Một số người đang hút thuốc lá khi bị viêm họng hay ho họ nghĩ ngay tới việc bị cảm, bị dị ứng thời tiết hay do môi trường thay đổi, ô nhiễm… mà ít người biết rằng có thể nguyên nhân do hút thuốc lá, họ cũng không hiểu được rằng do đâu mà mình hay bị viêm họng, ho dai dẳng, hay sử dụng thuốc kháng sinh phải dài ngày hơn người không hút thuốc.
Bệnh ho mạn tính là gì?
Ho là triệu chứng của bệnh lý đường hô hấp trên, đường hô hấp dưới, bệnh lý ở phổi.
Với triệu chứng ho, theo thời gian người ta chia ra như sau: ho dưới 3 tuần gọi là ho cấp tính, ho kéo dài từ 3-8 tuần gọi là ho bán cấp, ho kéo dài hơn 8 tuần gọi là ho mạn tính.
Ho mạn tính ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh ra sao?
Cảm giác họng đau, khô rát, nuốt nước bọt vướng, ngứa, nóng rát và có đờm.
Ho khan, đặc biệt là sáng sớm, có lúc khạc ra đờm và gây buồn nôn. Khạc ra đờm có ít máu, ngủ ngáy.
Ho mạn tính ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống người bệnh, trở ngại công việc và giao tiếp nơi công cộng, làm xáo trộn giấc ngủ, gây nên suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh do phải luôn khạc nhổ, nhất là ban đêm. Bệnh sẽ rất khó điều trị, tốn nhiều thời gian, công sức, tiền bạc.
Nếu ngưng hút thuốc lá thì bệnh được cải thiện như thế nào?
Hút thuốc lá là nguyên nhân kích thích mạn tính gây ho mạn tính, nếu ngưng thuốc lá thì tình trạng bệnh sẽ được cải thiện. Nếu bạn hút thuốc lá thì đây là lý do để bạn bỏ thuốc lá, vì khói thuốc lá kích thích mạn tính gây tổn thương niêm mạc vùng họng, vi-rút, vi khuẩn dễ dàng tấn công gây bệnh và làm cho vết thương vùng họng lâu lành.
Những người không hút thuốc lá mà thường xuyên phải hút thuốc thụ động có nguy cơ về bệnh ho mạn tính không?
Hút thuốc lá thụ động có nghĩa là hít phải khói thuốc lá của người khác thải ra khi đứng cạnh hay ngồi gần người hút. Người hít phải khói thuốc được gọi là người hút thuốc lá thụ động. Khói thuốc lá thụ động chứa tới 7.000 hóa chất, trong đó có 70 chất gây ung thư và không có ngưỡng nào là an toàn cho việc tiếp xúc với khói thuốc thụ động. Vì vậy, người hút thuốc thụ động vẫn có nguy cơ bị ho mạn tính như người hút thuốc trực tiếp./.
Trung tâm Truyền thông - GDSK Nam Định