Phòng bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus ở trẻ em

07:12, 01/12/2017

 

Theo thống kê, tại Việt Nam, tác nhân gây tiêu chảy cấp thường gặp nhất ở trẻ em, đặc biệt là lứa tuổi từ 3 tháng đến 2 tuổi là Rotavirus. Bệnh cũng có thể xảy ra ở người lớn nhưng thường nhẹ hơn. Bệnh thường xảy ra ở nước ta vào mùa đông xuân.

Bệnh lây truyền như thế nào?

Tiêu chảy cấp do Rotavirus lây lan rất nhanh, chủ yếu qua con đường phân - miệng và tay - miệng. Khi trẻ cầm nắm đồ chơi hoặc chạm tay vào các bề mặt có vi-rút rồi đưa tay lên miệng, vi-rút sẽ dễ dàng xâm nhập vào đường tiêu hóa của trẻ và gây bệnh. Vi-rút gây bệnh này có thể sống nhiều giờ trên bàn tay, vài ngày trên các bề mặt rắn và tồn tại đến 21 ngày trong phân.

Các triệu chứng của bệnh

Sau khi bị lây nhiễm khoảng 12 giờ đến 4 ngày, trẻ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng: nôn, sau đó tiêu chảy, sốt vừa phải, có thể có ho và chảy nước mũi. Nôn xuất hiện trước tiêu chảy 6-12 giờ và có thể kéo dài khoảng 2-3 ngày. Trẻ nôn rất nhiều vào ngày đầu và giảm bớt khi bắt đầu đi tiêu chảy. Tiêu chảy ngày càng tăng trong vài ngày, sau đó giảm dần. Do bị nôn và tiêu chảy nhiều (có thể đi ngoài hơn 20 lần trong ngày) nên trẻ rất dễ bị mất nước và có thể bị tử vong nếu không được chăm sóc, điều trị kịp thời.

Cách xử trí khi trẻ bị tiêu chảy do Rotavirus

 Khi trẻ có dấu hiệu của bệnh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị. Đối với trẻ bị bệnh nhẹ, sau khi đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế, có thể chăm sóc trẻ ở nhà theo sự hướng dẫn của thầy thuốc. Lưu ý những điểm sau đây:

+ Cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường. Có thể dùng nước đun sôi để nguội, nước canh rau, nước dừa tươi hoặc cho trẻ uống nước Oresol theo chỉ dẫn của thầy thuốc.

+ Cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, phù hợp theo lứa tuổi. Thức ăn nên mềm, dễ tiêu và chia nhỏ bữa ăn làm nhiều lần, đút chậm bằng muỗng vì trẻ dễ bị nôn.

+ Tiếp tục cho trẻ bú mẹ, nếu trẻ bú bình thì cần vệ sinh kỹ bình, núm vú và dụng cụ pha sữa, nên cho trẻ bú từng ít một, nhiều lần trong ngày.

+ Theo dõi số lần đi đại tiện, số lượng phân, màu phân của trẻ. Nếu có dấu hiệu nặng lên hoặc khác thường cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

+ Tuyệt đối không dùng thuốc cầm tiêu chảy cho trẻ vì các thuốc này làm giảm nhu động ruột, làm liệt ruột khiến phân không được thải ra ngoài. Do đó trẻ vẫn tiếp tục bị tiêu chảy, mà phân không được bài xuất ra ngoài, gây chướng bụng, thủng ruột, tắc ruột...

Làm thế nào để phòng tránh bệnh?

- Tiêu chảy cấp do Rotavirus lây lan rất nhanh, do đó nếu trẻ bị bệnh nên cho trẻ nghỉ học cho đến khi khỏi bệnh để tránh lây lan.

- Giữ vệ sinh tay sạch sẽ là biện pháp cơ bản để phòng bệnh. Nên tập cho trẻ có thói quen rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.

- Các bà mẹ, người chăm sóc trẻ phải rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi cho trẻ ăn và sau khi làm vệ sinh cho trẻ.

- Không để trẻ bò lê la trên sàn nhà hoặc ngậm tay, ngậm đồ chơi.

- Lau rửa sàn nhà và các vật dụng, bàn ghế, đồ chơi bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B, lau rửa sàn toa lét, bồn cầu sau khi trẻ tiêu chảy đi vệ sinh.

- Biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus là uống vắc-xin. Trẻ được uống 2 liều cách nhau 1 tháng, bắt đầu từ tuần thứ 6 sau khi sinh./.

Trung tâm Truyền thông - GDSK Nam Định

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com