Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính - những điều cần biết

08:11, 14/11/2018

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh phổi trong đó phổi bị tổn thương, cuống phổi bị tắc nghẽn một phần gây ra khó thở. Bệnh diễn tiến lâu ngày, có thể nhiều năm trước khi bệnh nhân có triệu chứng khó thở. COPD bao gồm viêm phế quản mạn tính và khí phế thũng.

Ảnh minh hoạ/ Internet
Ảnh minh hoạ/ Internet

Những người có nguy cơ cao bị COPD

Những người sau đây có nguy cơ cao bị COPD: người hút thuốc lá, thuốc lào với 88% bị COPD. Hai là những người nhiễm bụi SO2, NO2, bụi công nghiệp, khí hậu lạnh, ẩm ướt. Ba là người bị nhiễm khuẩn như: vi khuẩn, virut, viêm nhiễm ở đường hô hấp trên và viêm phế quản cấp là yếu tố thuận lợi để phát triển thành viêm phế quản mạn tính. Bốn là các đối tượng: người có cơ địa dị ứng, người có nhóm máu A thiếu hụt kháng thể IgA, người có cuộc sống nghèo nàn, lạc hậu đều dễ bị COPD.

Nhận dạng bệnh

Bệnh thường gặp ở người trên 40 tuổi, nghiện thuốc lá, thuốc lào, thường xuyên ho khạc vào buổi sáng. Đờm nhầy trong, dính hoặc màu xanh, vàng đục, mỗi ngày khoảng 200ml, một đợt kéo dài 3 tuần, tăng về mùa đông và đầu mùa thu. Nếu là đợt bùng phát của COPD, thường xảy ra ở người già yếu, do bội nhiễm. Bệnh nhân có sốt, ho, khạc đờm và khó thở, có thể tử vong do suy hô hấp và tâm phế mạn.

Tiến triển và biến chứng 

Bệnh tiến triển từ từ rồi nặng dần trong thời gian từ 5-20 năm, có nhiều đợt bùng phát dẫn đến biến chứng khí phế thũng và tâm phế mạn, suy hô hấp. Biến chứng thường gặp là tâm phế mạn, bội nhiễm gây viêm phổi, áp-xe phổi, lao phổi…; trong đợt cấp COPD, nếu bệnh nhân không được điều trị đúng có thể đưa đến suy hô hấp cấp và tử vong.

Chữa trị và phòng bệnh

- Chữa trị: Khi đợt cấp COPD khởi phát, bệnh nhân phải được đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được trợ giúp hô hấp, dùng thuốc kháng viêm, giãn phế quản và một số loại thuốc khác sẽ được bác sĩ chỉ định cụ thể cho từng bệnh nhân. Không được tự ý dùng thuốc để tránh hậu quả xấu.

- Phòng bệnh: Bỏ hút thuốc lá, thuốc lào, tránh lạnh, tránh bụi, phòng chống nhiễm khuẩn đường hô hấp trên bằng nước súc họng, nhỏ mũi. Nên tiêm vaccin phòng chống bệnh cúm. Điều trị triệt để bệnh tai mũi họng. Cần sống trong môi trường sạch ít khí độc, khói gây hại. Cần có bảo hộ lao động tốt cho những ai làm việc trong môi trường có hóa chất, khói, bụi bặm,… Nâng cao thể trạng bằng cách tập thể dục đều đặn hằng ngày ở nơi thoáng khí, nhất là hít thở không khí trong lành trước và sau khi ngủ dậy; dùng vitamin A, C, E. Ăn uống đầy đủ, tránh các loại thức ăn gây dị ứng./. 

Trung tâm Truyền thông - GDSK Nam Định

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com