Năm 2017, tình hình dịch sốt xuất huyết (SXH) trong nước diễn biến phức tạp. Tại tỉnh ta, dịch SXH bùng phát với số mắc là 5.092 ca tại 226/229 xã, phường, thị trấn; số người mắc đứng thứ 2 tại miền Bắc (sau Hà Nội) và tăng 42,8 lần so với số mắc trung bình 5 năm (2012-2016). Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận gần 30 ca nghi mắc SXH, có 3 bệnh nhân dương tính SXH đều từ nơi khác về, chưa ghi nhận bệnh nhân SXH nội địa.
Cán bộ Trạm Y tế xã Lộc Hoà (TP Nam Ðịnh) tuyên truyền phòng chống dịch sốt xuất huyết cho người dân. |
Hiện tại, bước vào mùa mưa, độ ẩm và nhiệt độ cao, có nhiều ổ nước đọng cùng với những dụng cụ tích trữ nước ăn, nước sinh hoạt là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH. Ngoài ra, nguy cơ dịch xâm nhập còn từ các tỉnh trong khu vực. Ðể chủ động phòng chống dịch, ngay từ đầu năm Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các ngành chức năng, các địa phương tăng cường phòng, chống dịch bệnh SXH, tổ chức các chiến dịch truyền thông, vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt bọ gậy; tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức cho các cán bộ tham gia phòng chống và điều trị bệnh, phun hóa chất phòng chống dịch, xây dựng các đội phòng chống dịch... Với mục tiêu giảm tỷ lệ mắc, tử vong do SXH; khống chế không để dịch lớn xảy ra, từng bước xã hội hoá công tác phòng chống SXH, Sở Y tế đã tổ chức tập huấn về hướng dẫn giám sát và các biện pháp phòng chống dịch cho cán bộ y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện, thành phố (tháng 4, tháng 5-2018); mạng lưới cán bộ y tế xã, phường và cộng tác viên (CTV) y tế cơ sở (tháng 5, tháng 6-2018). Công tác giám sát dịch tễ chủ động sẽ thực hiện vào tất cả các tháng trong năm. Sở Y tế phân công Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tích cực triển khai giám sát dịch tễ bao gồm: giám sát thường quy, giám sát chủ động và giám sát trọng điểm theo quy định của Bộ Y tế. Từ số liệu của các điểm giám sát, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh phân tích và báo cáo Sở Y tế, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, dự báo và hỗ trợ địa phương triển khai các biện pháp phòng chống dịch chủ động. Cùng với công tác giám sát Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh xây dựng mạng lưới CTV tại 18 xã, phường điểm để thực hiện các hoạt động phòng chống SXH tại các hộ gia đình, mỗi CTV phụ trách 300-400 hộ. Nhiệm vụ của CTV là tuyên truyền về bệnh SXH và các biện pháp phòng chống; hướng dẫn hộ gia đình xử lý các ổ bọ gậy/lăng quăng, muỗi truyền bệnh; đôn đốc hộ gia đình thực hiện các biện pháp phòng chống SXH, tham gia các chiến dịch vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, loại trừ bọ gậy; kiểm tra, giám sát, phát hiện bệnh nhân nghi SXH tại cộng đồng và báo cáo cho trạm y tế. Cán bộ chuyên trách SXH tại các xã điểm ngoài nhiệm vụ thường xuyên còn là đầu mối triển khai các kế hoạch, chỉ đạo và phương hướng hoạt động phòng chống SXH từ trên về cho cơ sở và hộ gia đình; giám sát, hướng dẫn, đánh giá hoạt động của CTV; giao ban với CTV trong khu vực phụ trách hằng tháng. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh phối hợp với các trung tâm y tế huyện, thành phố có nguy cơ cao về SXH xây dựng kế hoạch để chủ động triển khai phun hóa chất diệt muỗi kết hợp với chiến dịch diệt bọ gậy ngay từ đầu mùa dịch nhằm ngăn chặn nguy cơ bùng phát; huy động sự tham gia của các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, người dân trong cộng đồng tham gia chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy và phun hóa chất chủ động. Thời gian tổ chức các hoạt động diệt bọ gậy, chiến dịch vệ sinh môi trường vào các tháng 4, 5, 7, 9; phun hoá chất diệt muỗi vào các tháng 5, 7. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và trung tâm y tế các huyện, thành phố đã chuẩn bị cơ số hóa chất, máy móc và các đội cơ động sẵn sàng tham gia công tác xử lý nếu phát sinh ổ dịch tại cộng đồng. Nếu phát sinh các ổ dịch SXH, các phường, xã thành lập chỉ đạo phòng chống dịch tăng cường giám sát bệnh nhân, giám sát véc-tơ; tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường hằng ngày; phun hóa chất diệt muỗi; sử dụng các biện pháp phối hợp (như nằm màn, thả cá, hóa chất diệt bọ gậy, hương muỗi, bình xịt…); truyền thông về SXH trực tiếp và gián tiếp. Trước đó, từ ngày 3 đến 5-4-2018, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Y tế thành phố tổ chức điểm 2 đợt phun hóa chất tại hàng trăm hộ gia đình thuộc các địa bàn có nguy cơ cao trên địa bàn Thành phố Nam Ðịnh như tại phường Văn Miếu và phường Cửa Bắc; đồng thời 2 đơn vị này cũng được lựa chọn làm điểm để tổ chức chiến dịch thu gom dụng cụ phế thải, vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, kết hợp tuyên truyền bằng nhiều hình thức về phòng chống SXH đến các cụm dân cư trên địa bàn…
Cùng với các biện pháp trên, công tác truyền thông được thực hiện tất cả các tháng trong năm từ tuyến tỉnh đến cơ sở nhằm tích cực phổ biến kiến thức về phòng chống dịch bệnh SXH, các nguy cơ mắc bệnh và các biện pháp phòng chống để các hộ dân tự giác làm vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, xử lý các dụng cụ đọng nước, dụng cụ có bọ gậy và tổ chức diệt muỗi bằng nhiều biện pháp để chủ động phòng chống dịch. Ðặc biệt để phòng chống dịch, điểm “mấu chốt” phải là tiêu diệt được những ổ bọ gậy, việc phun hóa chất chỉ giải quyết phần “ngọn”. Vì vậy vừa phải phun hoá chất vừa phải tìm cách tiêu diệt những ổ bọ gậy, hạn chế muỗi đẻ trứng. Từ trước đến nay, phần lớn người dân cho rằng muỗi truyền bệnh SXH được sinh ra từ ao, hồ, cống rãnh nên chủ quan trong công tác vệ sinh môi trường. Tuy nhiên thực tế muỗi vằn chỉ ưa đẻ ở các vật chứa nước sạch có sẵn trong nhà và xung quanh hiên nhà, nhất là những vật chứa có ánh sáng mặt trời chiếu rọi 30-40%/ngày (cho nước ấm), chứ không sống và sinh sản trong nước dơ bẩn, ao tù. Mật độ muỗi vằn trong mỗi gia đình, đặc biệt là trong vùng dịch (vào đầu và cuối mùa mưa hoặc những thời kỳ nắng nóng xen kẽ mưa rào trong mùa mưa) thường rất cao. Do vậy, để tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch SXH, người dân cần phối hợp với ngành Y tế trong công tác phòng chống dịch SXH như: tiêu diệt bọ gậy bằng mọi cách, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; lật úp các dụng cụ như xô, chậu; những dụng cụ không sử dụng đến thì không được để nước đọng; loại bỏ các vật liệu phế thải...
Bài và ảnh: Minh Thuận