Là vùng quê biển, có tỷ lệ người nhiễm HIV cao, thời gian qua các huyện Hải Hậu, Giao Thuỷ đã xây dựng, phát huy được hiệu quả nhiều mô hình phòng chống HIV/AIDS tại cộng đồng.
Tại huyện Hải Hậu, mô hình “Toàn dân tham gia phòng chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” được triển khai tại Thị trấn Yên Định và các xã: Hải Nam, Hải Hà, Hải Tây. Tại huyện Giao Thuỷ, mô hình này được triển khai tại xã Giao Tiến và Giao Xuân. Mục tiêu của mô hình nhằm tuyên truyền, vận động hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt công tác phòng, chống HIV/AIDS. Các hoạt động của mô hình bao gồm: thành lập nhóm nòng cốt ở các xóm, tổ dân phố gồm các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội; tập huấn cho nhóm nòng cốt về kiến thức truyền thông, để các thành viên phát tờ rơi, tư vấn trực tiếp tại các hộ gia đình, viết cam kết tự nguyện cùng tham gia phòng, chống HIV/AIDS. Hằng năm các nhóm nòng cốt tổ chức thi tìm hiểu kiến thức về HIV/AIDS qua các bài viết; thi văn hóa văn nghệ, các tiểu phẩm nhỏ… với chủ đề về phòng chống HIV/AIDS. Qua đó mô hình đã nâng tỷ lệ người dân hiểu biết về HIV/AIDS từ 60% lên đến trên 90%, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng, chống HIV/AIDS; xây dựng chương trình phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng, tích cực chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS và gia đình họ cả về vật chất lẫn tinh thần, đồng thời, động viên họ xóa bỏ mặc cảm, hòa nhập cộng đồng, tham gia vào công tác phòng, chống HIV/AIDS có hiệu quả.
Mô hình nhóm tiếp cận cộng đồng “Nắng mới” triển khai tại huyện Hải Hậu và nhóm “Gió Biển”, “Ngô Đồng” triển khai tại huyện Giao Thuỷ, thuộc Tiểu ban Quản lý dự án ISDS - Hợp phần Vusta, trong Dự án Quỹ toàn cầu. Các thành viên trong nhóm là những người nghiện chích ma túy, đối tượng khách hàng của nhóm là những người nghiện chích ma túy và chị em bán dâm. Với sự hỗ trợ, giúp đỡ của Trung tâm Y tế các huyện: Hải Hậu, Giao Thuỷ, nhóm đã tiếp cận tư vấn, truyền thông cho khách hàng về HIV/AIDS và cách phòng chống, lợi ích tư vấn xét nghiệm tự nguyện, tác hại ma túy và lợi ích Methadone, các bệnh lây truyền qua đường tình dục; phát bơm kim tiêm, nước cất, bao cao su phòng lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục; lấy máu Laytest xét nghiệm HIV tại cộng đồng… Với những hoạt động tích cực, năm 2017, nhóm “Nắng mới” của huyện Hải Hậu đã chăm sóc 879 khách hàng nghiện chích ma túy, tổ chức 24 buổi truyền thông nhóm lớn và nhóm nhỏ trực tiếp cho trên 800 người nghiện chích ma túy; chuyển gửi VCT và xét nghiệm Laytest cho trên 588 khách hàng; phát hiện được 19 ca dương tính, chuyển gửi thành công 13 khách hàng tham gia điều trị ARV, tư vấn chuyển gửi được trên 24 khách hàng tham gia điều trị Methadone, phát hơn 550 nghìn bơm kim tiêm, 50 nghìn bao cao su, 350 nghìn ống nước cất. Trong 5 tháng đầu năm 2018, nhóm chăm sóc 490 khách hàng gồm 339 người nghiện chích ma tuý và 151 người bán dâm. Tổ chức 5 buổi truyền thông nhóm trực tiếp cho 300 người nghiện chích ma túy, 150 người bán dâm, chuyển gửi VCT và xét nghiệm Laytest cho trên 324 khách hàng. Phát hiện được 24 ca dương tính, chuyển gửi thành công 20 khách hàng tham gia điều trị ARV, tư vấn chuyển gửi trên 15 khách hàng tham gia điều trị Methadone, phát 68.610 bơm kim tiêm, 30.136 bao cao su, 20 nghìn ống nước cất... Nhóm “Gió biển” và nhóm “Ngô Đồng” của huyện Giao Thuỷ triển khai cho các nhóm đối tượng người tiêm chích ma túy, phụ nữ mại dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới trên địa bàn với các hoạt động: tổ chức cấp phát bơm kim tiêm và bao cao su cho đối tượng nghiện chích ma túy do các đồng đẳng viên đi phát bơm kim tiêm, bao cao su, làm test nhanh HIV; hoạt động tuyên truyền phòng lây nhiễm HIV, phát bao cao su, chất bôi trơn cho nhóm tiếp viên nhà hàng tại bãi tắm Quất Lâm. Ngoài ra, hằng năm nhóm kết hợp với Trung tâm Y tế huyện Giao Thuỷ, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh khám sàng lọc HIV và điều trị bệnh lây truyền qua đường tình dục cho 100-150 đối tượng tiếp viên nhà hàng. Năm 2017, nhóm “Ngô Đồng” đã chuyển gửi được 511 đối tượng tiếp cận dịch vụ tư vấn xét nghiệm tự nguyện lưu động (VCT), nhóm “Gió Biển” đã chuyển gửi 413 khách hàng đến dịch vụ VCT.
Mô hình xã trọng điểm về phòng chống HIV/AIDS đã và đang triển khai tại 11 xã, thị trấn trọng điểm về phòng chống HIV của huyện Hải Hậu gồm: Hải Nam, Hải Hà, Hải Hưng, Hải Phúc, Hải Phong, Hải Trung, Hải Đông, Hải Tây, Thị trấn Cồn, Thị trấn Thịnh Long, Thị trấn Yên Định và 9 xã, thị trấn của huyện Giao Thuỷ gồm: Giao Tiến, Giao Xuân, Hồng Thuận, Giao Nhân, Giao Thanh, Ngô Đồng, Bạch Long, Giao Thịnh, Thị trấn Ngô Đồng và Thị trấn Quất Lâm. Các xã trọng điểm đều hoạt động đầy đủ các nội dung về can thiệp giảm tác hại của HIV/AIDS; hằng năm có sự hỗ trợ của Trung tâm Y tế huyện và Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh về chuyên môn nên hoạt động phòng chống HIV/AIDS đạt hiệu quả cao.
Tại 2 huyện Hải Hậu và Giao Thuỷ còn có mô hình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone. Tại huyện Hải Hậu, tính đến năm 2017 có lũy tích 292 bệnh nhân, số bệnh nhân điều trị là 177 người. Trong 5 tháng đầu năm 2018, lũy tích 312 bệnh nhân, đang điều trị 177 bệnh nhân. Tại huyện Giao Thuỷ hiện có 3 cơ sở điều trị Methadone, trong đó, cơ sở đặt tại Trung tâm Y tế huyện triển khai từ tháng 7-2011, từ tháng 8-2016 đến nay chuyển cơ sở xuống Trạm Y tế xã Giao Yến. Đến nay cơ sở hiện có 136 bệnh nhân thường xuyên uống Methadone. Cơ sở điều trị ở Phòng khám Đa khoa Đại Đồng đặt tại xã Giao Thanh hiện có 232 bệnh nhân thường xuyên uống Methadone. Cơ sở điều trị ở Trung tâm Bảo trợ và phòng chống tệ nạn xã hội huyện Giao Thủy đặt tại xã Hoành Sơn hiện có 222 bệnh nhân thường xuyên uống Methadone. Ngoài ra, hằng năm Trung tâm Y tế các huyện Giao Thuỷ, Hải Hậu còn phối hợp với Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh tổ chức giám sát trọng điểm từ 1 đến 2 lần tại khu du lịch bãi tắm Quất Lâm, Thịnh Long. Mỗi lần giám sát kết hợp tư vấn về HIV/AIDS cho hàng trăm tiếp viên nhà hàng khách sạn, qua đó làm VCT lưu động từ 120-300 mẫu xét nghiệm HIV.
Hoạt động của các mô hình đã giúp người dân được tiếp cận trực tiếp với các thông tin, từ đó nhận thức về công tác phòng, chống HIV/AIDS được nâng cao. Đặc biệt, các mô hình khuyến khích người dân, đặc biệt là người bị nhiễm HIV, người nghiện ma túy, người bán dâm, người thường xuyên di biến động tham gia vào các hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại địa bàn dân cư, góp phần giảm sự lây truyền HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu như viêm gan B, viêm gan C và một số bệnh xã hội. Đặc biệt, người bệnh tham gia điều trị Methadone, ARV đã được cải thiện về sức khỏe, chuyển biến tích cực về thái độ và chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, việc nâng cao nhận thức của người dân và nhóm người có nguy cơ cao còn góp phần làm giảm số người nhiễm mới HIV, số bệnh nhân AIDS và số người chết do AIDS hằng năm, đồng thời giảm sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người bị nhiễm HIV/AIDS và những người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS./.
Minh Thuận