Vào mùa đông xuân, thời tiết lạnh, ẩm là khoảng thời gian rất thuận lợi cho các mầm bệnh (vi khuẩn, vi-rút) phát triển, tồn tại lâu hơn trong môi trường làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở người và lây lan trong cộng đồng. Dự đoán mùa đông xuân năm nay, đặc biệt là thời gian Tết Nguyên đán và dịp lễ hội xuân đầu năm 2018, dịch bệnh sẽ có nguy cơ bùng phát và diễn biến phức tạp. Để chủ động phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa lễ hội năm 2018, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh chuẩn bị các phương án phòng, chống dịch bệnh; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, triển khai kịp thời các biện pháp vệ sinh phòng dịch, đảm bảo 100% các vụ dịch được phát hiện và xử lý kịp thời khống chế không để dịch lớn xảy ra.
Chờ khám bệnh tại Bệnh viện Nhi tỉnh. |
Để chủ động trong công tác phòng dịch, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã tham mưu cho Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Sở Y tế ban hành các văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch kịp thời. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân, trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho các khoa, phòng chức năng của Trung tâm phối hợp thực hiện trong công tác phòng chống dịch bệnh. Trung tâm cũng tiến hành kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tại đơn vị, tổ chức giao ban hằng tháng hoặc giao ban đột xuất (khi cần), đồng thời tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch của các đơn vị tuyến dưới. Ngoài ra, Trung tâm thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin về tình hình dịch bệnh trong nước và trên địa bàn tỉnh để tham mưu và triển khai kịp thời công tác phòng, chống dịch; xây dựng kế hoạch rà soát đối tượng, tổ chức tiêm vét, tiêm bổ sung đặc biệt là các vắc-xin có trong Chương trình tiêm chủng mở rộng như sởi, rubella, ho gà… đảm bảo đạt tỷ lệ trên 95% quy mô xã, phường, thị trấn. Để truyền thông phổ cập dịch bệnh mùa đông xuân, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh phối hợp với Báo Nam Định, Đài PT và TH tỉnh, Trung tâm Truyền thông - GDSK tỉnh, các trường học, hội chữ thập đỏ, các ngành, các tổ chức xã hội mở đợt tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc chủ động phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là các loại bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa như bệnh sởi, rubella, ho gà, viêm màng não do não mô cầu, các bệnh cúm gia cầm độc lực cao, cúm A(H7N9), (H5N1), tiêu chảy do vi-rút Rota…; tuyên truyền các biện pháp chủ động phòng bệnh bằng nhiều hình thức phong phú, thích hợp, tập trung vào bệnh tay - chân - miệng, tả, cúm A(H5N1), cúm A(H7N9), cúm A(H1N1), SXH và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hoá có nguy cơ xảy ra trong mùa đông xuân; tuyên truyền để người dân chú ý giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, vệ sinh nước, vệ sinh an toàn thực phẩm, vận động nhân dân tích cực thực hiện các biện pháp chủ động phòng bệnh cho gia đình và cộng đồng; tuyên truyền lợi ích của việc tiêm vắc-xin phòng bệnh để cho người dân hiểu và đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Thực hiện công tác chuyên môn, kỹ thuật, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh phối hợp trung tâm y tế các tuyến duy trì và phát động phong trào toàn dân làm vệ sinh môi trường xử lý các chất thải trong sinh hoạt, vệ sinh môi trường ở những nơi tập trung đông người (bến tàu, bến xe, chợ...) duy trì và thực hiện tốt chiến dịch diệt muỗi, loăng quăng bọ gậy; phối hợp với các ngành chức năng và Chi cục ATVSTP tỉnh trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở chế biến lưu thông lương thực thực phẩm, các nhà hàng ăn uống, giải khát; tăng cường kiểm tra công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh nước, kiểm tra chất lượng các nhà máy nước đảm bảo cung cấp nước sạch cho nhân dân. Vận động nhân dân bảo quản và sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt. Duy trì tốt các hoạt động an toàn vệ sinh thực phẩm, nước sạch và vệ sinh môi trường trong toàn tỉnh, đặc biệt chú ý cảnh báo nguy cơ về các bệnh lây truyền qua đường thực phẩm không đạt vệ sinh do thời điểm Tết, thói quen sinh hoạt, ăn uống của nhiều người dân thường bị đảo lộn dẫn tới bộ máy tiêu hóa bị ảnh hưởng, dễ dẫn đến mắc các bệnh về đường tiêu hóa, cụ thể là các bệnh liên quan đến liên cầu khuẩn do người dân ăn phải các sản phẩm từ lợn mà chưa được nấu chín, nhất là tiết canh lợn. Bên cạnh đó, củng cố hệ thống giám sát phát hiện dịch từ tỉnh đến các xã, phường, thường xuyên giám sát dịch chặt chẽ, phát hiện và xử lý kịp thời không để dịch lớn xảy ra; duy trì hoạt động giám sát tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi tỉnh, đảm bảo điều tra, giám sát, lấy mẫu xét nghiệm 100% các trường hợp nghi nhiễm cúm A vào điều trị tại các bệnh viện; chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, sinh phẩm phục vụ công tác lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển theo đúng quy định; chuẩn bị máy phun hóa chất, hóa chất, trang thiết bị bảo hộ, sẵn sàng đáp ứng kịp thời khi có dịch xảy ra; kiện toàn các đội chống dịch cơ động và đội phản ứng nhanh sẵn sàng tăng cường cho tuyến dưới; lập danh sách, bố trí nhân lực thường trực 24/24h trong các ngày nghỉ lễ; hỗ trợ các đơn vị tuyến dưới trong điều tra, giám sát bệnh dịch; khuyến khích việc sử dụng các vắc-xin dự phòng khác cho các đối tượng có nguy cơ cao.
Trong trường hợp xảy ra dịch, Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và các đơn vị y tế các tuyến thực hiện đầy đủ các nội dung như khi chưa có dịch, ngoài ra, thực hiện thêm các hoạt động như: Tăng cường và mở rộng tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh thông báo tình hình dịch hằng ngày, phát các thông điệp, các khuyến cáo phòng, chống dịch vào các “giờ vàng”; tổ chức thường trực dịch 24/24h đảm bảo nắm chắc diễn biến dịch bệnh một cách nhanh nhất, dự báo khả năng và mức độ nguy hiểm của dịch tại địa phương; phối hợp với tuyến bệnh viện tổ chức tốt việc phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh, tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong ở người do dịch bệnh; cung cấp đầy đủ trang thiết bị, vật tư, thuốc điều trị cho bệnh nhân và đảm bảo an toàn cho cán bộ y tế và người dân. Các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn tăng cường giám sát, phát hiện sớm, đáp ứng ngay, xử lý triệt để ổ dịch, không để lan rộng và kéo dài tại cộng đồng; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan tổ chức các hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục, trường học; y tế phối hợp với thú y kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch ở động vật, xử lý triệt để ổ dịch và thông báo kịp thời cho y tế cấp trên để phối hợp phòng, chống dịch bệnh lây lan từ động vật, thực phẩm sang người. Hướng dẫn người dân thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân; thực hiện ăn chín, uống sôi; thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến các sản phẩm từ gia súc, gia cầm... để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng./.
Bài và ảnh: Minh Thuận