Nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS

08:10, 19/10/2018

Để giảm đến mức thấp nhất số người nhiễm, tử vong do HIV/AIDS, những năm qua, ngành Y tế tỉnh đã không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân, góp phần phấn đấu thực hiện mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 và chấm dứt đại dịch HIV/AIDS ở Việt Nam vào năm 2030.

Khám và tư vấn cho bệnh nhân tại Phòng khám Chuyên khoa HIV/AIDS và Điều trị nghiện chất, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh.  Bài và ảnh: Minh thuận
Khám và tư vấn cho bệnh nhân tại Phòng khám Chuyên khoa HIV/AIDS và Điều trị nghiện chất, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh. 

Đến nay, toàn tỉnh có gần 4.200 người nhiễm HIV còn sống; trong đó 1.302 người (1.231 người lớn và 71 trẻ em) đang điều trị ARV. Số bệnh nhân đang điều trị ARV có thẻ BHYT là 96%. Bệnh nhân đang điều trị tại các phòng khám ngoại trú (PKNT) tới thời điểm này vẫn đang được Dự án Quỹ toàn cầu, Chương trình PEPFAR hỗ trợ Việt Nam phòng chống HIV/AIDS và Chương trình mục tiêu quốc gia cung cấp thuốc kháng vi-rút ARV, thuốc dự phòng NTCH Cotrimoxazol, xét nghiệm tải lượng vi-rút HIV, xét nghiệm tế bào CD4, còn những xét nghiệm cơ bản và thuốc hỗ trợ khác thanh toán qua nguồn BHYT. Đến năm 2019, toàn tỉnh sẽ có 6 cơ sở điều trị HIV chuyển sang thanh toán ARV thông qua thẻ BHYT gồm: Phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS và điều trị nghiện chất, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh; PKNT đặt tại Trung tâm Y tế các huyện: Giao Thuỷ, Hải Hậu, Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Ý Yên.

Để từng bước nâng cao chất lượng, dịch vụ điều trị, chăm sóc sức khỏe cho người nhiễm HIV/AIDS, hiện tại trên địa bàn tỉnh đã có 10 cơ sở điều trị (PKNT) HIV/AIDS, gồm: 1 phòng khám chuyên khoa HIV và điều trị nghiện chất, đặt tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh; 9 PKNT đặt tại: Bệnh viện Nhi tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện: Giao Thuỷ, Hải Hậu, Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Ý Yên, Nam Trực, Trực Ninh. Trong đó, Phòng khám chuyên khoa HIV và điều trị nghiện chất, đặt tại Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh có tỷ lệ bệnh nhân được quản lý, điều trị cao nhất trong các cơ sở điều trị HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh, với tổng số gần 700 bệnh nhân HIV/AIDS đang được quản lý, theo dõi điều trị. Từ khi tiếp nhận, triển khai lồng ghép hoạt động chăm sóc, điều trị HIV/AIDS, Trung tâm luôn quan tâm đến hoạt động cải thiện chất lượng trong công tác tư vấn, chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS nhằm nâng cao chất lượng điều trị, cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm tỷ lệ tử vong cho người bệnh; về xét nghiệm đo tải lượng vi-rút HIV định kỳ cho bệnh nhân sau điều trị 6 tháng, 12 tháng; tích cực triển khai thực hiện theo đúng hướng dẫn của Cục Phòng, chống HIV/AIDS. Kết quả trên 90% bệnh nhân được làm xét nghiệm đo tải lượng vi-rút HIV; trong đó 95% có kết quả đạt được dưới ngưỡng ức chế vi-rút, góp phần thực hiện mục tiêu 90% bệnh nhân điều trị ARV có kết quả tải lượng vi-rút HIV dưới ngưỡng ức chế. Đặc biệt, thực hiện Kế hoạch số 1051/KH-UBND ngày 27-10-2017 của UBND tỉnh về việc chuyển giao và tiếp nhận hoạt động chăm sóc, điều trị HIV/AIDS, tháng 12-2017, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS đã tiến hành chuyển giao thành công 376 bệnh nhân đang điều trị thuốc kháng vi-rút HIV phác đồ bậc 1 từ PKNT, Bệnh viện Đa khoa tỉnh về phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS và điều trị nghiện chất thuộc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh tiếp tục quản lý, theo dõi, chăm sóc điều trị ngoại trú, nâng tổng số bệnh nhân HIV/AIDS tại cơ sở lên gần 700 bệnh nhân. Phòng khám chuyên khoa điều trị HIV/AIDS và điều trị nghiện chất đã triển khai ngay việc tổ chức sắp xếp lịch khám, tái khám, tư vấn lại cho toàn bộ bệnh nhân được chuyển giao, bố trí nhân lực phù hợp đảm bảo đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người bệnh. Ngoài ra, các cơ sở điều trị có đông bệnh nhân là PKNT đặt tại các huyện: Giao Thuỷ, Hải Hậu, Xuân Trường... Tỷ lệ chuyển gửi thành công khách hàng có HIV (+) từ phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện sang các cơ sở điều trị HIV/AIDS của tỉnh đạt 78,2%. Tất cả các phòng khám ngoại trú đang phấn đấu thực hiện thanh toán qua BHYT các dịch vụ liên quan HIV/AIDS cho người bệnh, hoàn thành xong thủ tục ký hợp đồng khám chữa bệnh cho người bệnh.

Tuy nhiên hiện công tác chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS vẫn còn nhiều khó khăn: Do các nguồn viện trợ bị cắt giảm nên thuốc kháng vi-rút ARV và chi phí xét nghiệm cho người nhiễm HIV sẽ không được cấp phát miễn phí, mà chuyển qua thanh toán thông qua BHYT, nhưng nhiều bệnh nhân vẫn chưa sẵn sàng đăng ký để được hỗ trợ mua, cấp thẻ BHYT miễn phí vì sợ lộ danh tính. Khi thuốc ARV thanh toán BHYT, nhiều bệnh nhân sẽ khó khăn trong việc đi lĩnh thuốc theo quy định do phải đi làm ăn xa nhà, ảnh hưởng đến việc tuân thủ điều trị và vấn đề kháng thuốc... Cùng với đó, số người nhiễm HIV ngoài cộng đồng chưa tham gia điều trị còn cao do mặc cảm về sự kỳ thị. Điều này đồng nghĩa với việc họ không được tiếp cận điều trị ARV sớm; nguy cơ lây nhiễm sang cộng đồng cao do không điều trị để kiểm soát lượng vi-rút HIV trong cơ thể. Việc phối hợp chuyển gửi, kết nối, quản lý người nhiễm HIV, giám sát, báo cáo số liệu giữa các đơn vị chưa thực sự đồng bộ. Sự chỉ đạo của một số đơn vị chưa thực sự quyết liệt trong thực hiện, giám sát, điều tra số bệnh nhân ngoài cộng đồng...

Để người nhiễm HIV/AIDS được quan tâm chăm sóc, điều trị, sống khỏe mạnh, tự tin, hòa nhập cộng đồng, Sở Y tế và các đơn vị liên quan cần tăng cường tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ tham gia công tác điều trị HIV/AIDS tại các phòng khám trên địa bàn. Tăng cường truyền thông dưới nhiều hình thức: phát thanh, truyền hình, băng rôn, áp phích, băng đĩa, ưu tiên quan tâm đến đội ngũ đồng đẳng viên - những tuyên truyền viên đắc lực, để họ thông tin, chia sẻ tới những người cùng cảnh ngộ. Trong đó chú trọng các buổi truyền thông lưu động và các buổi nói chuyện chuyên đề tại các thôn, xóm, góp phần giúp người nhiễm HIV tự tin hoà nhập cộng đồng. Thường xuyên điều tra, tiếp cận tư vấn người nhiễm HIV/AIDS ngoài cộng đồng đưa vào điều trị ARV sớm, hạn chế thấp nhất lây nhiễm trong cộng đồng, hướng tới mục tiêu 90-90-90. Đội ngũ cán bộ ở các cơ sở điều trị cần thường xuyên tư vấn, tuân thủ điều trị liên tục để bệnh nhân hiểu rõ lợi ích khi tuân thủ điều trị. Mở rộng dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV thông qua các dịch vụ tư vấn xét nghiệm lưu động, phối hợp với các tổ chức cộng đồng tư vấn và chuyển gửi người có nguy cơ lây nhiễm HIV đến cơ sở y tế làm xét nghiệm HIV...

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com