Thời gian qua, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh phối hợp với các ngành, đoàn thể, các địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông với chủ đề “Thực hiện tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số”. Nội dung tuyên truyền chú trọng vào việc truyền thông về lợi ích khi thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh; vận động phụ nữ chuẩn bị mang thai và đang mang thai thực hiện tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh.
Hiện nay toàn tỉnh có khoảng 2.100 trẻ em bị dị tật bẩm sinh trong tổng số 519.603 trẻ em từ 0-16 tuổi. Những năm qua, toàn tỉnh có 7.253 ca được lấy mẫu máu gót chân để sàng lọc bệnh suy giáp trạng bẩm sinh và thiếu men G6PD tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Trong đó, số ca nghi ngờ thiếu men G6PD là 135 ca, số ca khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương là 134 ca, số ca được kết luận mắc bệnh thiếu men G6PD và được điều trị là 18 ca. Các cháu mắc bệnh đều được Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện thăm hỏi, động viên, tư vấn, giới thiệu đến Bệnh viện Nhi Trung ương để kiểm tra, điều trị và theo dõi. Đến nay, đã có nhiều cháu hồi phục và phát triển bình thường. Mục đích của chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh được thực hiện tại tỉnh ta nhằm giảm thiểu số trẻ sinh ra bị các bệnh, dị dạng nặng; phát hiện và can thiệp sớm hiệu quả; giúp trẻ bị các bệnh di truyền phát triển tốt, giảm tỷ lệ bệnh tật và tử vong. Việc sàng lọc trước sinh tiến hành khi bào thai còn nằm trong bụng mẹ nhằm phòng ngừa và giảm thiểu số trẻ ra đời bị những dị dạng bẩm sinh hoặc bị bệnh di truyền nặng, như: hội chứng Down (chậm phát triển trí tuệ); hội chứng Edwards (trẻ sinh ra bị đa dị tật, thường sảy thai hoặc chết sau sinh); khuyết tật ống thần kinh (trẻ có thể bị não ứ nước, thai vô sọ, chẻ đốt sống, hoặc thoát vị màng não tủy), hội chứng Patau (đầu nhỏ bất thường, sứt môi, hở hàm ếch, tật nhiều ngón, dị tật tim)... Về cơ sở chuyên môn thực hiện Đề án, ở tuyến tỉnh có Khoa sơ sinh của Bệnh viện Phụ sản tỉnh và Trung tâm Sức khoẻ sinh sản tỉnh. Tại hai đơn vị này có máy siêu âm màu, có bác sĩ siêu âm được đào tạo nâng cao tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Khoa sơ sinh Bệnh viện Phụ sản tỉnh được cung cấp đầy đủ các phương tiện để thực hiện lấy máu gót chân trẻ sơ sinh. Tại các khoa sản bệnh viện tuyến huyện đều có máy siêu âm, có bác sĩ được đào tạo chuyên môn siêu âm nâng cao về chẩn đoán trước sinh, kỹ thuật lấy máu gót chân trẻ sơ sinh. Tại tuyến xã, trên 80% số xã trong tỉnh có bác sĩ hoặc nữ hộ sinh trung cấp đáp ứng được dịch vụ CSSKSS, KHHGĐ tại trạm y tế xã; 30 xã có cán bộ được tập huấn về kỹ thuật lấy máu gót chân trẻ sơ sinh và đã thực hiện tốt dịch vụ này.
Xét nghiệm sàng lọc sau sinh tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hải Hậu. |
Đồng chí Trần Trọng Du, Giám đốc Bệnh viện Nhi tỉnh cho biết: Sàng lọc sơ sinh là một biện pháp dự phòng hiện đại, dùng kỹ thuật y khoa nhằm tìm kiếm để phát hiện ra các bệnh liên quan đến nội tiết, rối loạn di truyền ngay khi đứa trẻ vừa ra đời, cho phép phát hiện một số bệnh lý và tật, bệnh bẩm sinh như: thiểu năng trí tuệ, thiếu men G6PD, suy giáp bẩm sinh, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh và tử vong sớm do tan máu bẩm sinh…; từ đó các bác sĩ sẽ tìm biện pháp can thiệp kịp thời đối với những bệnh có thể chữa được và tư vấn tâm lý cho bà mẹ cũng như gia đình. Để phát hiện xác định các nguyên nhân gây ra tật, bệnh bẩm sinh ở thai nhi và trẻ sơ sinh, thai phụ cần đến khám và thực hiện sàng lọc theo hướng dẫn của bác sĩ tại các cơ sở y tế có chuyên khoa sản. Về “sàng lọc trước sinh”, trong 3 tháng đầu thai kỳ: siêu âm hình thái thai nhi, đo độ mờ da gáy vào lúc tuổi thai từ 11-13 tuần 6 ngày và thực hiện một số xét nghiệm để phát hiện nguy cơ mắc hội chứng Down, dị tật ống thần kinh; tầm soát vi-rút gây dị tật thai nhi, thiếu máu, giang mai, viêm gan B, C. Trong 3 tháng giữa thai kỳ, thực hiện một số xét nghiệm cần thiết vào lúc tuổi thai từ 14-21 tuần; siêu âm hình thái và cấu trúc các cơ quan của thai nhi vào lúc tuổi thai từ 20-24 tuần nhằm phát hiện các bất thường của hệ thần kinh, hệ tim mạch, ở lồng ngực, dị tật của dạ dày - ruột, sinh dục - tiết niệu, xương… Trong 3 tháng cuối thai kỳ: không có chỉ định sàng lọc, chẩn đoán trước sinh. Tuy nhiên, các bà mẹ mang thai cần siêu âm trong thai kỳ này để đánh giá tình trạng phát triển của thai nhi và tiên lượng cho cuộc sinh nở. Đối với “sàng lọc sơ sinh”, trẻ sinh ra từ 24-48 giờ, lấy máu ở gót chân trẻ nhằm phát hiện sớm những dị tật ở trẻ sơ sinh mà mắt thường không nhìn thấy được. Một số dị tật được phát hiện qua sàng lọc sau sinh như: suy giáp bẩm sinh, thiếu men G6PD, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh và một số rối loạn chuyển hóa bẩm sinh khác.
Để sinh ra những em bé khỏe mạnh, việc tham gia sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh là rất quan trọng. Người phụ nữ ngay từ khi có ý định mang thai cần phải trang bị cho mình kiến thức cần thiết để góp phần giảm tỷ lệ bệnh tật ở trẻ. Hiện nay, Bệnh viện Nhi tỉnh là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Nhi Trung ương có quy mô 250 giường bệnh với nhiều trang thiết bị như máy Xquang, siêu âm, máy siêu âm tim, nội soi tai mũi họng, xét nghiệm… Thực hiện “Dự án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2016-2020”, Bệnh viện Nhi Trung ương sẽ đào tạo và chuyển giao kỹ thuật theo khuôn khổ dự án bệnh viện vệ tinh cho Bệnh viện Nhi tỉnh nhằm góp phần nâng cao năng lực chuyên môn về khám, chữa bệnh. Danh mục gồm 21 gói đào tạo, chuyển giao kỹ thuật như: cấp cứu - hồi sức, sơ sinh, ngoại nhi, nội nhi tổng quát, chẩn đoán hình ảnh, ngoại chuyên sâu về lồng ngực, ổ bụng, tiết niệu, chấn thương chỉnh hình, gói kỹ thuật cao… Trong thời gian tới, Bệnh viện Nhi Trung ương sẽ đào tạo cán bộ, hỗ trợ kỹ thuật chuyên môn tại chỗ cho Bệnh viện Nhi Nam Định. Đồng thời, triển khai các kỹ thuật tiên tiến trong sàng lọc sơ sinh để phát hiện sớm các bệnh lý, như: suy giáp bẩm sinh, thiếu men G6PD, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh nhằm tránh tử vong hoặc giảm chi phí điều trị, chăm sóc, phục hồi chức năng tốn kém.
Việc triển khai đề án “Sàng lọc trước sinh, sơ sinh” ở tỉnh ta đã góp phần thực hiện các chỉ tiêu công tác Dân số - KHHGĐ, nâng cao chất lượng dân số./.
Bài và ảnh: Việt Thắng