Người dân tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình cần tìm hiểu những thông tin gì?

08:07, 27/07/2018

Tham gia BHYT theo hộ gia đình (HGĐ) không chỉ nhằm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho tất cả các thành viên trong HGĐ mà còn giảm gánh nặng tài chính cho người đóng BHYT. Theo Luật số 46/2014/QH13 ngày 13-6-2014 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2015, bắt buộc người dân tham gia BHYT theo HGĐ với những chính sách ưu đãi hơn so với quy định cũ.

Khi mua BHYT theo HGĐ, mức đóng được giảm dần từ thành viên thứ hai trở đi.

Cụ thể, người thứ nhất trong HGĐ khi mua BHYT sẽ đóng tối đa bằng 4,5% mức lương cơ sở. Người thứ hai, thứ ba, thứ tư lần lượt có mức đóng là 70%, 60% và 50% mức đóng của người thứ nhất. Kể từ người thứ năm trong HGĐ trở đi mức đóng chỉ còn bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Ai có thể tham gia BHYT HGĐ?

Tất cả các thành viên có tên trên sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú chưa tham gia BHYT theo các nhóm đối tượng khác thì được tham gia BHYT HGĐ. Chẳng hạn, một HGĐ có 10 người trong hộ khẩu (kể cả người có tên tạm trú dài hạn cũng được tính), nhưng trong đó có 5 người thuộc đối tượng khác như hưu trí, công nhân viên đang đi làm, học sinh - sinh viên, trẻ em dưới 6 tuổi, người trên 80 tuổi thì không được tính vào danh sách tham gia BHYT theo HGĐ, do những đối tượng này đã được ngân sách Nhà nước, quỹ BHXH hoặc chủ doanh nghiệp đóng BHYT một phần hoặc toàn phần. Chỉ 5 người còn lại không thuộc đối tượng nào mới được tính vào số người trong HGĐ để được hưởng ưu đãi khi mua BHYT.

Địa điểm mua BHYT theo HGĐ:

Theo quy định của Luật BHYT sửa đổi bổ sung, thì “BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng” nên hiện nay không còn BHYT tự nguyện nữa mà mọi người dân có trách nhiệm tham gia BHYT vì lợi ích của chính mình và cộng đồng. Vì thế người dân chỉ cần đến UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú (thường trú hoặc tạm trú dài hạn) đăng ký và đóng tiền mua BHYT.

Quyền lợi khi mua thẻ BHYT liên tục:

Khi tham gia BHYT liên tục 5 năm thì theo quy định của Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014 “Người tham gia BHYT khi đi khám chữa bệnh (KCB) theo quy định sẽ được thanh toán 100% chi phí KCB nếu có số tiền cùng chi trả chi phí KCB BHYT trong năm cộng dồn lớn hơn 6 tháng lương cơ sở”.

Nếu mới tham gia lần đầu, người dân nên đăng ký mua BHYT tại UBND xã, phường, thị trấn từ ngày 25 đến ngày cuối cùng của mỗi tháng. Trường hợp gia hạn thẻ BHYT, từ ngày 15 đến ngày 20 của tháng cuối cùng thẻ BHYT còn hạn sử dụng, người dân phải đi đóng tiền mua BHYT. Khi đó, thẻ có giá trị sử dụng từ ngày đầu tháng kế tiếp.

Việc tham gia BHYT theo HGĐ là nhằm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho tất cả các thành viên trong HGĐ, phù hợp với mục tiêu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe toàn dân mà Đảng và Nhà nước ta đang hướng tới. Khi khám, chữa bệnh, quyền lợi hưởng BHYT của người tham gia BHYT theo HGĐ bình đẳng với các đối tượng khác, mức hưởng BHYT sẽ được cơ quan BHXH, cơ sở KCB bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật về BHYT./.

Trung tâm Truyền thông - GDSK Nam Định



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com