Luật BHYT đã được Quốc hội thông qua ngày 14-11-2008 và có hiệu lực từ ngày 1-7-2009. Để đánh dấu sự kiện Luật BHYT có hiệu lực, Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định lấy ngày 1-7 là “Ngày BHYT Việt Nam”. Ngày 13-6-2014, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016.
BHYT là hình thức bảo hiểm để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân không vì mục đích lợi nhuận, do Nhà nước tổ chức thực hiện và toàn dân tham gia để bảo vệ sức khỏe cho mỗi người khi chẳng may ốm đau, tai nạn, nhằm đảm bảo an sinh xã hội. BHYT mang lại công bằng về chăm sóc sức khỏe cho mọi người, đặc biệt là người nghèo, người cận nghèo và đồng bào dân tộc sống ở vùng sâu, vùng xa. Tham gia BHYT là cách tốt nhất để mọi người giúp nhau chia sẻ rủi ro khi bị ốm đau, bệnh tật. Trong những năm gần đây, việc mở rộng quyền lợi hưởng BHYT giúp cho người có thẻ BHYT tiếp cận tối đa các dịch vụ kỹ thuật y tế tiên tiến. Hiện nay, hầu hết thuốc, dịch vụ kỹ thuật đều được quỹ BHYT chi trả khi khám chữa bệnh đúng tuyến. Với mức đóng không cao nhưng khi không may mắc bệnh, kể cả những bệnh hiểm nghèo, phải chi phí lớn, người tham gia BHYT sẽ được khám, chữa bệnh chu đáo, không phân biệt giàu nghèo. Người có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến được quỹ BHYT chi trả 80% hoặc 95% hoặc 100% chi phí khám chữa bệnh tùy thuộc vào nhóm đối tượng. Thực hiện khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT giúp người nghèo và cận nghèo bớt đi gánh nặng chi tiêu cho gia đình khi ốm đau.
Tuy nhiên do chưa thực sự hiểu được ích lợi của việc tham gia BHYT nên không ít người vẫn không mua BHYT. Chỉ tới khi bị bệnh tật, tai nạn, nhất là khi không may bị bệnh nặng, chi phí vượt ngoài khả năng chi trả thì lúc đó người bệnh mới nghĩ đến tham gia BHYT. Qua đó cho thấy, nhiều người còn chưa ý thức được quyền lợi được hưởng từ BHYT, chưa hiểu được tầm quan trọng của việc tham gia BHYT. Tham gia BHYT là sự lựa chọn thiết thực bảo đảm sức khỏe và tài chính của bản thân và gia đình. Hiện nay, nguy cơ bệnh tật ngày càng có chiều hướng gia tăng, trong khi giá các dịch vụ y tế cũng được điều chỉnh tăng theo mức tính đủ các yếu tố (gồm cả lương của cán bộ y tế) thì tham gia BHYT là một trong những việc cần làm ngay, không chỉ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe mà còn chia sẻ gánh nặng tài chính, chi phí khám, chữa bệnh đối với từng người dân. Với ý nghĩa đó, mọi người dân hãy tích cực tham gia BHYT vì sức khỏe, vì an sinh xã hội, vì hạnh phúc của chính mình./.
Trung tâm Truyền thông - GDSK Nam Định