chứng ống cổ tay; tê các ngón út và áp út như trong tổn thương thần kinh trụ và người bệnh có thể có các triệu chứng khác kèm theo như đau cứng các khớp bàn tay trước đó trong bệnh lý thấp khớp, hoặc đau mỏi cổ gáy, vai trong chèn ép rễ thần kinh cổ, tương tự tê bì có thể xuất hiện ở bàn chân, cẳng chân, mông đùi... trong các trường hợp chèn ép rễ thần kinh thắt lưng cùng hay cũng có thể gặp trong các bệnh lý toàn thể như trong viêm đa dây thần kinh do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Tê bì cũng có thể xuất hiện ở những vùng cục bộ khác của cơ thể như ở đỉnh đầu, một bên đầu, ở ngực lưng hoặc ngay cả quanh bộ phận sinh dục... Tóm lại, tê bì có thể xuất hiện bất cứ vị trí nào trên cơ thể tùy theo vị trí phân bố của các dây thần kinh và nguyên nhân gây bệnh.
Chẩn đoán xác định bệnh
Cần thăm khám lâm sàng, đồng thời làm các xét nghiệm để tìm ra căn nguyên của bệnh như bệnh đái tháo đường, bệnh do thiếu vitamin, rối loạn chức năng gan - thận cũng như rối loạn chuyển hóa và dấu hiệu bất thường của hệ miễn dịch, kiểm tra hoạt động của hệ thần kinh hoặc có thể chụp CT-scaner, chụp cộng hưởng từ, đo điện cơ...
Phòng ngừa
Một số phương pháp có thể giúp ngăn ngừa bệnh tê nhức như: tăng cường vận động cơ thể, thường xuyên tập thể dục cho cơ thể khỏe, tạo được chất đàn hồi tốt. Đối với người đã bị tê nhức chân tay, có thể ngâm tay trong nước nóng có pha muối giúp lưu thông máu tốt, nắm bàn tay lại xòe mạnh thẳng bàn tay và cánh tay ra, dùng tay trái xoa bóp cho tay phải và ngược lại; cần có chế độ ăn uống cân bằng, bổ sung các vi chất kịp thời, tránh làm việc quá sức với những công việc nặng nhọc, làm việc nhiều giờ trước máy vi tính hay ngồi xổm quá lâu dẫn đến mạch máu khó lưu thông gây tê chân tay; tránh hoặc hạn chế uống nhiều rượu bia, không hút thuốc lá, thuốc lào; khi mùa đông giá rét có thể dùng túi chườm nóng ở tay chân vì chườm nóng có tác dụng giảm đau nhức.
Lời khuyên của thầy thuốc:
Tê nhức chân tay có khi là biểu hiện sinh lý bình thường và không cần điều trị, nhưng cũng có thể là triệu chứng báo động những bệnh lý nguy hiểm, có thể dẫn đến yếu liệt tứ chi và nguy cơ tử vong.
Cho nên, người bệnh không chủ quan, chẳng hạn đi châm cứu, giác lễ..., đến khi bệnh nặng mới đi khám bệnh có thể đã bỏ lỡ cơ hội được khám sớm về chuyên khoa thần kinh hay mạch máu để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh nhằm có những phương pháp điều trị thích hợp.
Ðặc biệt khi thấy hiện tượng tê chân tay ngày càng nặng, nhất là ở những người bị đái tháo đường, phụ nữ mang thai, người bị tim mạch, cần có chế độ khám sức khỏe định kỳ để kịp thời điều trị phòng tránh biến chứng.
Theo suckhoedoisong.vn