Bỏng là loại bệnh lý rất nghiêm trọng, để lại di chứng lâu dài và rất tốn kém thời gian, tiền của. Có những trường hợp sau chữa bỏng, mặt mũi bị biến dạng, bệnh nhân phải tiến hành phẫu thuật tạo hình từ 5 đến 7 lần. Tuy nhiên, theo PGS.TS Hồ Thị Xuân Hương, Bệnh viện Bỏng quốc gia, hiện tồn tại một quan niệm sai lầm trong cấp cứu nạn nhân bị bỏng ở cộng đồng. Đó là không ít bệnh nhân trước khi được đưa vào cấp cứu tại viện đều trải qua hành trình đắp lá, rắc vôi bột, rồi “làm mát” bằng nhựa chuối, dầu cá, mỡ trăn, thậm chí, cả nước mắm, kem đánh răng… không những không có tác dụng mà còn khiến tổn thương bỏng sâu hơn, nguy cơ nhiễm trùng lâu lành hơn. Với những vết bỏng sâu thì các biện pháp này còn là yếu tố xúc tác mạnh gây hoại tử vết thương, đẩy nhanh đến những biến chứng nặng như sốc bỏng, nhiễm trùng máu, biến chứng ở nội tạng dẫn đến tử vong.
Phục hồi chức năng cho nạn nhân sau bỏng tại Bệnh viện Bỏng quốc gia. |
PGS.TS Hồ Thị Xuân Hương khuyến cáo, phương pháp xử lý đúng lại rất đơn giản chỉ là hạ nhiệt vùng bỏng bằng nước mát. Cụ thể là ngâm vùng bị bỏng vào nước mát (có nhiệt độ 16-20 độ C) hoặc hứng vùng bị bỏng dưới vòi nước mát, sạch càng sớm, càng tốt (trong khoảng thời gian 20 phút). Sau đó, đưa nạn nhân đến các cơ sở y tế uy tín, không nên tự điều trị hoặc đến các thầy lang để chữa bỏng. Đừng để tiền mất tật mang vì sự thiếu hiểu biết của mình.
Bác sĩ Lê Quốc Chiểu, Bệnh viện Bỏng quốc gia cho rằng, bỏng là tai nạn có thể phòng tránh, phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh” hoàn toàn đúng. Vì vậy, cần trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản về dự phòng bỏng, đừng để bị bỏng vì thiếu hiểu biết. Hầu hết các nguyên nhân dẫn đến trẻ em bị bỏng là do sự bất cẩn của người lớn. Các bậc cha mẹ có con nhỏ nên cẩn thận mọi thứ quanh nhà, sắp xếp vị trí hợp lý, nên có chỗ để riêng vật dụng dễ gây bỏng, như: phích nước, bếp gas, bàn là... Trong xây dựng, không nên để đường dây điện quá thấp, không nên xây nhà dưới tầm ảnh hưởng của đường dây cao thế...
PV