Những năm qua, việc xây dựng và nhân rộng các mô hình nâng cao sức khỏe cộng đồng tại tỉnh ta đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Qua đó, đã góp phần tích cực cải thiện sức khỏe thể chất, tinh thần, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Từ năm 2011, Sở Y tế đã xây dựng mô hình điểm truyền thông giáo dục sức khoẻ tại 11 xã, gồm: Yên Phú (Ý Yên), Hải Đường, Hải Lộc (Hải Hậu), Giao Hà (Giao Thủy), Xuân Kiên (Xuân Trường), Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng), Trực Nội (Trực Ninh), Nam Hồng (Nam Trực), Lộc An (TP Nam Định), Mỹ Tân (Mỹ Lộc), Hiển Khánh (Vụ Bản). Mục tiêu đặt ra của mô hình là xây dựng một cộng đồng kiểu mẫu về các phong trào y tế, có mạng lưới truyền thông - GDSK phát triển bền vững trong cộng đồng, nhằm nâng cao năng lực quản lý và kỹ năng truyền thông - GDSK cho cán bộ y tế và cộng tác viên truyền thông cơ sở và nâng cao nhận thức của người dân. Để nâng cao kiến thức của người dân về phòng, chống dịch bệnh, tại các xã triển khai mô hình, Trung tâm Truyền thông - GDSK tỉnh đã cung cấp các tài liệu tuyên truyền, chỉ đạo các trạm y tế thường xuyên viết tin, bài phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm, hướng dẫn người dân rửa tay bằng xà phòng đúng cách, tuyên truyền trên đài truyền thanh xã; phát tờ rơi, tờ gấp, áp phích đến tận gia đình, tổ chức các chiến dịch truyền thông theo chuyên đề: phòng, chống các bệnh dịch nguy hiểm như cúm A/H5N1, tiêu chảy cấp, vệ sinh an toàn thực phẩm; phòng, chống suy dinh dưỡng, công tác dân số - KHHGĐ, tiêm chủng mở rộng, vệ sinh môi trường, HIV/AIDS…
Điều trị bệnh cho người cao tuổi tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh. |
Mô hình CLB Đái tháo đường (ĐTĐ) ở Hải Hậu do Bệnh viện Nội tiết Trung ương triển khai trên địa bàn toàn huyện từ năm 2008 đến nay, chủ yếu là các hoạt động tư vấn, tuyên truyền vận động và khám sàng lọc để phát hiện người mắc ĐTĐ hoặc tiền ĐTĐ, hướng dẫn họ điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt và đi khám định kỳ tại bệnh viện huyện và các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh. Ngoài ra, tại một số xã trên địa bàn huyện cũng triển khai mô hình “Làng văn hoá sức khoẻ” từ năm 2010 đến nay với mục tiêu nâng cao sức khỏe, cải thiện thể chất của người dân địa phương gắn với việc cải thiện môi trường sống, phòng chống dịch bệnh trong các khu dân cư. Phong trào được triển khai đã thu hút được sự quan tâm, vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương cũng như người dân. Từ mô hình, các loại bệnh, dịch được phát hiện, xử lý và ngăn chặn kịp thời, không để xảy ra trên diện rộng. Qua đó, người dân đã quan tâm nhiều đến vấn đề cải thiện, bảo vệ môi trường; nhận thức của người dân về vấn đề ăn sạch, uống sạch, vệ sinh môi trường, chăm sóc sức khoẻ cho bản thân, gia đình cũng được nâng cao.
Mô hình phòng chống bệnh không lây nhiễm được Bộ Y tế triển khai đầu tháng 4-2018 tại 10 xã, thị trấn của huyện Xuân Trường là: Xuân Hồng, Xuân Ngọc, Xuân Phương, Xuân Hoà, Xuân Kiên, Xuân Đài, Xuân Phong, Xuân Châu, Thọ Nghiệp và Thị trấn Xuân Trường; 5 xã của huyện Giao Thuỷ là: Giao Tiến, Giao Phong, Giao Thiện, Giao Xuân, Giao Thịnh, với các hoạt động: tập huấn cho cán bộ trạm y tế về ĐTĐ, tăng huyết áp; tổ chức các chiến dịch truyền thông cho người dân bằng các hình thức như: tổ chức hội nghị, nói chuyện theo chủ đề, truyền thông lồng ghép với hoạt động của các ban, ngành, đoàn thể, tăng cường hoạt động truyền thông tại cộng đồng. Nội dung truyền thông tập trung phổ biến các bệnh không lây nhiễm; cách phát hiện, phòng và chống các bệnh không lây nhiễm; chế độ điều trị và chăm sóc người bệnh; nói chuyện và tư vấn cho người nhà gia đình bệnh nhân tâm thần; cách phát hiện và chế độ ăn cho người bệnh ĐTĐ để người dân tự đánh giá nguy cơ mắc bệnh, tìm đến cơ sở y tế để được khám, phát hiện sớm và điều trị.
Mô hình Tư vấn chăm sóc người cao tuổi (NCT) dựa vào cộng đồng được Bộ Y tế triển khai thí điểm tại 6 xã: Hợp Hưng, Minh Tân (Vụ Bản), Nam Thái, Nam Hồng (Nam Trực), Việt Hùng, Trực Hưng (Trực Ninh) từ năm 2012. Hiện mô hình đã được nhân rộng trên địa bàn tỉnh với nhiều hoạt động thiết thực như: tổ chức thu thập các thông tin liên quan đến NCT, khảo sát thực trạng và các nhu cầu dịch vụ hỗ trợ tư vấn và chăm sóc NCT ở địa phương; triển khai các hoạt động, mô hình, dự án chăm sóc NCT. Ban quản lý mô hình tỉnh căn cứ vào thực tế của từng xã, phối hợp với cấp huyện, xã tổ chức thực hiện khám, tư vấn chăm sóc sức khỏe cho NCT, giúp họ hiểu về tình trạng sức khỏe, đồng thời hỗ trợ một phần kinh phí mua thuốc điều trị các bệnh thông thường cho NCT không có BHYT. Tại mỗi xã triển khai mô hình đã thành lập và duy trì hoạt động của CLB “NCT giúp NCT”, sinh hoạt mỗi quý một lần để NCT được tham gia các hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí, đồng thời cung cấp kiến thức để NCT tự biết chăm sóc sức khỏe.
Việc xây dựng và nhân rộng các mô hình nâng cao sức khoẻ cộng đồng đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao sức khoẻ nhân dân qua việc tuyên truyền, cung cấp thông tin cho người dân để họ có ý thức tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng, hạn chế sự gia tăng tỷ lệ người tiền mắc bệnh, mắc bệnh, tàn tật tại cộng đồng, góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ của nhân dân./.
Bài và ảnh: Minh Thuận