Giai đoạn trước đây, việc điều trị cho người nhiễm HIV là miễn phí do nguồn thuốc điều trị được tài trợ. Nhưng hiện nay, nguồn tài trợ này không còn, để được điều trị đầy đủ, hiệu quả thì người nhiễm HIV cần tham gia bảo hiểm y tế (BHYT).
Tại sao phải thúc đẩy người nhiễm HIV sử dụng thẻ BHYT?
Thuốc ARV có tác dụng ức chế sự tăng sinh của HIV, khiến chúng không có khả năng tấn công làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể. Người bệnh nhiễm HIV dùng thuốc kháng vi-rút (ARV) đúng liều, tuân thủ điều trị tốt thì ít mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội.
Nguồn viện trợ điều trị thuốc ARV cho người nhiễm HIV từ các dự án quốc tế bị cắt giảm dần từ năm 2017 khiến công tác phòng chống HIV/AIDS và bản thân người bệnh gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, những lo lắng đó có thể được giải tỏa nếu người nhiễm HIV tham gia BHYT. Từ năm 2018, việc điều trị thuốc ARV cho bệnh nhân HIV/AIDS sẽ được quỹ BHYT chi trả, thay cho việc cấp thuốc miễn phí như trước đây. Người nhiễm HIV sẽ tiếp tục được điều trị ARV với tiêu chuẩn chuyên môn, phác đồ như hiện nay với sự tham gia đồng chi trả như đi khám, chữa các bệnh khác. Sử dụng thẻ BHYT giúp người nhiễm HIV điều trị các bệnh thông thường và dùng thuốc ARV ít tốn chi phí. Hiện nay, nhiễm HIV được xem như một bệnh mạn tính có lây, có thể kiểm soát được. Vì vậy, nhiễm HIV cũng phải được xem giống như những bệnh khác và do đó người bệnh phải được sử dụng thuốc ARV từ nguồn BHYT. Việc điều trị ARV tại các cơ sở y tế như điều trị các bệnh khác sẽ giảm kỳ thị đối với người nhiễm HIV.
Quyền lợi của người nhiễm HIV khi tham gia BHYT
Người nhiễm HIV có thẻ BHYT được lĩnh thuốc ARV định kỳ từ nguồn thuốc BHYT. Bên cạnh đó, họ có đầy đủ quyền lợi khám chữa bệnh theo quy định như người không nhiễm HIV.
Đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu ở đâu?
- Nếu bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh ban đầu để điều trị HIV/AIDS thì nên đăng ký ở những bệnh viện có Phòng khám và điều trị HIV/AIDS.
- Nếu chỉ khám và điều trị bệnh thông thường thì có thể đăng ký khám chữa bệnh tại bất kỳ bệnh viện nào trên địa bàn mình sinh sống.
Điều trị HIV/AIDS bằng thẻ BHYT có được bảo mật không?
Hiện nay, bệnh nhân được quản lý bằng mã ID và trên toa thuốc ARV không thể hiện chẩn đoán “nhiễm HIV” nên phù hợp với việc bảo mật cho người nhiễm HIV trong điều trị./.
Trung tâm Truyền thông - GDSK Nam Định