Vi chất dinh dưỡng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển bình thường của trẻ. Thiếu vi chất dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao, thể lực, trí tuệ và khả năng miễn dịch của trẻ... Do đó, việc bổ sung vi chất dinh dưỡng ở trẻ em là một trong những yếu tố quyết định giúp trẻ phát triển bình thường cả về trí tuệ, thể chất và tầm vóc.
Chuẩn bị bữa ăn bán trú cho các cháu Trường Mầm non Nam Vân (TP Nam Định). |
Chương trình bổ sung Vitamin A liều cao cho trẻ đã được Bộ Y tế triển khai định kỳ hằng năm. Theo đó toàn bộ trẻ dưới 5 tuổi được bổ sung Vitamin A liều cao (2 lần/năm), từ đó khắc phục đáng kể tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em, thanh toán được tình trạng mù lòa do thiếu vi chất dinh dưỡng. Ở tỉnh ta, hằng năm Chương trình Vitamin A được triển khai tại 100% số xã, phường, thị trấn với 99,91% trẻ 6-36 tháng tuổi được uống Vitamin A; tỷ lệ bà mẹ sau sinh 1 tháng được uống Vitamin A là 99,70%. Đạt được kết quả trên, mạng lưới cán bộ thực hiện công tác dinh dưỡng từ tỉnh đến các thôn, xóm ngày càng hoàn thiện, hoạt động nền nếp, hiệu quả. Kiến thức và kỹ năng nuôi con khỏe, dạy con ngoan, chăm sóc sức khỏe trẻ em của đội ngũ cán bộ y tế, của mạng lưới chuyên trách, CTV và của cộng đồng được nâng lên rõ rệt. Công tác phòng chống suy dinh dưỡng đã được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể. Các chỉ tiêu về giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng đã được đưa vào nội dung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của địa phương. Nhiều trường mầm non còn triển khai chương trình “Sữa học đường”, hằng năm có hàng chục nghìn trẻ trong độ tuổi mầm non được uống sữa đạt tiêu chuẩn, từ đó, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trong các nhà trường giảm dần. Hằng năm, trẻ từ 6-36 tháng tuổi trên địa bàn tỉnh được uống Vitamin A đúng kỹ thuật, an toàn, đạt tỷ lệ trên 99%. Trước mỗi đợt triển khai uống vitamin A, Sở Y tế có công văn chỉ đạo các trung tâm y tế, bệnh viện đa khoa các tuyến. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh có công văn chỉ đạo, cấp Vitamin A, cấp tờ rơi, tập huấn chuyên môn, tổ chức các đoàn giám sát, kiểm tra tại các huyện, thành phố, bổ sung Vitamin A cho đối tượng trẻ em từ 6-36 tháng tuổi, trẻ có nguy cơ cao đặc biệt các nơi có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi cao, đối tượng vãng lai trong độ tuổi và bà mẹ sinh con trong vòng 1 tháng. Đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhân Ngày Vi chất dinh dưỡng, cấp phát tờ rơi, băng rôn, khẩu hiệu... Đặc biệt, Ngày Vi chất dinh dưỡng năm 2018 với thông điệp: “Vi chất dinh dưỡng cần thiết cho tăng trưởng, nâng cao tầm vóc, sức khỏe, trí tuệ và chất lượng cuộc sống”. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã có văn bản đề nghị các đơn vị triển khai Chiến dịch bổ sung Vitamin A đợt I năm 2018 cụ thể: Bổ sung Vitamin A cho trẻ từ 6-36 tháng tuổi, trẻ có nguy cơ cao (trẻ bị suy dinh dưỡng nặng, tiêu chảy kéo dài, viêm đường hô hấp, nhiễm sởi), phụ nữ sau sinh trong vòng 1 tháng. Thời gian triển khai từ ngày 1 đến ngày 2-6-2018. Địa điểm tổ chức cho trẻ em uống bổ sung Vitamin A tập trung tại các cơ sở y tế hoặc các nhà trẻ, khu tập trung dân cư. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh yêu cầu trung tâm y tế các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn điều tra, lập danh sách đối tượng và dự trù số lượng thuốc Vitamin A bổ sung đợt I năm 2018 và lượng thuốc sử dụng trong điều trị hỗ trợ đối tượng mắc bệnh nhiễm trùng, các bà mẹ sau sinh 1 tháng. Các huyện tăng cường truyền thông, vận động người dân tham gia chiến dịch bổ sung Vitamin A, phòng chống suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng ngay từ hộ gia đình. Nâng cao kiến thức của người dân trong sử dụng đa dạng các loại thực phẩm có sẵn tại địa phương; thực hành, xây dựng bữa ăn cân đối, hợp lý và hợp vệ sinh...; tăng cường công tác phối hợp liên ngành, quan tâm đầu tư và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong công tác phòng chống suy dinh dưỡng và thiếu vi chất dinh dưỡng trẻ em. Đặc biệt, các hoạt động truyền thông phòng chống suy dinh dưỡng và thiếu vi chất dinh dưỡng tại 229 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh tập trung vào các nội dung: “Vi chất dinh dưỡng cần thiết cho tăng trưởng, nâng cao tầm vóc, sức khoẻ, trí tuệ và chất lượng cuộc sống”; “Bữa ăn hằng ngày cần đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm, lựa chọn và sử dụng thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng”, “Cho trẻ bú sớm, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và cho trẻ bú đến 24 tháng hoặc lâu hơn”, “Sử dụng các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng cho bữa ăn bổ sung của trẻ. Thêm mỡ hoặc dầu để tăng hấp thu Vitamin A, Vitamin D”, “Cho trẻ trong độ tuổi uống Vitamin A liều cao 2 lần/năm, bà mẹ sau sinh trong vòng 1 tháng uống 1 liều Vitamin A”, “Trẻ từ 24 đến 60 tháng tuổi uống thuốc tẩy giun 2 lần/năm. Thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường phòng chống nhiễm giun”, “Phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai cần uống viên sắt/axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn”, “Ngày 1 và 2 tháng 6, hãy đưa trẻ trong độ tuổi đi uống Vitamin A tại các điểm uống ở xã, phường”.
Thực hiện Dự án “Tăng cường chăm sóc phát triển trẻ em toàn diện gắn liền với đổi mới hệ thống y tế tại Việt Nam” do UNICEF tài trợ, Sở Y tế tiếp tục nâng cao chất lượng khám, tư vấn tại Phòng khám Tư vấn dinh dưỡng của Trung tâm CSSKSS tỉnh; tổ chức Phòng khám Tư vấn cho các bà mẹ có thai và bà mẹ có con dưới 5 tuổi tại Khoa Chăm sóc sức khoẻ trẻ em của Trung tâm CSSKSS tỉnh; tổ chức các đoàn đi giám sát hỗ trợ về công tác chăm sóc sức khoẻ trẻ em - phòng chống suy dinh dưỡng tại các xã, phường theo kế hoạch; cấp vật tư, trang thiết bị (cân, thước đo…) cho tuyến cơ sở để phục vụ tốt công tác chăm sóc sức khoẻ trẻ em, phòng chống suy dinh dưỡng. Các tuyến y tế phối hợp với các ngành chức năng, tăng cường công tác truyền thông cung cấp kiến thức cho cộng đồng. Duy trì mỗi huyện có 1 chuyên trách dinh dưỡng huyện, mỗi xã có 1 cán bộ chuyên trách dinh dưỡng xã, phấn đấu tăng cường đủ mỗi thôn xóm 1 CTV dinh dưỡng. Tập huấn nâng cao kỹ năng quản lý và triển khai các hoạt động phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em ở cơ sở cho cán bộ chuyên trách huyện, xã và tập huấn triển khai hoạt động ở cơ sở cho cộng tác viên dinh dưỡng các kỹ năng về tư vấn dinh dưỡng cho phụ nữ có thai, cho trẻ em, đặc biệt là chăm sóc dinh dưỡng khi trẻ bị bệnh, kỹ năng cân, đo, chấm biểu đồ, xây dựng báo cáo... Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông - giáo dục - dinh dưỡng rộng khắp trong toàn tỉnh bằng nhiều hình thức, đưa kiến thức về dinh dưỡng hợp lý cho bà mẹ, trẻ em đến mọi người nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, duy trì hành vi tích cực chăm sóc sức khoẻ dinh dưỡng cho bà mẹ. Đẩy mạnh xã hội hoá công tác phòng chống suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khoẻ trẻ em./.
Bài và ảnh: Minh Thuận