Theo số liệu của Bệnh viện Phổi tỉnh, hằng năm toàn tỉnh phát hiện từ 1.900 đến 2.000 bệnh nhân lao các thể, trong đó có từ 50-60 bệnh nhân lao kháng đa thuốc. Mắc bệnh lao đã nguy hiểm, mắc lao kháng thuốc mức độ nguy hiểm tăng gấp nhiều lần vì chi phí điều trị cho các trường hợp mắc lao kháng thuốc cao hơn hàng chục lần so với bệnh nhân lao thông thường, nguy cơ tử vong cao.
Cán bộ Bệnh viện Phổi tỉnh hướng dẫn bệnh nhân uống thuốc đúng liều, đúng thời gian quy định để hạn chế tình trạng lao kháng thuốc. |
Bác sĩ Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh cho biết: Nguyên nhân gây nên lao kháng thuốc hầu hết do bệnh nhân mắc lao thông thường điều trị không dứt điểm, không tuân thủ quy trình điều trị đúng và đủ liều. Nguyên nhân của lao kháng thuốc còn do người bình thường bị lây trực tiếp vi trùng lao từ người bị kháng thuốc. Tình trạng lao kháng thuốc hiện nay đang có chiều hướng gia tăng và là vấn đề rất nan giải bởi lao kháng thuốc là nguồn lây nguy hiểm cho cộng đồng, vì vi trùng từ người bệnh lây sang cho người lành là vi trùng đã kháng với các loại thuốc lao và tiếp tục lây lan nhiều hơn nữa nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời. Trước thực trạng này, năm 2012 Bệnh viện Phổi tỉnh đã triển khai quản lý điều trị bệnh nhân lao kháng thuốc và đã thành lập một khu cách ly riêng cho các bệnh nhân này. Năm 2015, Bệnh viện Phổi tỉnh đã chẩn đoán xác định bằng máy Gene - Xpert phát hiện lao, lao kháng thuốc cho bệnh nhân trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận. Từ cuối năm 2017, Bệnh viện có thêm máy Gene - Xpert và máy CT-scanner để phục vụ công tác khám phát hiện bệnh nhân lao và lao kháng đa thuốc. Tính đến hết năm 2017, lũy tích số bệnh nhân lao kháng thuốc trên địa bàn tỉnh là 284 người, riêng năm 2017 đã phát hiện 62 người. Hiện tại Bệnh viện Phổi tỉnh đang quản lý, cấp thuốc cho 106 bệnh nhân lao kháng thuốc. Các bệnh nhân này được theo dõi chặt chẽ, kiểm soát lây nhiễm theo hướng dẫn của Chương trình chống lao quốc gia. Bệnh nhân lao kháng thuốc được xét nghiệm và nuôi cấy đờm thường xuyên để đánh giá tiến triển của bệnh. Tất cả bệnh nhân lao kháng thuốc được điều trị giai đoạn tấn công tại Khoa Kháng thuốc của bệnh viện và được chuyển về y tế cơ sở điều trị tiếp khi bệnh nhân đã ổn định. Thông thường công thức điều trị lao kháng thuốc từ 20-24 tháng. Tuy nhiên từ tháng 9-2017, tỉnh ta được chọn là 1 trong các tỉnh được thí điểm điều trị công thức 9 tháng nên sẽ rút ngắn thời gian điều trị của người bệnh. Khó khăn đặt ra trong quá trình điều trị cho bệnh nhân lao nói chung, bệnh nhân lao kháng thuốc nói riêng, đó là, mỗi năm tỉnh ta có trên 1.800 người mắc lao mới. Riêng năm 2017 có 1.844 người mắc lao mới và đây là nguồn lây bệnh cho cộng đồng. Quá trình điều trị, các bệnh nhân lao kháng thuốc sẽ phải dùng phối hợp nhiều loại thuốc trong thời gian dài ngày nhưng ý thức tự giác của người bệnh chưa cao, một số bệnh nhân không tuân thủ điều trị. Cùng với điều trị, bệnh viện kết hợp giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân kiến thức về bệnh lao, lao kháng thuốc để bệnh nhân được trang bị kiến thức về bệnh và biết cách phòng lây nhiễm cho gia đình và cộng đồng như: phải tuân thủ các nguyên tắc: uống đủ liều, đều đặn, đủ thời gian, không được bỏ điều trị. Nếu trường hợp bệnh nhân mắc bệnh mà điều trị không hiệu quả, đang uống thuốc lao nhưng vẫn mệt, vẫn ho nhiều, vẫn sốt, hoặc vừa ngừng thuốc chừng một vài tháng lại thấy xuất hiện bệnh lao trở lại… thì đó là dấu hiệu của lao kháng thuốc. Để không trở thành bệnh nhân lao kháng thuốc, trước hết người mắc bệnh lao thông thường phải tuân thủ nghiêm phác đồ điều trị, dù trong hoàn cảnh nào cũng không được bỏ điều trị nửa chừng...
Lao kháng thuốc đang trở thành thách thức lớn đối với công tác phòng chống lao không chỉ trong nước mà trên toàn thế giới. Tuy nhiên điều mừng là với những chiến lược mới và phù hợp, nước ta đang là quốc gia đi đầu trong công tác phòng chống lao. Thế giới có 54% số ca mắc lao đa kháng thuốc được chữa khỏi nhưng tỷ lệ này ở nước ta là hơn 70%. Nếu điều trị theo phác đồ 9 tháng, tỷ lệ thành công có thể đạt 85%. Hiện tại Chương trình chống lao quốc gia đã bao phủ ở 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Bệnh nhân sẽ được điều trị lao kháng thuốc miễn phí bằng phác đồ chuẩn của Chương trình chống lao quốc gia. Người có nguy cơ mắc lao kháng thuốc cần đến trạm y tế xã, phường nơi mình đang sinh sống, hoặc khoa lao, khoa truyền nhiễm tại trung tâm y tế huyện, hoặc Bệnh viện Phổi tỉnh để chẩn đoán bệnh. Nhân Ngày Thế giới Chống lao (24-3), Bệnh viện Phổi Trung ương - Chương trình chống lao quốc gia đã triển khai chiến dịch truyền thông trên toàn quốc với chủ đề “Lãnh đạo cam kết hành động vì một Việt Nam không còn bệnh lao”. Đây là hoạt động quan trọng hướng đến cam kết chính trị các cấp và hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao, đồng thời tuyên truyền nâng cao kiến thức của người dân và cộng đồng về bệnh lao và công tác phòng chống lao; giảm mặc cảm kỳ thị đối với bệnh lao; tiếp cận sử dụng tốt nhất dịch vụ phát hiện, chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao do ngành Y tế cung cấp. Tăng cường công tác phát hiện bệnh lao, đặc biệt là lao trẻ em, lao kháng thuốc, lao/HIV. Đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế trong phát hiện, xây dựng và triển khai các công cụ, can thiệp và chiến lược mới, cũng như trong nghiên cứu về lao và bệnh phổi./.
Bài và ảnh: Minh Thuận