Tăng cường phòng, chống cúm gia cầm trong dịp Tết Nguyên đán và thực hiện tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng đợt 1 năm 2018

09:02, 16/02/2018

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO): Ngày 12-1-2018, Trung Quốc tiếp tục ghi nhận 1 trường hợp người bị nhiễm vi-rút cúm A/H7N9 tại Tân Cương nâng tổng số người bị nhiễm vi-rút cúm A/H7N9 lên 1.624 người, trong đó có 621 ca tử vong; thông báo của Tổ chức Thú y thế giới (OIE): Trong tháng 1-2018 các ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1, A/H5N8 đã phát sinh tại nhiều quốc gia, đặc biệt là cúm A/H5N1 tại Căm-pu-chia và cúm A/H5N6 tại Trung Quốc.

Trong giai đoạn trước và sau Tết Nguyên đán, điều kiện thời tiết giá lạnh, độ ẩm cao, các hoạt động vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ gia cầm tăng mạnh. Đặc biệt trên địa bàn tỉnh vi-rút gia cầm A/H5N1, A/H5N6 vẫn lưu hành trên đàn gia cầm và có dấu hiệu bùng phát thành dịch, đồng thời nguy cơ vi-rút cúm A/H7N9 cũng như các chủng vi-rút cúm độc lực cao khác (A/H5N2, A/H5N8 chưa có ở Việt Nam) lây lan vào tỉnh ta là rất cao.

Thực hiện Công điện số 1263/CĐ-BNN-TY ngày 5-2-2018 của Bộ NN và PTNT về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống cúm gia cầm, ngăn chặn vi-rút cúm A/H7N9 và các chủng vi-rút cúm nguy hiểm khác xâm nhiễm vào Việt Nam; Công văn số 1256/BNN-TY ngày 2-2-2018 của Bộ NN và PTNT về việc triển khai tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng đợt 1 năm 2018, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố, các sở, ngành liên quan khẩn trương thực hiện tốt một số nội dung sau:

1. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng tới toàn thể nhân dân về sự nguy cơ tác hại của dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất là dịch cúm gia cầm và các dấu hiệu nhận biết cúm gia cầm; đồng thời hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm một cách hiệu quả. Đặc biệt cần tuyên truyền để nhân dân giám sát, phát hiện, đấu tranh không tiếp tay cho các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc vào trong tỉnh tiêu thụ; vận động người chăn nuôi chỉ mua gia cầm giống từ các cơ sở có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch thú y; tuyên truyền cho người tiêu dùng chỉ mua gia cầm, sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng để làm thực phẩm; không ăn tiết canh gia cầm, chỉ sử dụng sản phẩm gia cầm đã qua chế biến, không ăn thịt gia cầm ốm chết, không vứt xác gia cầm ra môi trường, không giấu dịch.

2. Chỉ đạo chính quyền cơ sở nhất là lực lượng trưởng thôn, xóm, mạng lưới thú y cơ sở giám sát chặt chẽ dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi, kiểm tra nắm chắc tình hình chăn nuôi và dịch bệnh gia súc, gia cầm; vận động các tổ chức đoàn thể, người dân cùng tham gia giám sát dịch, giám sát các cơ sở giết mổ, cơ sở kinh doanh động vật, sản phẩm động vật; thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo, không giấu dịch; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, kinh phí để chủ động ứng phó kịp thời ngay khi có dịch xảy ra, tuyệt đối không để dịch lây lan ra diện rộng.

3. Tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm trên địa bàn; ký cam kết với các hộ giết mổ, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật không được giết mổ, tiêu thụ động vật ốm, chết làm thực phẩm, thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng sau mỗi ca giết mổ; nghiêm cấm việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, gia cầm nhập lậu; việc buôn bán, giết mổ gia cầm tại chợ phải được bố trí tập trung vào một khu vực và được vệ sinh, tiêu độc, khử trùng sau mỗi buổi chợ.

4. Tổ chức thực hiện "Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đợt 1 năm 2018" từ ngày 1-3 đến 31-3-2018 trên phạm vi toàn tỉnh (Thực hiện theo hướng dẫn của Sở NN và PTNT).

5. Chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm vụ xuân năm 2018 (từ ngày 1-3 đến 31-3-2018). Đặc biệt chỉ đạo tiêm phòng ngay vắc-xin cúm cho đàn gia cầm chưa đến tuổi xuất bán, nhất là đàn vịt.

6. Hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; cải tạo chuồng trại đảm bảo thông thoáng khô ráo, tránh mưa rét, gió lùa; con giống nhập phải có nguồn gốc rõ ràng; rắc vôi bột lối đi và xung quanh khu vực chăn nuôi, định kỳ phun thuốc sát trùng 1-2 lần/tuần; tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng đàn vật nuôi, bổ sung các loại vitamin, khoáng chất vào khẩu phần ăn.

7. Chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y và vệ sinh an toàn thực phẩm (nhất là những địa phương có ổ dịch cũ, tổ chức lễ hội). Thực hiện công khai danh sách, địa chỉ các cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin để người tiêu dùng biết tránh mua phải thực phẩm không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm./.

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com