Thẻ BHYT được cấp cho người tham gia BHYT và làm căn cứ để được hưởng các quyền lợi về BHYT theo quy định của pháp luật về BHYT, mỗi người chỉ được cấp một thẻ duy nhất. Khi bị mất hoặc rách, hỏng,... thì chủ thẻ xin cấp lại hoặc đổi thẻ theo quy định của Luật BHYT như sau:
Cấp lại thẻ BHYT
1. Thẻ BHYT được cấp lại trong trường hợp bị mất.
2. Người bị mất thẻ BHYT phải có đơn đề nghị cấp lại thẻ.
3. Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị cấp lại thẻ, tổ chức BHYT phải cấp lại thẻ cho người tham gia BHYT. Trong thời gian chờ cấp lại thẻ, người tham gia BHYT vẫn được hưởng quyền lợi BHYT.
4. Người được cấp lại thẻ BHYT phải nộp phí. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức phí cấp lại thẻ BHYT. Trường hợp lỗi do tổ chức BHYT hoặc cơ quan lập danh sách thì người được cấp lại thẻ BHYT không phải nộp phí.
Đổi thẻ BHYT
1. Thẻ BHYT được đổi trong trường hợp sau đây:
a) Rách, nát hoặc hỏng;
b) Thay đổi nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu;
c) Thông tin ghi trong thẻ không đúng.
2. Hồ sơ đổi thẻ BHYT bao gồm:
a) Đơn đề nghị đổi thẻ của người tham gia BHYT;
b) Thẻ BHYT.
3. Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, tổ chức BHYT phải đổi thẻ cho người tham gia BHYT. Trong thời gian chờ đổi thẻ, người có thẻ vẫn được hưởng quyền lợi của người tham gia BHYT.
4. Người được đổi thẻ BHYT do thẻ bị rách, nát hoặc hỏng phải nộp phí. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức phí đổi thẻ BHYT.
Như vậy, trong thời gian đang chờ cấp lại, đổi thẻ thì người tham gia BHYT vẫn có thể đi khám, chữa bệnh theo BHYT bình thường bằng cách xuất trình giấy hẹn cấp lại, đổi thẻ (giấy hẹn này do cơ quan BHXH nơi nộp hồ sơ cấp lại, đổi thẻ cấp cho) và 1 loại giấy tờ chứng minh nhân thân có ảnh hợp lệ./.
Trung tâm Truyền thông - GDSK Nam Định